TIN LIÊN QUAN | |
Phấn đấu 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt | |
Bánh BẢO NGỌC – Giữ vững niềm tin Thương hiệu Việt |
Kế hoạch thoái vốn Nhà nước khỏi các tập đoàn đình đám như Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Sữa Vinamilk… đã rõ. Tạm không bàn đến vấn đề bán được giá hay không. Bài toán cực khó mà Chính phủ đưa ra - giữ các thương hiệu quốc gia này sau khi nhà nước không còn giữ cổ phần liệu có lời giải.
Sàn đấu thầu mua bán định giá dự kiến được đưa ra quốc tế. Hàng hóa là cổ phần hấp dẫn của những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đang ăn nên làm ra. Cổ phần sẽ đắt như “tôm tươi”. Hàng loạt đại gia nước ngoài đã chực chờ từ lâu. Cơ hội thắng thầu của các nhà đầu tư nội không được đánh giá cao bởi khả năng đọ vốn. Như vậy, bài toán vừa bán được giá cao lại vẫn giữ được thương hiệu cho người Việt có thể coi là bất khả thi.
Thực tế đã chứng kiến không ít thương hiệu Việt bị “nuốt chửng” bởi các nhà đầu tư ngoại. Bản nhạc quảng cáo, với lời thoại ấn tượng của thương hiệu gạch men đang “phất lên như diều gặp gió” - Prime chợt tắt ngấm, sau thương vụ với Tập đoàn SCG Thái Lan.
Kịch bản quen thuộc là từ chỗ sở hữu một lượng cổ phần nhất định trong liên doanh, đối tác nước ngoài từng bước tăng vốn, sau đó thôn tính hẳn và trong hầu hết các trường hợp, thương hiệu Việt bị đổi họ thay tên. Chiêu thức này cũng đúng với kem đánh răng Dạ Lan một thời chiếm tới hơn 70% thị phần trong nước, từng đánh bật kem đánh răng Trung Quốc khỏi thị trường Việt Nam, bỗng dưng biến mất sau thương vụ với Colgate.
Thương trường là chiến trường, ai sở hữu tỷ lệ vốn cao hơn trong liên doanh ắt sẽ có quyền quyết định làm gì với thương hiệu đó. Thoái vốn có thể dẫn tới thay đổi về nhân sự, chiến lược kinh doanh, khó có nhà đầu tư nào lại chấp nhận một điều kiện do bên bán đặt ra nếu không nằm trong chiến lược của họ.
Giá trị tài sản là hữu hình nhưng giá trị thương hiệu là vô hình. Một thương hiệu quốc gia không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp sở hữu, nó còn đóng vai trò là “đại sứ hình ảnh” của một nền kinh tế Việt Nam có uy tín về hàng hoá và dịch vụ.
Vậy nên, đừng nghĩ rằng cứ thoái được vốn là xong. Quay đi, quay lại liệu Việt Nam còn gì trên thương trường? Liên doanh để trụ lại giữa sóng gió thương trường, bất lợi thì đã đành, song hễ thấy lãi to là bán ngay thì có nên không? Nhìn lại các vụ mua bán, chợt thấy giật mình, bởi những thương hiệu Việt theo “Tây” gần đây đều là những tên tuổi “khỏe mạnh”, đang làm ăn “ngon lành”. Sức sống của thương hiệu Việt rồi sẽ phải phụ thuộc vào đâu?
Những thương vụ đó còn mở đường cho hàng ngoại tràn vào thị trường nội địa. Chúng ta đang vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nhưng những thương hiệu Việt uy tín đang mất dần, liệu điều đó có xung đột hay không?
Mua bán, sáp nhập là quy luật tất yếu của thị trường toàn cầu hóa. Thiết nghĩ, nếu Chính phủ đã đặt mục đích phải giữ được thương hiệu quốc gia thì có nên có chính sách, cơ chế rõ ràng cho các nhà đầu tư nội. Có thể họ sẽ không phải là người trả giá cao nhất, nhưng họ có tâm thế của người làm chủ, có thể đưa doanh nghiệp phát triển tốt nhất và giữ được thương hiệu lâu nay do chính người Việt xây dựng nên.
Ra mắt máy tính bảng giá rẻ thương hiệu Việt Masstel Tab series là dòng máy tính bảng thiết kế đẹp, cấu hình tốt dành cho thị trường bình dân với giá từ khoảng 3 ... |
Bidrico: Rạng danh thương hiệu Việt trên trường quốc tế Tết là dịp quây quần họp mặt gia đình để mừng thọ ông bà, cha mẹ và chúc tụng nhau những điều như ý trong ... |
Viettel: Năng động + Thay đổi +Thích nghi = Phát triển Hiện diện tại 8 quốc gia và 3 châu lục, thương hiệu Viettel đang dần được khẳng định trên bản đồ viễn thông toàn cầu. ... |