“Ôi, bạn đến từ Việt Nam à? Mình vừa ở Hà Nội hai tuần trước, nhân kỳ nghỉ Giáng sinh. Lang thang ở phố cổ, thưởng thức cà phê trứng. Mình chuẩn bị quay lại Việt Nam!”.
Đấy là màn chào hỏi “đầy ắp thông tin về Việt Nam” của Moscuzza, Bí thư thứ Hai phụ trách chính trị, Đại sứ quán Anh tại Singapore trong một buổi chiêu đãi của Đại sứ quán hồi giữa tháng Một năm nay. Buổi chiêu đãi do Đại sứ quán Anh tổ chức dành cho các học viên tham dự Hội thảo Truyền thông chiến lược lần thứ nhất của Vụ truyền thông quốc tế, Nội các vương quốc Anh.
Sự hồ hởi và ánh mắt tươi vui của nhà ngoại giao nữ trẻ tuổi khi nói về Việt Nam như tăng thêm sự tò mò cho những người đối diện. Với những ai gắn bó lâu năm với Hà Nội, chỉ cần nghe từng ấy đã đủ hình dung không khí nhộn nhịp ở những con phố nhỏ ở phố cổ; hiển hiện hình ảnh những cốc cà phê “núng níng” màu caramel sữa, cảm được vị thơm, ngậy của trứng, vị đắng của cà phê, dù trong không gian nhỏ bé của các quán vỉa hè hay ở những cửa hàng sang trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ hai từ trái) thưởng thức cà phê của Việt Nam và trò chuyện trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, ngày 11/9/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Mình sẽ đến Hà Nội!
Nurul Noar, chuyên viên nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu chống khủng bố khu vực Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Malaysia chưa từng có dịp đến Việt Nam. Yêu mến đất nước hình chữ S từ lâu nên mỗi khi có đồng nghiệp đi công tác Việt Nam, Noar thường hỏi Hà Nội có gì đặc sắc không, đến Việt Nam thì làm gì, chơi ở đâu. Noar bảo đấy là một cách “dò la” thông tin trước để khi có dịp đến Việt Nam thì không cảm thấy bỡ ngỡ.
Nhưng Noar không khỏi ngạc nhiên khi nhiều bạn bè của cô gần đây thường nhắc đến cà phê dừa khi trở về từ Việt Nam. Noar không lạ với ẩm thực của đất nước Đông Nam Á này bởi quán bán đồ ăn Việt khá phổ biến ở Kuala Lumpur với những món ăn đã trở thành thương hiệu như phở, bánh mì, cơm tấm… Biết Noar là người sành cà phê, các bạn cô quả quyết rằng nếu Noar đến Việt Nam thì sẽ “nghiện” ngay món cà phê dừa.
Noar hỏi tôi tỉ mỉ về hương vị cà phê dừa như thế nào. Thật khó miêu tả chính xác, tôi chỉ có thể chia sẻ với Noar rằng cà phê dừa ở Việt Nam có hàng chục loại, có thể là cà phê cốt dừa đá xay, cà phê sữa dừa, cà phê trân châu cốt dừa, cà phê thạch dừa… Chung quy lại thì nó có vị mát dịu nhẹ, béo thơm, khi uống đọng lại mùi hương hài hòa giữa cà phê và nước cốt dừa, sợi dừa.
Có vẻ như tôi chưa diễn tả được “trọn vị” thức uống tương đối mới mẻ này ở Việt Nam, Noar tần ngần một lúc rồi bảo: Mình lên kế hoạch đến Hà Nội vào mùa Hè này!
Văn hóa cà phê
“Cuối tuần cà phê nhé!”, “Sáng mai ngồi cà phê bàn chuyện nhé!”. Những lời rủ rê này có lẽ quá quen thuộc trong đời sống người Việt, ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền. Văn hóa cà phê này cũng đang dần trở thành một lựa chọn của nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Hình ảnh khách du lịch quốc tế thưởng thức cà phê Việt Nam trở nên phổ biến ở các điểm đến từ Bắc chí Nam.
Ông Ramesh, một doanh nhân người Ấn Độ, hiện đang điều hành một công ty đa quốc gia có trụ sở ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết, ở một số nước, nhiều người có thói quen uống cà phê khi ở văn phòng để giảm bớt căng thẳng hoặc thời điểm ăn sáng để khởi đầu một ngày mới tỉnh táo. Nhưng văn hóa cà phê ở Việt Nam thì khác.
Có thể nhìn thấy quán cà phê khắp nơi, là địa điểm kết nối bạn bè, đối tác, thậm chí là không gian làm việc lý tưởng. Bởi thế, mỗi khi đến Việt Nam, Ramesh thường hẹn đối tác ở quán cà phê, vừa thưởng thức loại đồ uống này thật chậm, vừa bàn thảo công việc, trong một tâm thế thoải mái và điềm tĩnh.
Anh Wandy, công chức làm việc cho một cơ quan chính phủ của Indonesia, đã có trải nghiệm với cà phê Việt Nam từ hơn mười năm trước. Trong chuyến du lịch trăng mật đến Việt Nam, sau khi dạo quanh chợ Bến Thành, thăm Bảo tàng chiến tranh, cả anh và vợ cảm thấy như “đuối sức” dưới cái nắng nóng của Thành phố Hồ Chí Minh. Hai vợ chồng trẻ tạt vào một quán nhỏ ven đường, gọi hai cốc cà phê sữa đá. Wandy bảo, đến giờ anh vẫn nhớ như in hương vị của cốc cà phê trong quán vỉa hè đơn sơ 15 năm trước.
Vị đậm đà, mát lạnh của cốc cà phê đá dường như là sự kết hợp hoàn hảo để du khách “hồi sức” trong thời tiết nóng ẩm ở miền Nam, tiếp thêm năng lượng cho chặng đường trải nghiệm phía trước. Đến giờ, mỗi lần trở lại Việt Nam, trong lịch trình công tác bận rộn, Wandy vẫn thường “trốn đoàn” ra ngoài vào mỗi sáng sớm, tự thưởng cho mình cốc cà phê sữa đá ven đường.
Quả thực, cách đây nhiều năm, khi có các cuộc gặp với bạn nước ngoài, tôi chỉ nghĩ đến việc đưa khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lên phố Hàng Đào, Hàng Ngang mua đồ lưu niệm. Xa hơn chút thì dẫn các bạn xuống làng lụa Vạn Phúc, rồi đi ăn phở… Thưởng cà phê chưa hề nằm trong lịch trình.
Tôi đưa danh thiếp của mình cho Moscuzza và Noar. Bảo là sang Việt Nam thì gọi mình nhé, mình sẽ dẫn các bạn đến những quán cà phê nổi tiếng!
Đi uống cà phê là một phần không thể thiếu trong lịch trình của nhiều du khách khi tới Việt Nam. (Ảnh: Mộc Nhiên) |
Ngoại giao cà phê, tại sao không?
Tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, mỗi dịp tiếp khách, người phục vụ thường hỏi khách uống gì, trà hay cà phê. Đa phần khách, từ quan chức đến doanh nhân, nhà khoa học, nghệ sĩ, giới báo chí… đều trả lời cà phê. Điều này quen thuộc đến nỗi mà nhân viên của Đại sứ quán nhiều lúc không cần hỏi, pha luôn cà phê mời khách!
Và mở đầu câu chuyện cũng thường là những lời tấm tắc khen vị cà phê Việt Nam. Nhiều khách còn “mạnh dạn” hỏi liệu có thể xin vài gói cà phê pha sẵn về giới thiệu với gia đình bạn bè. Không phải ngẫu nhiên mà trong các hội chợ, triển lãm, hội thảo, các buổi chiêu đãi ngoại giao, lúc nào cũng có sự hiện diện của cà phê Việt Nam, với rất nhiều thương hiệu. Cà phê cũng trở thành quà tặng không thể thiếu cho các đối tác của Đại sứ quán mỗi dịp gặp gỡ, lễ tết, chúc mừng nhân sự kiện trọng đại.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết, qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, văn hóa, xúc tiến thương mại hàng hóa, các đối tác luôn nhắc đến sản phẩm cà phê Việt Nam như một loại đồ uống gắn liền với tên của quốc gia. Trong số nhiều sản phẩm đặc sản của Việt Nam, cà phê là một trong những quà tặng ngoại giao rất được ưa chuộng. Theo ông Dũng, nếu cà phê được tặng kèm theo lời giới thiệu về cách trồng, chế biến và pha chế cà phê (nhất là cà phê pha phin) thì giá trị tăng lên rất nhiều.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Ngô Toàn Thắng cho rằng, sự kết nối từ cà phê đang là một phần bí quyết để Việt Nam tiếp tục lan tỏa hình ảnh của mình tại đất nước Trung Đông này. Thông điệp về sự phát triển lớn mạnh của ngành cà phê Việt Nam đã được lồng ghép vào nhiều sự kiện tiếp xúc với các quan chức cấp cao, doanh nghiệp địa phương, cũng như các buổi phỏng vấn trên báo chí, truyền hình. “Giờ đây, khi đến với Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait, hoặc những sự kiện có sự tham gia của Việt Nam, câu hỏi thường trực của khách ngoại giao là: ‘Bạn có phục vụ cà phê chứ?’. Đây vừa là niềm vui, cũng là sự thúc giục, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo từ phía Đại sứ quán cho các sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước”, ông Thắng chia sẻ.
*
Đã có khi tôi tự hỏi, những câu chuyện với bạn bè nước ngoài nếu “sa đà” vào việc nói về hương vị cà phê, văn hóa cà phê thì liệu có giới hạn nhiệm vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam trong thức uống này không?
Không hẳn vậy! Moscuzza bảo, nhờ những buổi ngồi chậm rãi thưởng thức cà phê ở Hà Nội, cô được các “bạn cà phê” giới thiệu về những điểm đến không thể bỏ qua khi đến Việt Nam như Sapa và Hạ Long. Đấy là lý do ngay từ đầu, Moscuzza bảo sẽ quay lại Việt Nam, thử thách những cung đường phượt ở đèo Ô Quy Hồ, bản Cát Cát… Noar thì nói rằng, cô đã “ghim” được hai địa chỉ may quần áo lấy nhanh ở Hội An, đã chọn sẵn loại vải, màu trang phục và chờ ngày đến check - in Việt Nam với bộ quần áo mới may, ở quán cà phê phủ đầy hoa giấy!
Như Đại sứ Ngô Toàn Thắng chia sẻ, “ngoại giao cà phê” đã đi một hành trình dài, từ điểm xuất phát là công cụ để thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước, trở thành hình ảnh không thể thiếu trong bức tranh chung về Việt Nam trong mắt người dân Kuwait. Trong khi đó, Đại sứ Mai Phước Dũng cho rằng, cà phê Việt Nam cũng là một công cụ định vị thương hiệu quốc gia, một loại đồ uống gắn liền với tên đất nước. Nghĩa là quảng bá cà phê Việt Nam, cũng là một phần của việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Và đó không chỉ là công việc của các nhà ngoại giao! Chúng ta, ai cũng có thể góp phần vào hành trình đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam.