📞

Colombia: Hòa bình còn lắm chông gai

14:27 | 07/07/2017
Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) và Chính phủ sẽ phải nỗ lực dàn xếp và thực hiện các thỏa thuận đề ra, nhằm lập lại hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ này.

Ngày 27/6, giai đoạn giải giáp cuối cùng của FARC đã bắt đầu và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 8. Trong chuyến thăm Paris tuần qua, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố: “Lực lượng FARC - tổ chức du kích mạnh nhất và lâu đời nhất ở Mỹ Latin đã không còn tồn tại”.

Tuy nhiên, phát ngôn này của ông Santos được đánh gia là quá lạc quan. Sau nhiều năm sống trong lo sợ, nhiều người dân Colombia tỏ ra hoài nghi về ý định hạ vũ khí của phiến quân. Thậm chí, trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, người dân đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận hòa bình đạt được ở Havana giữa Chính phủ Colombia và lực lượng FARC vì không tin tưởng vào ý định của quân du kích. Thêm vào đó, quá trình giải trừ quân bị chưa hoàn tất và nhiều phiến quân vẫn đang hoạt động cũng khiến cho tiến trình hòa bình tại Colombia tiếp tục gặp nhiều trắc trở.

Du kích thuộc Mặt trận 30 của FARC trên đường giao nộp vũ khí. (Nguồn: EFE)

Nguy cơ tiềm ẩn

Hiện việc giao nộp vũ khí đang diễn ra tại 26 điểm trong nước và được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn cho các du kích trong suốt quá trình chuyển đổi sang cuộc sống dân sự. Theo Liên hợp quốc, phần lớn lực lượng FARC, ước tính khoảng 7.000 người, sẽ buông súng và từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang.

Tuy nhiên, không ít các thành phần thiểu số từ chối tuân theo thỏa thuận và tiếp tục đấu tranh. Một số nhà quan sát cho rằng lực lượng này không đáng kể và không có tổ chức, nhưng những người khác tin rằng đây lại là mối đe dọa.

Giáo sư Sandra Borda Guzmán (Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Andes) nhận xét: “Một bộ phận chiếm 10 – 13% lực lượng phiến quân hiện đang kiểm soát các mặt trận hoạt động ở phía Nam, nơi có các tuyến đường buôn bán ma túy và khai thác mỏ bất hợp pháp. Họ từ chối giao nộp vũ khí và tham gia vào đàm phán hòa bình vì họ nhận được lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động trên. Do đó, những người này sẽ được xếp vào nhóm tội phạm có tổ chức”.

Bộ phận thứ 2 là nhóm các thành viên cảm thấy e ngại về quá trình giao nộp vũ khí. Lo ngại lớn nhất của họ là việc trở thành mục tiêu trả thù của các nhóm đối thủ có vũ trang khác như Nhóm vùng Vịnh, hiện đang gia tăng hoạt động và tiến vào lãnh thổ mà trước đây FARC kiểm soát. Gần đây nhất, có 2 du kích FARC xuất ngũ đã bị sát hại. Lực lượng FARC hẳn là muốn tránh lặp lại những gì đã xảy ra giữa năm 1989 và 1993, khi nhiều người trong số 3.000 thành viên xuất ngũ và gia nhập Liên minh Yêu nước (UP) bị thảm sát.

Để trấn an cho lực lượng du kích và người dân, Chính phủ Colombia đã điều động lực lượng an ninh đặc biệt, chịu trách nhiệm bảo vệ các cựu chiến binh tại các địa điểm giao nộp vũ khí, cũng như bổ sung một số du kích tham gia vào lực lượng an ninh này.

Phần lớn các du kích được di chuyển vào các khu vực đặc biệt và nhận được sự bảo vệ từ lực lượng an ninh. (Nguồn: Infobae)

Tương lai nào cho FARC?

Ngoài ra, nhiều người cũng đặt nghi vấn về việc liệu các chiến binh và lãnh đạo của FARC có thể thích ứng với sự thay đổi này hay không. Những du kích đã quen sống trong rừng với súng và ma túy giờ đây sẽ phải thích nghi với cuộc sống “bình thường”, bắt đầu một quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều người trong số họ thậm chí có thể trở thành đảng viên của một đảng nào đó. 

Tuy nhiên, thách thức lớn về ngân sách và nền kinh tế sẽ gây không ít khó khăn cho quá trình này. Trong giai đoạn hòa nhập xã hội, trong 2 năm đầu, các cựu du kích sẽ nhận được trợ cấp tương đương với 90% mức lương tối thiểu. Dẫu vậy, họ sẽ gặp nhiều khó khăn tìm kiếm việc làm trong một nền kinh tế tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, những cựu du kích cũng cần phải thay đổi cách suy nghĩ và học tập các kỹ năng lao động mới để hòa nhập vào xã hội.

Trong khi đó, Tổng Tư lệnh Timoshenko và tầng lớp lãnh đạo của FARC lại đang phải đối mặt với những khó khăn khác. Giờ đây, ông Timoshenko đang tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp có thể tác động lớn nhất về chính trị đối với Colombia.

Cố vấn Ủy ban Giám sát, xúc tiến và thi hành các thỏa thuận với FARC Miguel Suárez nhận xét: “Vào đầu tháng 8, FARC sẽ tổ chức một đại hội và dự kiến sẽ thành lập một đảng chính trị mới. Chúng tôi sẽ xem xét năng lực chuyển đổi của họ từ cơ cấu quân sự thành một cấu trúc pháp lý. Chắc chắn họ sẽ có một số ảnh hưởng nhất định trong các cuộc bầu cử địa phương nhưng tôi không nghĩ họ sẽ đạt được vị trí cao như của đảng Liên minh Yêu nước (UP), vốn được thành lập sau cuộc đối thoại năm 1984”.

Tổng Tư lệnh FARC Timoshenko. (Nguồn: Infobae)

Điều quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo cũ của FARC cần cân nhắc đó là liệu họ nên đi theo đường hướng độc lập hay tham gia vào một liên minh rộng lớn hơn với các đảng cánh tả khác. Giáo sư Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế - Đại học Rosario (Colombia) Vicente Torrijos tiết lộ: “Lực lượng FARC nhận thức rõ rằng hiện tại họ không có đủ sự ủng hộ cần thiết của dân chúng để duy trì một ứng cử viên riêng. Họ cần trở thành một phần của một liên minh cánh tả để tồn tại trong vòng đầu hay vòng thứ hai của cuộc bầu cử sắp tới”.

Điều duy nhất mà lực lượng FARC cũ chắc chắn có được là 5 đại diện trong Hạ viện và 5 đại biểu trong Thượng viện trong một nhiệm kỳ quốc hội để hoàn thiện tiến trình hòa bình. Lực lượng FARC cũ cũng có thể xây dựng ảnh hưởng của mình thông qua 16 ghế mới được tạo ra để đại diện cho các cộng đồng tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc nội chiến mà trong quá khứ đã không thể đi bỏ phiếu.

Có thể nói, với những thách thức kể trên, Chính phủ Colombia, cũng như lực lượng FARC, sẽ phải nỗ lực hết mình để khôi phục hòa bình trên đất nước nhiều sóng gió này.

(theo Infobae)