Đức thường được coi là nền kinh tế lớn có trách nhiệm nhất trong khu vực đồng Euro khi nói đến tài chính. (Nguồn: AP) |
Quy định phanh nợ đã lỗi thời?
Ngày 8/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius bày tỏ sự không hài lòng với kết quả đàm phán ngân sách quốc phòng của chính phủ liên minh ba đảng.
Theo đó, thỏa thuận ngân sách trong nước cho năm 2025 của chính phủ liên minh chỉ dành 53 tỷ Euro (57,4 tỷ USD) cho lực lượng vũ trang Đức, so với yêu cầu 58 tỷ Euro (62,8 tỷ USD) của Bộ trưởng Pistorius, trong bối cảnh Berlin muốn tăng cường năng lực quân sự.
Quyết định cắt giảm ngân sách diễn ra sau nhiều tháng đàm phán. Dù không đạt mức yêu cầu nhưng chi tiêu quốc phòng của quốc gia Tây Âu này vẫn vượt mức mục tiêu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra cho các nước thành viên.
Bộ trưởng Pistorius cho hay, đến năm 2028, ngân sách quốc phòng của Đức dự kiến tăng lên khoảng 80 tỷ Euro (86,7 tỷ USD) - mức cao nhất trong lịch sử nước này.
Chi tiêu quốc phòng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tuần này ở Washington DC, Mỹ.
Pháp đã thu hút mọi sự chú ý khi đề cập cuộc khủng hoảng nợ mới nhất của châu Âu. Một "quốc hội treo" đã mở ra cánh cửa cho việc chi tiêu cao hơn do Cánh tả chủ trì - phe giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội.
Các khoản nợ của Paris đã tăng lên và có xu hướng tiếp tục tăng, đẩy chênh lệch chi phí vay giữa Pháp và Đức lên cao.
Đức thường được coi là nền kinh tế lớn có trách nhiệm nhất trong khu vực đồng Euro khi nói đến tài chính. Điều này được thể hiện trong “schwarze null” (còn gọi là “số 0 đen”) - một cam kết chính trị nhằm cân bằng ngân sách, và biện pháp phanh nợ được áp dụng. Phanh nợ là giới hạn vay được quy định trong Luật cơ bản và được Tòa án Hiến pháp Liên bang thực thi nghiêm ngặt nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
Kết quả của việc tuân thủ quy định trên được thể hiện qua sự so sánh về tài chính của Pháp và Đức.
Cụ thể, trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cả hai nước đều có khoản nợ như nhau, vào khoảng 2/3 GDP. Tuy nhiên, trong thập niên tiếp theo, hai quốc gia hàng đầu châu Âu đã có sự khác biệt. Vào thời gian trước đại dịch (2020), tỷ lệ này ở Pháp đã tăng gần 100% trong khi ở Đức là dưới 60%.
Ngay cả sau Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng (2022), Đức vẫn có khoản nợ dưới 64% GDP, trong khi của Pháp ở mức 110% và đang tăng lên.
Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg cho biết, điều đó có nghĩa là chính phủ Đức mặc dù đang ở vị thế tài chính rất mạnh nhưng bị hạn chế về những gì họ có thể làm với đồng tiền của mình.
Chuyên gia này nói: “Đức có nhiều dư địa tài chính hơn hầu hết các quốc gia khác, chỉ là họ không cho phép mình sử dụng nó. Nợ của chúng ta thấp, thâm hụt ở mức hợp lý. Nợ của chúng ta, nếu có, đang giảm dần theo tỷ lệ GDP.
Tuy nhiên, chúng ta đang mắc kẹt với việc phanh nợ mà cách đây 10 hoặc 15 năm dường như có ý nghĩa nhưng hiện tại lại không còn ý nghĩa nữa”.
Trong khi Đức tự hào về sự thận trọng, chính phủ liên minh do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu cũng thất bại trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua, giống như đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz chỉ đứng thứ ba, với dưới 14% phiếu bầu, đảng Xanh đứng thứ tư với 11,9%. Đảng Dân chủ tự do (FDP) đạt hơn 5%. Trong khi đó, Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) - đảng của cựu Thủ tướng Angela Merkel - dẫn đầu với 30% phiếu bầu, theo sau là đảng cánh hữu AfD, giành được gần 16%.
Điều đó khiến những xích mích trong chính trường thậm chí còn trở nên phức tạp hơn bình thường trước thỏa thuận ngân sách vào tuần trước.
Theo đó, ngày 5/7, các bên cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận ngân sách tuân thủ các quy định vay mượn chặt chẽ trong khi cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách kéo dài tuổi nghỉ hưu và giúp người di cư tham gia thị trường việc làm.
Cần thay đổi?
Các nhà kinh tế cho rằng, một trong những lý do khiến Đức không còn phù hợp trong việc bó buộc tài chính là những mối đe dọa mới mà nền kinh tế lớn nhất châu Âu này phải đối mặt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022).
Nhưng cũng có những căng thẳng tài chính khác.
Dân số Đức đang già đi, gây áp lực lên tài chính công khi lương hưu và chi tiêu chăm sóc sức khỏe tăng lên. Đồng thời, số lượng công nhân đang giảm mạnh. Liên hợp quốc dự đoán, từ năm 2020 đến giữa những năm 2030, số người trong độ tuổi từ 20 đến 69 ở Đức sẽ giảm khoảng 5 triệu, tức gần 1/10 dân số.
Nhà nghiên cứu Franziska Palmas tại tổ chức nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics có trụ sở ở London (Anh) cho biết, điều này sẽ gây áp lực ngày càng tăng đối với nguồn tài chính bị hạn chế của Berlin.
Bà nói: “Việc phanh nợ sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết trong những năm tới. Chi tiêu cho lương hưu có thể sẽ tăng đáng kể do dân số già đi”.
Sự siết chặt tài chính mạnh mẽ đến mức hầu hết các lĩnh vực chi tiêu khác sẽ bị sụt giảm từ nay đến năm 2027. Cơ sở hạ tầng vốn đã ở trong tình trạng đặc biệt tồi tệ, với mạng lưới đường sắt từng được ngưỡng mộ của Đức giờ đây trở thành điểm yếu quốc gia.
Các chuyến tàu đỗ ở ga Frankfurt, Đức trong bối cảnh các tài xế tàu hỏa nước này tiến hành cuộc đình công, ngày 6/3/2024. (Nguồn: Reuters) |
Chuyên gia Felix Hufner tại ngân hàng UBS cho biết, việc duy trì chi tiêu ở mức thấp sẽ kìm hãm tăng trưởng GDP trong ngắn hạn và cơ sở hạ tầng càng xuống cấp thì triển vọng dài hạn của Đức sẽ càng tồi tệ. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi dân số già đi và lực lượng lao động của đất nước bị thu hẹp.
Ông Hufner nói: “Nếu dân số ít đi thì đầu tư là một cách để hỗ trợ sự phát triển lâu dài. Một cách để giúp họ làm việc hiệu quả hơn là có cơ sở hạ tầng tốt hay áp dụng số hóa…”.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế không hoàn toàn bị thuyết phục rằng các quy định về nợ phải được thay đổi.
Ví dụ, ông Clemens Fuest, Chủ tịch Viện IFO, đã viết một báo cáo vào tuần trước, lập luận rằng chính phủ phải ưu tiên đầu tư thay vì chi tiêu lương hưu, để thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn tuân thủ các quy tắc vay mượn.
Các chính trị gia thậm chí còn bị chia rẽ nhiều hơn.
Đảng FDP, phụ trách Bộ Tài chính, không muốn dỡ bỏ phanh nợ. Nội bộ SPD không có sự thống nhất.
Có nhiều cách để lách quy tắc, chẳng hạn như bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp, như trong đại dịch. Tuy nhiên, nỗ lực chuyển số tiền 60 tỷ Euro chưa sử dụng trong các khoản vay cứu trợ dịch Covid-19 cho Quỹ Biến đổi và khí hậu đã bị Tòa án Hiến pháp Liên bang bác bỏ vào năm ngoái, trong một vụ kiện do đảng CDU đối lập đưa ra.
Điều này cho thấy có thể chỉ có sự thay đổi các quy tắc sau cuộc bầu cử tiếp theo vào cuối năm 2025, và thậm chí chỉ khi chính phủ mới có được ít nhất 2/3 đa số ghế cần thiết để thay đổi Hiến pháp.
Chuyên gia Schmieding nói rằng, việc phanh nợ được cho là sẽ khiến các chính trị gia suy nghĩ cẩn thận về chi tiêu, nhưng cuối cùng lại khiến họ phải cắt giảm đầu tư và ủng hộ lương hưu. Nới lỏng các quy định trong kế hoạch phanh nợ có thể cho phép quốc gia cải tổ cơ sở hạ tầng đang ọp ẹp, mang lại động lực cho nền kinh tế trong những năm tới.
“Đức làm việc dựa trên sự đồng thuận. Trong thời gian sắp diễn ra cuộc bầu cử, phe đối lập chỉ vui mừng khi chính phủ gặp khó khăn và sẽ không đưa tay ra giúp sức”, ông Schmieding nhận định.
Chuyên gia này kết luận: “Tôi tin tưởng rằng sau cuộc bầu cử, lý trí sẽ thắng thế và việc phanh nợ sẽ được thay đổi để tạo thêm không gian cho đầu tư và quốc phòng. Trừ khi điều đó xảy ra, nếu không, vấn đề nợ thấp của Berlin chắc chắn sẽ làm chậm lại nền kinh tế Đức, cũng như việc vay nợ của Paris đang gây tổn hại cho nước Pháp”.