Nhiều giáo viên lo lắng về câu chuyện dạy tích hợp. (Nguồn: Đại đoàn kết) |
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành 2 quyết định, đó là Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, khiến cho đội ngũ giáo viên THCS sẽ dạy 2 môn tích hợp băn khoăn, lo lắng.
Bởi, thực tế cho thấy, trong số các giáo viên đơn môn hiện nay cũng còn có một bộ phận thầy cô gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy thì bồi dưỡng thêm 3 tháng, liệu những giáo viên đơn môn có dạy được toàn bộ môn tích hợp có từ 2-3 phân môn ở cấp THCS hay không?
Giáo viên đơn môn được bồi dưỡng để dạy môn tích hợp
Việc bồi dưỡng chuyên môn, trau dồi thêm kiến thức thì thầy cô nào cũng hiểu được trách nhiệm của mình trước chủ trương đổi mới của ngành giáo dục. Nhưng việc đổi mới phải đặt quyền lợi của học trò lên trên hết và hạn chế tối đa sự sự lãng phí tiền bạc của Nhà nước và của giáo viên mới là điều cần thiết. Đặc biệt, đổi mới để có thể làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn, tiện ích hơn.
Thế nhưng, với chủ trương tích hợp từ 5 môn học thành 2 môn học ở chương trình mới thì dù hy vọng, tin tưởng nhưng có lẽ trong thâm tâm mọi người không tránh khỏi những băn khoăn. Chẳng hạn như hàng chục năm qua, sau mỗi kỳ thi THPT Quốc gia thì bao giờ môn Lịch sử cũng là một trong những môn thi nằm ở cuối bảng về điểm số.
Thống kê lại điểm thi mấy năm gần đây thấy rất rõ về thực trạng này. Đó là kỳ thi năm 2019, Lịch sử có điểm thi thấp nhất trong 9 môn thi, điểm trung bình là 4,30 và có 70% số bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình.
Năm 2020, điểm thi môn Lịch sử chỉ cao hơn môn tiếng Anh, với điểm trung bình là 5,19. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 260.074 (chiếm tỉ lệ 46,95%).
Kỳ thi năm 2021 vừa qua thì Lịch sử đã trở lại vị trí “đội sổ” với điểm trung bình là 4.97 và 52.03% số thí sinh có điểm dưới trung bình. Bao giờ hết nỗi buồn môn Sử vẫn là câu hỏi canh cánh trong lòng của nhiều người trong những năm qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Đó là khi môn Lịch sử được dạy độc lập ở cấp THCS, những thầy cô được đào tạo chuyên ngành môn Sử giảng dạy để cung cấp kiến thức nền tảng cho học trò ở lớp dưới mà lên đến THPT thì kết quả còn "bết bát" như vậy.
Bây giờ, chủ trương “tích hợp” môn Lịch sử và môn Địa lý lại thành một môn và với Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì sau khóa bồi dưỡng 3 tháng, những giáo viên môn Địa lý sẽ dạy cả phân môn Lịch sử và ngược lại.
Đối với môn Khoa học tự nhiên có lẽ còn khó khăn hơn môn Lịch sử và Địa lý rất nhiều bởi nội dung các phân môn của môn học này có nhiều khái niệm, định luật, công thức, tính toán… đòi hỏi sự chính xác cao hơn.
Đặc biệt, khi lên đến lớp 8, lớp 9 thì có nhiều dạng bài tập khó mà những thầy cô không được đào tạo bài bản thì rất khó để truyền đạt kiến thức đến học trò một cách bài bản, tường tận vấn đề.
Bởi trước đây, 3- 4 năm đại học, cao đẳng học một, hai chuyên ngành, ra dạy một môn học mà nhiều khi được phân công dạy khối mới của môn học đó có giáo viên còn gặp phải khó khăn.
Giờ đây học 3 tháng theo kiểu “chứng chỉ” để dạy thêm 1- 2 phân môn còn lại của môn Khoa học tự nhiên thì quả thật là một điều… phi thường.
Có chứng chỉ không khó, dạy được môn tích hợp mới khó
Ngay sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì nhiều thầy cô giáo có phần lo lắng về nội dung trong 2 quyết định này.
Đúng là kiến thức các môn tích hợp ở cấp THCS là kiến thức phổ thông thật và ai cũng đã từng học qua những kiến thức này. Tuy nhiên, học qua và bỏ hàng chục năm, thậm chí đã vài chục năm thì khi nhìn lại nó cũng không dễ để tất cả thầy cô đều có thể làm chủ được toàn bộ kiến thức.
Giáo viên liên tục phải học, phải trau dồi kiến thức để làm phong phú cho bài giảng của mình, nhưng đó là chuyên ngành mình đã được đào tạo. Còn việc để có thêm chuyên ngành thứ 2, thứ 3 nữa là điều không hề dễ dàng.
Nếu giáo viên học để có chứng chỉ như hướng dẫn của Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì không khó khăn gì bởi thực tế lâu nay cứ học sẽ có chứng chỉ mà thôi.
Nhưng, cái khó khăn nhất là khi đứng ở vị trí, vai trò người thầy thì giáo viên phải có kiến thức chuyên sâu và làm chủ được mọi tình huống sư phạm, hoạt động giảng dạy của mình trước học trò.
Dạy cho hết bài, truyền thụ những kiến thức trong sách giáo cho học trò thì không khó, cái khó là biết tạo cho học trò làm chủ kiến thức để vận dụng vào thực tiễn và phát triển phẩm chất, năng lực cho các em.
Trong khi đó, nếu vẫn bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp như với cách bồi dưỡng các chứng chỉ lâu nay thì giáo viên khó lòng để có thể lĩnh hội được kiến thức của các phân môn mới.
Một khi thầy cô còn "lơ mơ" kiến thức các phân môn mới thì làm sao mà làm chủ được hoạt động giảng dạy trên lớp, làm sao có thể dạy cho học trò những kiến thức chuyên sâu, bài tập nâng cao trong sách giáo khoa?
Lúc này, tất nhiên sự thiệt thòi thuộc về người học và làm khổ người thầy. Người học, không được truyền thụ kiến thức thấu đáo, người dạy được bồi dưỡng theo kiểu gượng gạo, khiên cưỡng cũng dễ gặp khó trong công tác giảng dạy.
Khi mọi kế hoạch của Bộ đã ban hành, tất nhiên giáo viên phải tuân theo nhưng việc xóa bỏ 5 môn học hiện nay để nhập thành 2 môn “tích hợp” ở cấp THCS có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng giáo dục và kéo theo đó là sự tốn kém về thời gian, tiền bạc là không hề ít.
Dù hy vọng rất nhiều nhưng những băn khoăn, lo lắng trong một bộ phận giáo viên là điều không tránh khỏi.
*Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.