Những người có cơ địa dị ứng, có nên tiêm vaccine Covid-19?. (Nguồn: Reuters) |
Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19 của Bộ Y tế nêu rõ, 4 đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng. Trong đó, với những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên, cần thận trọng, khám sàng lọc kỹ và cần được tư vấn đầy đủ và chỉ định phù hợp của bác sĩ.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có tiền sử dị ứng đều không thể tiêm vaccine Covid-19. Vậy, trường hợp có tiền sử dị ứng nào không nên tiêm vaccine?
Theo TS. BS Nguyễn Hữu Trường - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), những trường hợp không được chỉ định tiêm vaccine là người có tiền sử dị ứng nặng (phản vệ từ độ 2 trở lên).
Còn những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn… đều có thể được chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 như những người không có tiền sử dị ứng.
Một số đối tượng có thể được chỉ định tiêm vaccine nhưng cần sự thận trọng đặc biệt, bao gồm: Những người có tiền sử dị ứng tức thì với nhiều loại thuốc, dị ứng vaccine, hội chứng quá mẫn với aspirin và thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiền sử phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc bệnh lý tế bào mast.
Cũng theo TS. BS Nguyễn Hữu Trường, phản vệ sau tiêm là dạng tai biến không thể dự báo trước, có thể xảy ra ở cả những người không có tiền sử dị ứng.
Vaccine Covid-19 là một loại thuốc, tương tự như bất kỳ loại thuốc và vaccine nào khác, sau khi tiêm đều có thể gặp một số phản ứng, mức độ tùy vào cơ địa mỗi người. Đây là điều hoàn toàn bình thường và nằm trong dự liệu của các nhà khoa học.
Trong quá trình nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine Covid-19 đều ở mức độ nhẹ đến trung bình, và thường hết trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
Tuy nhiên, người tiêm không nên quá lo lắng bởi việc phản ứng xảy ra chứng tỏ vaccine đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Đây là một phần của quá trình huấn luyện hệ miễn dịch cách nhận diện mục tiêu và tiêu diệt virus SARS-CoV-2 nếu mắc phải.
Đối với những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng, thì sau tiêm vaccine có thể gặp dị ứng cao hơn so với những người không mắc bệnh dị ứng.
Do đó, theo nguyên tắc của việc dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị hoặc trước khi tiêm vaccine, người từng có cơ địa dị ứng cần khai báo kỹ để bác sĩ cân nhắc việc có nên tiêm vaccine hay không và nếu tiêm sẽ có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.
BS Trường nhấn mạnh, để theo dõi và được xử trí tốt nhất nếu có phản ứng xảy ra, tất cả các trường hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 đều cần được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau tiêm.
Những người có tiền sử dị ứng đều cần được theo dõi tại chỗ sau tiêm ít nhất 60 phút. Những trường hợp nghi ngờ dị ứng, cần khám chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ trước khi chỉ định tiêm.
TS. BS Nguyễn Hữu Trường lưu ý thêm, người dân không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc gì trước khi tiêm mà cần thành thật khai báo sàng lọc trước tiêm vaccine để được loại trừ các yếu tố nguy cơ một cách tốt nhất.
Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vaccine Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam gồm AstraZeneca; Gam-Covid-Vac (Sputnik V), Vero Cell của Sinopharm, Comirnaty của Pfizer/BioNTechVaccine Spikevax (Tên khác là: Covid-19 Vaccine Moderna) và Covid-19 Vaccine Janssen.
Tính đến 6h sáng 3/8, tại Việt Nam, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 6.959.197 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.246.333 liều, tiêm mũi 2 là 712.864 liều.