Thuyết âm mưu được cả hai phía dùng để đấu chọi nhau, được cả hai bên chính trị hoá và công cụ hoá. Minh hoạ của Craig Stephens (SCMP) |
Diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra (Covid-19) tiếp tục chiếm lĩnh sự quan tâm theo dõi và lo ngại hàng đầu của cả thế giới. Nó cũng còn là mảnh đất mầu mỡ cho các thuyết âm mưu nảy mầm và lớn dậy. Không chỉ có đơn giản như thế. Hiện đang còn hình thành cả một cuộc chơi chính trị thế giới và quan hệ quốc tế giữa nhiều đối tác khác nhau với thuyết âm mưu này mà đặc trưng nhất và rõ nét nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đấu chọi bằng thuyết âm mưu
Hai bên cáo buộc lẫn nhau rất nặng nề mà nếu cáo buộc này là sự thật chứ không phải là sản phẩm mới của thuyết âm mưu thì thế giới bên ngoài từ nay buộc phải nhìn nhận họ bằng con mắt khác trước.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien công khai cho rằng bệnh dịch này phát tán từ Trung Quốc, gọi virus corona là "Virus Vũ Hán" và lại còn cáo buộc Trung Quốc bưng bít thông tin về dịch bệnh bùng phát khiến cho thế giới "bị mất hai tháng". Trước đấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi virus corona là "Virus Trung Quốc" và cả ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sử dụng biệt danh "Virus Vũ Hán". Ông Trump cũng nêu Trung Quốc là lý do gốc rễ khiến Mỹ quyết định không cho công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen và tất cả mọi người không phải là người Mỹ đi qua các nước tham gia hiệp ước này nhập cảnh vào Mỹ. Không có gì là khó hiểu khi phía Trung Quốc thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ, nhưng phía Trung Quốc đồng thời cũng gây bất ngờ khi công khai đề cập đến khả năng quân đội Mỹ đã đưa virus corona vào Trung Quốc để gây nên dịch bệnh này ở Trung Quốc.
Từ giác độ thuyết âm mưu thì thuyết này được cả hai phía dùng để đấu chọi nhau, được cả hai bên chính trị hoá và công cụ hoá. Trong thực chất, cuộc chơi này với thuyết âm mưu đối với cả hai bên đều là chuyện dùng đối ngoại để đối nội, làm găng trong quan hệ song phương để trước hết trang trải nhu cầu đối nội.
Cái đích nhắm tới của mỗi bên
Giống như ở cuộc xung khắc thương mại giữa hai bên, Mỹ lần này cũng khơi mào cuộc chơi trước. Dịch bệnh này có những biểu hiện đầu tiên vào cuối năm ngoái ở Trung Quốc nhưng cho tới trước phát ngôn nói trên về Mỹ của người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, phía Trung Quốc không hề đề cập gì đến khả năng mầm mống dịch bệnh được ai đó đưa từ bên ngoài vào phát tán ở Trung Quốc. Trong khi đó, ngay từ rất sớm, ở phía Mỹ đã thịnh hành quan điểm cho rằng Trung Quốc bưng bít thông tin và che dấu sự thật về diễn biến dịch bệnh này, hàm ý đổ hết trách nhiệm cho Trung Quốc.
Suốt thời gian khá dài vừa qua, chính phủ Mỹ dường như quá tự tin rằng dịch bệnh không thể lây lan sang Mỹ và hoành hành được ở Mỹ cũng như nước Mỹ có khả năng ứng phó rất hữu hiệu. Để rồi sau đấy, chỉ trong thời gian rất ngắn, chính phủ Mỹ phải nhanh chóng đưa ra những biện pháp đối phó quyết liệt đến mức có phần thái quá, cho thấy đúng là nước đến chân mới nhảy và lo ngại thật sự.
Thuyết âm mưu được sử dụng nhằm tác động đối nội là trấn an tâm thần dân chúng ở Mỹ, làm dư luận Mỹ quan tâm để ý nhiều đến trách nhiệm của Trung Quốc hơn là tới những bất cập và hạn chế trong ứng phó dịch bệnh ở Mỹ. Việc này càng thêm quan trọng đối với chính phủ Mỹ khi dịch bệnh tiếp tục lây lan ở Mỹ còn ở Trung Quốc lại đã lắng xuống dịu đi khá nhiều.
Từ khi dịch bệnh này bùng phát, Trung Quốc buộc phải dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc đối phó dịch bệnh, trước mắt là đẩy lùi dịch bệnh và sau đấy là khắc phục những hậu quả tiêu cực của dịch bệnh trên mọi phương diện. Trung Quốc gặp khó khăn và khó xử mới nên rất thực tế khi tránh xung khắc thêm với Mỹ. Mỹ không lợi dụng tình thế khó khăn và khó xử mới của Trung Quốc để dấn tới trong cuộc xung khắc thương mại nhưng vẫn xung khắc với Trung Quốc trên những phương diện khác.
Thực chất không thay đổi
Sau cuộc chiến về báo chí và truyền thông là cuộc chơi với thuyết âm mưu giữa hai bên. Có thể thấy được từ đó là phía Mỹ vẫn luôn tìm kiếm và duy trì mọi con chủ bài để chơi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và hiện tại đang chơi những con chủ bài ấy tuỳ thuộc vào tác động đối nội của chúng tới cơ may tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ. Dịch bệnh này càng đe doạ thật sự cơ may ấy của ông Trump thì chuyện dịch bệnh ở Trung Quốc trở nên càng thêm quan trọng và nhạy cảm đối với chính phủ Mỹ.
Trung Quốc phản ứng lại Mỹ rất mạnh và bất ngờ như thế không chỉ đơn thuần để bảo tồn thể diện quốc gia mà còn "lấy độc trị độc" với Mỹ - bằng thuyết âm mưu - để đáp trả ngang bằng với Mỹ và để ngăn ngừa tác động tiêu cực của thuyết âm mưu của Mỹ tới các đối tác của Trung Quốc. Khi dịch bệnh đi qua, Trung Quốc cần các đối tác này hơn bao giờ hết và có được sự hợp tác của họ càng nhanh chóng càng tốt. Không phải Mỹ mà chính những đối tác này mới là nguồn ngoại lực quan trọng nhất giúp Trung Quốc phục hồi sau dịch bệnh.
Cho nên những ầm ĩ thời gian qua trong mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc chỉ có tính nhất thời chứ không báo hiệu về chuyển biến cơ bản. Những biểu hiện ra bên ngoài không phản ánh đúng mức thực trạng bản chất.
Thời gian tới, mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc chưa thể tốt hơn, cả trong thực chất lẫn biểu hiện ra bên ngoài, có thể còn xấu thêm nữa ở biểu hiện ra bên ngoài nhưng không thay đổi cơ bản gì trong thực chất.