Đó là lớp “Kỹ năng viết và phương pháp nghiên cứu” diễn ra từ ngày 20/2 - 16/5 do Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý đứng lớp. Học viên là cán bộ làm công tác nghiên cứu tại các đơn vị của Bộ Ngoại giao, có kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên.
Thầy giáo - Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý trao đổi với các học viên. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Từ nhu cầu thực tiễn đòi hỏi
Trước hết, nói lớp học này đặc biệt bởi “vào một ngày đẹp trời sau Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Đặng Đình Quý gọi cán bộ của Vụ Tổ chức cán bộ và cho ý kiến muốn xây dựng một lớp dành cho các cán bộ trẻ về kỹ năng viết và phương pháp nghiên cứu”, bà Kiều Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) cho biết.
Nội dung của lớp bao gồm 6 chuyên đề: - Tổng quan về phương pháp nghiên cứu; - Kỹ năng viết diễn văn; - Kỹ năng viết bài đăng báo; - Kỹ năng viết điện và báo cáo; - Kỹ năng viết bài trả lời phỏng vấn; - Kỹ năng xây dựng đề cương nghiên cứu. |
Ý kiến của Thứ trưởng chỉ trong 5 phút thôi nhưng các cán bộ của Vụ hiểu, đó là sự nung nấu, mong muốn và quan tâm đến việc nâng cao công tác viết báo cáo, đề xuất phát biểu cho lãnh đạo và công tác nghiên cứu của cán bộ trẻ, từ đó tìm ra được nhân tố xuất sắc trong công việc này cho Bộ, bà Kiều Anh chia sẻ.
Ngay khi Vụ TCCB thông báo, có tới hơn 50 cán bộ trẻ đăng ký theo học. Khi Vụ TCCB xin ý kiến Thứ trưởng về số lượng học viên đăng ký đông, khó tổ chức thì “thầy Quý” đã tiên lượng, rồi thì các bạn cũng sẽ “rớt thôi” vì không phải ai cũng theo được lớp này. Và đúng vậy, đến khi kết thúc khóa học, chỉ còn 30 người trụ lại.
Một yếu tố đặc biệt nữa, lớp học do “thầy Quý” tự xây dựng chương trình học và cũng chỉ… một mình thầy đứng lớp. Thời gian học trong gần 3 tháng, nhưng thực ra các học viên chỉ học tập trung trong 12 buổi, còn lại là “tự chiến” ở nhà. Nghe thì có vẻ nhàn nhã nhưng không phải như vậy. Thầy Quý giao bài với “số lượng nhiều khủng khiếp” - bạn Hoàng Linh chia sẻ. Với sức ép ấy, nhiều bạn đã không thể chịu được áp lực, một phần vì bận công tác, một phần nữa là cũng rất khó hoàn thành.
Thầy Quý tuy rất bận rộn nhưng vẫn trực tiếp chấm từng bài của học viên và nhận xét, chữa bài trên lớp. Ngoài ra, các học viên làm việc theo nhóm, chọn ra các bài viết xuất sắc của nhóm mình để trình bày vừa thể hiện nội dung trong bài viết vừa luyện tập cách trình bày trước công chúng, vừa tăng cường kỹ năng làm việc nhóm. Các học viên của các nhóm khác góp ý và phản biện bài của nhóm trình bày để tăng cường kỹ năng phản biện.
Toàn cảnh buổi tổng kết lớp học, ngày 16/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Viết không phải để cho mình
Được tham dự buổi học cuối cùng, cũng là buổi tổng kết lớp học, tôi mới thấm cách “dậy và học” ở lớp. Đó là một cuộc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa người thầy, người anh đi trước với lớp đàn em, học trò chứ không phải giữa một vị thủ trưởng với cán bộ cấp dưới.
Thầy trao đổi, chia sẻ cụ thể từng câu hỏi của cán bộ trẻ, đúc rút kinh nghiệm từ chính quá trình học, nghiên cứu và cuộc đời công tác của mình. Đó có thể là cách làm thế nào để một báo cáo qua được “cửa ải” cấp Phòng, cấp Vụ đến cấp cao hơn. Đó có thể là cách viết báo cáo nhanh, báo cáo chi tiết, đề xuất phát biểu, cách viết Talking point bằng tiếng Anh… thậm chí cả cách viết báo. Đó là nghệ thuật ứng xử mà theo thầy Quý, nếu ứng xử khéo thì “cải tạo” được cả thủ trưởng của mình.
Bà Phạm Lan Dung, Giám đốc Trung tâm FOSET: "Chưa có khóa học nào mà một vị Thứ trưởng lại chủ động “làm” để mọi việc đạt được hiệu quả như thế. Đây là khóa học thiết thực, làm thực chất và có rất nhiều bài tập dành cho các học viên. Trung tâm dự kiến sẽ nghiên cứu và tiếp tục tổ chức các khóa học tương tự". |
Thầy cũng nêu cụ thể cách viết, cách nghiên cứu đối với từng lĩnh vực trong Ngành: từ kinh tế, ASEAN, đến vấn đề nhân quyền của Tổ chức quốc tế… Cái khó nhất theo thầy Quý là phải “đi đúng ủng của mình”. Phải “đứng xa” ra một chút, nhìn vào vấn đề đang viết, đang nghiên cứu, tìm ra đúng ủng của mình… rồi mới bắt đầu làm. Và rồi nghiên cứu là tích lũy từng ngày và làm công việc hàng ngày cũng là nghiên cứu…
Những chia sẻ của thầy rất cụ thể, chi tiết đến mức mỗi học viên cảm thấy có thể làm ngay được. Nhưng thầy cũng bảo rằng, việc học và nghiên cứu thực sự rất khó để thực hiện. Vì vậy, thầy mong muốn các học viên tiếp tục thực hành và học từ chính công việc mình đang làm. “Quan trọng là tìm ra cách tự học tiếp, tự đào tạo tiếp, từ chính mình, từ sách vở, internet và bạn bè”, thầy Quý nói. “Bạn cứ viết một báo cáo hay một công trình nghiên cứu thành công thì sẽ làm được những cái tiếp theo”.
Trước khi kết thúc, thầy bảo, có “công thức” viết rồi thì phải cộng cảm hứng vào bài viết của mình. “Phải đưa cái hồn vào đó thì mới “đốn tim” được người nghe, còn nếu chỉ có công thức sẽ thành văn của robot”, thầy nhấn mạnh.
Ý này của thầy thì đúng cả với người viết báo như tôi, vì chỉ khi viết với nguồn cảm hứng hay đưa cái hồn vào bài viết thì khi đó “bạn đã chạm đến trái tim của tôi” như thầy Quý mong muốn.
Một số hình ảnh tại buổi học tổng kết, chiều 16/5:
Thầy Quý giao bài với “số lượng nhiều khủng khiếp” - bạn Hoàng Linh chia sẻ. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bạn Kim Phúc, Vụ Tổng hợp Kinh tế. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thầy giáo - Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý tiếp tục trao đổi với các học viên. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thầy và trò cùng chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh) |