Cố vấn cao cấp Tim Rieser (phải) và Thượng nghị sĩ Patrick Leahy. |
Cầu nối” hai thế hệ
Chúng tôi rất vui vì ông trở lại thăm Việt Nam, sau lần gần đây nhất là vào tháng 11/2022. Điều gì đã đưa ông trở lại mảnh đất này?
Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và tôi đã cùng nhau làm việc trong nhiều năm liền và một trong những ưu tiên của chúng tôi là Việt Nam. Tháng Một vừa qua, Thượng nghị sĩ Leahy nghỉ hưu. Đã từ lâu, chúng tôi luôn trăn trở rằng ai sẽ kế thừa di sản của Leahy tại Quốc hội để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam, đặc biệt trong hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh.
Cá nhân tôi luôn mong muốn đưa các nghị sĩ tới Việt Nam để họ thực sự hiểu tại sao Hoa Kỳ lại cần phải dành nhiều nỗ lực để giải quyết hậu quả chiến tranh và phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam. Từ đó, tôi mong rằng họ sẽ tiếp tục nỗ lực mà những thế hệ đi trước đã khởi xướng.
Tôi nhận ra rằng cần có một người làm “cầu nối” giữa hai thế hệ, giữa quá khứ gồm có Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, nhiều cựu binh khác và tương lai là những nghị sĩ mới. Bản thân tôi nhận ra rằng, mình có thể là người làm được việc này. Đó là lý do tôi có mặt tại đây.
Một cơ hội, một hành trình
Từng có thời gian dài làm việc với Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, ông đã chứng kiến và tích cực tham gia vào quá trình thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông cảm nhận thế nào về quá trình kéo dài hàng thập kỷ này?
Tôi cho rằng việc giải quyết hậu quả chiến tranh và phát triển quan hệ song phương có mối liên kết chặt chẽ với nhau.
Cá nhân tôi còn nhớ rất rõ cuộc chiến diễn ra 50 năm về trước. Khi ấy, tôi mới 18 tuổi và dù không ở trong quân ngũ, cuộc chiến ấy vẫn để lại ấn tượng sâu sắc, khó phai đối với cá nhân tôi.
Tôi cho rằng cuộc chiến tại Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng và là thảm họa đối với cả hai quốc gia. Với những người từng sống trong thời kỳ ấy, ký ức về cuộc chiến sẽ đi theo chúng tôi đến hết cuộc đời. Ngay cả với nhiều người như cá nhân tôi, dù không trực tiếp tham chiến nhưng vẫn cảm nhận sâu sắc về một giai đoạn đầy chia rẽ trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tôi chưa bao giờ hình dung được mình sẽ có cơ hội để thay đổi thực tế đó. Vì thế, khi nhận ra có thể làm được điều gì đó trên cương vị của mình tại Quốc hội, tôi đã không bỏ lỡ, đó là cùng với Thượng nghị sĩ Leahy nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh trong hơn 30 năm qua. Với tôi, đó không chỉ là giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi bom, mìn hay chất độc da cam, mà còn tạo điều kiện cho sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác để thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước chúng ta.
Bên cạnh Thượng nghị sĩ Leahy, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ John Kerry và nhiều cựu binh Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho bình thường hóa quan hệ hai nước. Họ chính là những người đầu tiên trở lại mảnh đất này để thúc đẩy bình thường hóa.
Nếu như hai Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry và cựu Tổng thống Bill Clinton đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập quan hệ thì Thượng nghị sĩ Leahy lại mong muốn là người đóng góp cho nỗ lực khắc phục những hậu quả mà cuộc chiến đã gây ra cho hàng triệu người Việt Nam và biến đó thành cơ sở tạo dựng mối quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Bước tiến phi thường
Những cột mốc quan trọng trong hợp tác song phương liên quan đến giải quyết hậu quả chiến tranh là gì?
Tôi cho rằng có một số cột mốc đáng nhớ. Trước hết, hãy nhìn cách mà hai nước chúng ta đang hợp tác với nhau hiện nay.
Có thể nói, đó là một sự thay đổi ngoạn mục. Còn nhớ khi tôi bắt đầu tham gia vào việc giải quyết hậu quả chiến tranh, bầu không khí vẫn còn đầy nghi kỵ, giận dữ và oán trách với quá khứ, song song với hệ quả kéo dài từ cuộc chiến với người dân Việt Nam. Giờ đây thì sao? Chúng ta đã và đang hợp tác rất hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa là một ví dụ tiêu biểu. Trước đó, dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và giải quyết tình trạng ô nhiễm dioxin đã thành công rực rỡ. Tôi hy vọng rằng dự án Biên Hòa sẽ làm được điều tương tự khi biến một khu vực nguy hiểm, độc hại trở thành nơi phù hợp cho việc xây dựng lại sân bay.
Chúng tôi cũng đã thiết lập chương trình giúp đỡ những người khuyết tật do tai nạn từ bom mìn còn sót lại hay bị phơi nhiễm với chất độc da cam tại tám tỉnh, thành ở Việt Nam. Chúng tôi đang khởi động một dự án mới giúp Việt Nam xác định, nhận dạng người bị mất tích, như Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi xác định, nhận dạng người Mỹ đã chết trong chiến tranh trong nhiều năm qua.
Còn nhiều ví dụ nữa cho thấy hai nước chúng ta đã thực hiện thành công những dự án cụ thể, mà còn góp phần đưa mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trở thành quan hệ hợp tác mà nhiều người trong thế hệ chúng tôi không thể tưởng tượng được.
Ông Tim Rieser (sinh năm 1952) là Cố vấn cao cấp Ủy ban Chuẩn chi ngân sách Thượng viện Hoa Kỳ, Trợ lý về chính sách đối ngoại của nguyên Chủ tịch thường trực Thượng viện, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy. Cùng với Thượng nghị sĩ Leahy, trong 37 năm qua, ông đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam như: rà phá vật liệu chưa nổ; tẩy độc sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa; hỗ trợ người chịu hậu quả chiến tranh, vận động, kêu gọi nguồn lực từ Hoa Kỳ để giúp xác định, nhận dạng hài cốt của lính Mỹ và người Việt Nam mất tích sau chiến tranh. |
Liệu ông có thể tiết lộ về một số dự án mới mà Hoa Kỳ dự kiến triển khai trong khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam?
Chúng tôi vừa mới bắt đầu một dự án giúp Việt Nam nhận dạng người mất tích trong chiến tranh. Dự án bao gồm hai phần. Một là, phía Hoa Kỳ cung cấp tài liệu lưu trữ, di vật do binh sĩ Hoa Kỳ tham chiến thu thập được để chuyển cho các gia đình Việt Nam có thân nhân hy sinh, trong đó có thông tin, tài liệu về các trận chiến nhằm giúp xác định địa điểm tìm kiếm di hài của người Việt Nam, dù là lính hay dân thường thiệt mạng.
Hai là, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ nâng cao năng lực của Việt Nam trong phân tích DNA để có thể nhận dạng những người đã chết trong chiến tranh và kết nối với gia đình của họ. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi việc xây dựng cơ sở dữ liệu rất lớn để có thể xác minh danh tính một cách chính xác nhất.
Mới đây, cùng với các nhà khoa học và quan chức chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã thảo luận với các nhà khoa học Hà Lan về một số công nghệ định dạng DNA hiện có và chọn lọc phương pháp tốt nhất để sử dụng tại Việt Nam. Bằng cách kết hợp những dữ liệu đã có với công nghệ mới, tôi tin rằng, chúng ta có thể giúp nhiều gia đình tìm lại người thân.
Chúng tôi cũng đang đầu tư vào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một địa điểm ưa thích của khách du lịch, đồng thời là nơi sưu tầm, trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật của cuộc chiến. Tuy nhiên, tôi cho rằng Bảo tàng có thể cho khách tham quan hiểu rõ hơn về những gì đã diễn ra sau đó, đặc biệt là nỗ lực hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh của hai nước. Chúng tôi mong muốn Bảo tàng thể hiện một thông điệp tích cực, phản ánh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua trong việc khắc phục hậu quả của chiến tranh.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang thảo luận về một vài ý tưởng khác. Mục tiêu của hai nước luôn là vượt qua những ám ảnh của cuộc chiến và tìm cách hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác trong những lĩnh vực mới như chống biến đổi khí hậu, củng cố hệ thống y tế công cộng, ngăn ngừa đại dịch toàn cầu tiếp theo, hỗ trợ giáo dục đại học và sau đại học, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Với cả hai nước, đây là chặng đường dài và chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Nền tảng của lòng tin và sự tôn trọng
Giải quyết hậu quả chiến tranh và hòa giải đã “dọn đường” để quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm nay, hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Ông kỳ vọng gì về mối quan hệ này?
Tôi cho rằng quan hệ Đối tác toàn diện đã củng cố vững chắc cam kết của hai nước về hợp tác trong một loạt lĩnh vực mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Hiện nay, đã có một số thảo luận về nâng cấp quan hệ lên tầm mức mới, thể hiện cam kết dài hạn, tiếp tục phát triển, mở rộng hợp tác trên nền tảng là những thành quả đã có. Mặc dù không thể dự đoán tương lai, song tôi cho rằng, những gì chúng ta đang có là nền tảng quan trọng để tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Không thể phủ nhận hai nước vẫn còn những khác biệt và bất đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thông qua việc tạo dựng lòng tin, đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và cùng nhau kết nối giữa người dân với người dân, giữa quốc gia với quốc gia, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết mọi vấn đề và tìm ra câu trả lời cho những lĩnh vực còn tồn tại. Do đó, tôi có niềm tin chắc chắn rằng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam có một tương lai tươi sáng, rộng mở và ngày càng sâu sắc hơn, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
| Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt ... |
| Cảm động câu chuyện ba chàng trai Thụy Sỹ treo cờ Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris Câu chuyện kể về 30 tiếng đồng hồ dũng cảm của những chàng trai đến từ Lausanne (Thụy Sỹ) khi tìm cách leo lên chóp ... |
| Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng dự Hội thảo về khắc phục hậu quả chiến tranh do Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức Vừa qua, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) tổ chức hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh ... |
| Một phong trào chống chiến tranh Việt Nam: Quỹ Đoàn kết Đông Dương 1971-1973 Laurent JALABERT, giáo sư sử học Trường Đại học Tổng hợp Pau và vùng Adour, (Pháp) chuyên nghiên cứu về lịch sử chính trị Pháp ... |
| Người Mỹ từng bị bắt vì biểu tình chống chiến tranh Việt Nam nói về lý và tình thôi thúc ông 'chọn lẽ phải' Trả lời phỏng vấn báo chí, ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hoà giải và phát triển (FRD), nêu bật ý nghĩa lịch ... |