TIN LIÊN QUAN | |
Tài năng violin Việt ở Na Uy | |
Người Việt tại Na Uy hỗ trợ trẻ em hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam |
Gặp Đỗ Phương Nhi trong buổi diễn gần đây tại Hà Nội có thể nhận thấy sự trưởng thành vượt bậc của tài năng nhí từng gây bất ngờ tại Hòa nhạc Toyota xuyên Việt 2011. Cô bé vĩ cầm ngày nào giờ đã trở thành cô gái 19 tuổi duyên dáng, hiện đang theo học tại Học viện âm nhạc Barratt-Due ở Olso (Na Uy).
Nghệ sĩ Đỗ Phương Nhi. |
Với tài năng vượt trội về violin, cô đã có cơ hội tham gia biểu diễn độc tấu với nhiều dàn nhạc như Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc thính phòng Hà Nội, Dàn nhạc Forsvarets-Musikk, Dàn nhạc Romerike Symphony Orchestra, Dàn nhạc TrondheimSoloist (Na Uy), Dàn nhạc Fort Collins Symphony Orchestra (Mỹ)…
Bản lĩnh con nhà nòi
Đỗ Phương Nhi sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là giảng viên violin Đỗ Xuân Thắng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, mẹ là nghệ sĩ violin Lê Hoàng Lan của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và cậu ruột là nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Bởi thế, việc cô gái này chơi, đam mê cây đàn violin cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi chia sẻ về cô con gái, nghệ sĩ Lê Hoàng Lan cho biết, ban đầu gia đình chỉ có ý định cho con học đàn để giảm bớt sự hiếu động, giúp con học được tính kiên nhẫn, sự chịu khó cũng như trở nên nữ tính hơn. Bởi khi ấy, cô bé Nhi khá nghịch ngợm, thường tìm đàn của bố mẹ để đập chơi cho phát ra tiếng mới chịu. Sau này, khi cho con tiếp xúc với violin, vợ chồng nghệ sĩ Lê Hoàng Lan mới nhận ra năng khiếu và niềm say mê đặc biệt của cô con gái. Họ thường đưa con đi nghe hòa nhạc và những lúc ấy, cô con gái luôn thưởng thức các tác phẩm cổ điển với sự chú ý cao độ.
May mắn khác là mới bốn tuổi, Nhi đã nhận được sự dìu dắt tận tình của Giáo sư-Nghệ sĩ nhân dân Ngô Văn Thành. Những năm sau, cô gái tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji, nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân nên sớm có cơ hội đứng trên sân khấu biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Nhạc trưởng Honna Tetsuji từng nhận xét cô gái nghịch ngợm, cá tính này là một tài năng violin hiếm có của Việt Nam.
Khi 11 tuổi, với sự khổ luyện cần mẫn, cô gái nhỏ đã có thể trình diễn những tác phẩm khó nhất dành cho violin trong kho tàng âm nhạc cổ điển như bản Concerto giọng Mi thứ của nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Năm 13 tuổi, tại Hòa nhạc Toyota xuyên Việt 2011, cô đã mạnh dạn trình diễn những tác phẩm cổ điển nổi danh của các nhạc sĩ vĩ đại như Goerges Bizet, Johann Strauss, Leroy Anderson, Camille Saint-Saens... Năm 15 tuổi, cô lại tự tin biểu diễn bản “Concerto viết cho đàn violin” với dàn nhạc của Tchaikovsky tại Hòa nhạc Toyota 2013.
Sinh ra trong cái nôi âm nhạc và nhận được sự trợ giúp tích cực của bố mẹ, nhưng Đỗ Phương Nhi luôn chủ động trong việc học tập, chăm chỉ rèn luyện và tỏ ra khiêm tốn khi nói về những thành công bước đầu của mình. Đó cũng là lý do ở tuổi 18, cô gái vĩ cầm Việt Nam quyết định một mình lên đường theo học tiếp tại Học viện âm nhạc Barratt-Due danh tiếng ở Na Uy.
Nghệ sĩ Đỗ Phương Nhi trong một buổi biểu diễn. (Ảnh: NVCC) |
Một sứ giả của âm nhạc Việt
Cơ duyên đưa Nhi đến Olso là vào vào năm 2010, khi theo học lớp Masterclass tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tiếng đàn của cô đã gây ấn tượng mạnh với Giáo sư Stephan Barratt-Due. Thời gian sau, cô được ông mời tham gia biểu diễn cùng các tài năng trẻ châu Âu tại Valdres Summer Festival và Hardanger Festival (Na Uy) và dành được học bổng theo học tại Học viện âm nhạc Barratt-Due.
Học viện âm nhạc Barratt-Due là trường giáo dục âm nhạc được sáng lập bởi nghệ sĩ piano Mary Barratt Due và nghệ sĩ violin Henrik Adam Due từ năm 1927. Nằm tại Fagerborg ở Oslo, học viện này cung cấp phương pháp giáo dục âm nhạc từ độ tuổi trẻ sơ sinh đến cấp đại học và hướng đến sân khấu chuyên nghiệp. Mô hình giáo dục của Barratt-Due đã trải qua ba thế hệ và là tiêu điểm quan trọng trong đời sống âm nhạc của Na Uy. Giáo sư Stephan Barratt-Due hiện là Giám đốc nghệ thuật của học viện danh tiếng này.
Tại đây, Đỗ Phương Nhi được nhận học bổng toàn phần cho bốn năm đại học. Cũng trong thời gian du học, cô gái đã làm dày thêm bộ sưu tập thành tích cá nhân với giải Nhất tại cuộc thi dành cho các tài năng trẻ Sparre Olsen tại Gjovik năm 2015. Năm 2016, cô vinh dự được biểu diễn cùng dàn nhạc Giao hưởng Fort Collins (Mỹ) với các tác phẩm Concerto giọng Son thứ của Max Bruch – đây là niềm mơ ước của rất nhiều nghệ sĩ trẻ.
Mới đây, cô gái đến từ Việt Nam còn được chọn là Đại sứ âm nhạc của Lễ hội âm nhạc Valdres Summer Festival 2017 tại Na Uy. Cô tâm sự: “Môi trường học tập quốc tế đã mang lại cho em những kiến thức phong phú và tinh thần lao động, cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Em mong muốn được trau dồi nhiều hơn về chuyên môn, khả năng biểu diễn violin, cũng như có thêm nhiều cơ hội lưu diễn để có thể mang hình ảnh Việt Nam đến khắp nơi trên thế giới”.
Mơ về Vietnam Centre lan tỏa khắp thế giới Ước mơ ấy không quá xa vời bởi đó là tâm huyết của những người Việt trẻ ở Australia với khao khát mạnh mẽ mở ... |
Người Việt lơ là với việc thông tin cá nhân bị thu thập Một khảo sát của Công ty Tư vấn Nghiên cứu toàn cầu Kantar TNS với 70.000 người từ 56 quốc gia cùng 104 cuộc phỏng ... |
Phụ nữ Việt tại Na Uy cùng “giữ lửa” Cộng đồng người Việt được đánh giá là hội nhập thành công nhất so với các cộng đồng nhập cư ngoài châu Âu ở Na ... |