Hộ chiếu vaccine Covid-19 thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. (Nguồn: Hindustantimes) |
Cập nhật số ca mắc Covid-19 mới
Tính từ 18h ngày 19/3 đến 6h ngày 20/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Cả nước hiện vẫn có 2.571 bệnh nhân Covid-19, trong đó có tổng cộng 1601 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 908 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 724 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã 35 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã tròn qua 32 ngày không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng, đã qua 25 ngày thành phố này không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.878, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 490
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.491
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 18.897.
Về công tác điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.198 bệnh nhân Covid-19/ 2.570 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 118 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 37 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 18 ca; số ca âm tính lần 3 là 63 ca.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, hiện có 3 trường hợp bệnh nhân nặng, gồm 2 bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh; 1 bệnh nhân điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng. Các trường hợp này đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 3-5 lần, tuy nhiên các bệnh nhân này có một số bệnh lý nền và đang tập tự thở nên vẫn đang tiếp tục theo dõi sát trong quá trình điều trị.
Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).
Để sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
Có thêm 3.425 người được tiêm chủng vaccine Covid-19 trong ngày 19/3
Theo thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng, tính đến 16 giờ ngày 19/3, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 30.971 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Các cơ sở y tế gồm Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Dã chiến Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã kết thúc tiêm vaccine Covid-19 trong đợt này.
Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức các khóa tập chuyên môn cho 44 tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vaccine Covid-19 tiếp theo về đến nước ta.
Làm rõ thông tin về Hộ chiếu vaccine Covid-19
"Hộ chiếu vaccine Covid-19 thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế."
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, nghe báo cáo, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; công tác chuẩn bị giải pháp kỹ thuật, chính sách thực hiện “hộ chiếu vaccine ”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, Viettel đang kết hợp chặt chẽ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, thực hiện việc rà soát và triển khai giải pháp hộ chiếu vaccine Covid-19.
Theo đó, hộ chiếu vaccine Covid-19 cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm; sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Cùng với đó, nhân viên ngành Y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân thuộc diện tiêm chủng lên hệ thống phần mềm.
Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, số liệu để phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19 và cung cấp công cụ giám sát thông tin người đã tiêm vaccine Covid-19.
Đối với yêu cầu chung khi triển khai hộ chiếu vaccine Covid-19, ông Lưu Thế Anh cho biết, người dân khi đến tiêm cần mang theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế để xác thực thông tin người đi tiêm. Thông tin người dân đến tiêm thu thập từ 2 nguồn: Do cơ sở y tế lập danh sách đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ; do người dân đến trực tiếp cơ sở y tế để cung cấp thông tin.
Trước khi thực hiện tiêm, bác sĩ ở bộ phận tiếp đón thực hiện chụp ảnh người dân/người được tiêm để lưu lại trên hệ thống (nếu cần); thông tin người dân chính thức được xác thực từ cơ sở y tế và lưu trữ vào công nghệ chuỗi - khối (Blockchain) khi thực hiện mũi tiêm đầu tiên.
Giải pháp được triển khai trên trang website phục vụ công tác tiêm và tra cứu thông tin; ứng dụng trên di động cho người dân và bác sĩ.
Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ góc độ tiếp cận của ngành Y tế, hộ chiếu vaccine thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế.
Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận hộ chiếu vaccine thông qua mã QR-code. Cách thức này dựa vào 2 dữ liệu cơ bản:
Số thẻ Bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận.
Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.
“Tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống của Apple Store hoặc Google Play, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy; thông tin cho người dân về vaccine, điều khoản tiêm chủng… Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm”, Bộ trưởng nêu rõ.
Hiện nay Bộ Y tế và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đang thí điểm tại các điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm đánh giá năng lực, tính tương thích của các cơ sở.