Công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong quá trình cải tiến phương pháp sư phạm. (Nguồn: A-list) |
Microsoft vừa công bố kết quả khảo sát dựa trên việc thăm dò ý kiến của gần 200 nhà sư phạm tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo nghiên cứu mang tên Microsoft Asia EduTech Survey 2016, các chuyên gia giáo dục xác nhận công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong quá trình cải tiến phương pháp sư phạm, nhưng thách thức hàng đầu để tối ưu hóa công nghệ vẫn là việc phải đối mặt với sự đào tạo chưa bài bản.
Theo khảo sát, 95% chuyên gia giáo dục trong khu vực thừa nhận tác động tích cực của công nghệ trong việc chuyển đổi giáo dục và truyền cảm hứng cho sinh viên với ba công dụng hàng đầu là nâng cao trải nghiệm học tập trong lớp, tăng hiệu quả của giáo viên và giúp giao tiếp tốt hơn với học sinh.
Công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm học tập trong lớp. (Nguồn: Debatingeurope) |
Dù 96% giáo viên đã sử dụng công nghệ để phục vụ công tác giảng dạy nhưng đến 97% giảng viên tham dự khảo sát đều mong muốn có thể vận dụng công nghệ nhiều hơn nữa. 100% đồng thuận về tầm quan trọng to lớn của công nghệ trong việc chuyển đổi và cải thiện hệ thống giáo dục trong tương lai.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy những thách thức mà các nhà giáo dục ở khu vực đang đối mặt khi triển khai công nghệ tại lớp học, chẳng hạn như chưa được đào tạo bài bản (53%), thiếu hụt ngân sách (51%) và thiếu tích hợp công nghệ với chương trình giảng dạy (46%). Những điểm này tiếp tục củng cố cho quan điểm cần một cách tiếp cận giáo dục và công nghệ toàn diện cho giáo viên để có thể chuyển đổi phương pháp sư phạm hiệu quả.
Chưa được đào tạo bài bản được coi là thách thức lớn nhất để tối ưu hóa công nghệ trong lớp học. (Nguồn: Nerdoholic) |
Các chuyên gia giáo dục cũng rất lạc quan về việc sử dụng công nghệ trong tương lai, khám phá đầy sáng tạo và nhiệt huyết phương thức Dạy và Học. Ba công nghệ tiên tiến mà các chuyên gia giáo dục mong muốn triển khai là: cá nhân hóa việc học và dạy (57%); có các lớp học thực tế kiểu nhập vai, thú vị và ít khô khan hơn (53%); chờ đợi việc cung cấp dịch vụ tự động và thông minh hơn để hỗ trợ hành chính cho công tác giảng dạy (46%)...
"Các chuyên gia giáo dục châu Á - Thái Bình Dương là những người nhận ra sức mạnh của công nghệ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của giáo dục và thúc đẩy tiềm năng của mỗi học sinh. Nhiều người đã tìm cách truyền cảm hứng để chuyển đổi việc học tập trong và ngoài lớp học thông qua công nghệ và mô hình giáo dục mới”, ông Don Carlson, Giám đốc khối giáo dục, Microsoft châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Theo đó, Microsoft cam kết chia sẻ chuyên môn với các chính phủ, tổ chức và trường học để giúp xây dựng lộ trình công nghệ hỗ trợ được tầm nhìn với cách tiếp cận toàn diện. Trên thực tế, các chuyên gia giáo dục hiện thời có thể truy cập các ứng dụng Minecraft, Skype Field Trips hoặc Mystery Skype để nhập vai, trải nghiệm và khám phá khóa đào tạo toàn diện của Microsoft.
Trường tiểu học Lings ở Northampton (Anh) sử dụng Minecraft để dạy học sinh về Shakespeare. (Nguồn: BBC) |
Đầu tháng 1/2016, Microsoft đã công bố việc tiếp tục đầu tư thêm vào Minecraft để tạo phiên bản tùy biến mới cho các trường học mang tên Minecraft Education Edition. Ngoài ra, Microsoft giới thiệu bản xem trước của OneNote, Learning Tools for OneNote, được thiết kế đặc biệt giúp sinh viên đọc và viết tốt hơn, kể cả đối với những người mắc hội chứng khó đọc.
Khảo sát được tiến hành tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Á Bett 2015 (Bett Asia Leadership Summit 2015) tại Singapore tháng 11/2015 với thành phần tham dự bao gồm chuyên gia giáo dục các cấp từ mầm non đến sau đại học và các nhà hoạch định chính sách liên quan đến giáo dục từ khắp 18 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương. |