Nhỏ Bình thường Lớn

Covid-19 ở Việt Nam sáng 21/9: 1 triệu người có 7.070 ca mắc; rút khoảng cách 2 mũi vaccine AstraZeneca, khi nào học sinh Hà Nội trở lại trường?

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 695.744 ca mắc Covid-19; 5 địa phương có nhiều ca mắc nhất gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.
Covid-19 ở Việt Nam sáng 21/9
Điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: QĐND)

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 695.744 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.070 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 ca, trong đó có 459.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.

Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tĩnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (341.699), Bình Dương (179.705), Đồng Nai (40.842), Long An (30.596), Tiền Giang (13.270).

Tính từ 17h ngày 19/9 đến 17h ngày 20/9 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.681 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 8.668 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.357 ca so với ngày trước đó và là mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây) tại 38 tỉnh, thành phố (có 6.154 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.160 ca/ngày.

Tin liên quan
Ảnh ấn tượng tuần 13-19/9: Tổng thống Nga tự cách ly, Cuba đi đầu trong chiến lược tiêm vaccine và ‘nóng ran’ thỏa thuận AUKUS Ảnh ấn tượng tuần 13-19/9: Tổng thống Nga tự cách ly, Cuba đi đầu trong chiến lược tiêm vaccine và ‘nóng ran’ thỏa thuận AUKUS

Tình hình điều trị

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 20/9: 6.821; tổng số ca được điều trị khỏi: 464.326.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.521 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (3.473 ca); thở ô xy dòng cao HFNC (854); thở máy không xâm lấn (399); thở máy xâm lấn (766); ECMO (29).

Trong ngày 20/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 215 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 234 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.305 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Học sinh Hà Nội sẽ đến trường sau khi tiêm phủ 2 mũi vaccine cho người dân

Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh trở lại trường…

Mở đầu cuộc họp thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 20/9, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đã báo cáo toàn cảnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 27/4 cho đến nay.

Theo bà Hà, qua đợt tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng, thành phố tiếp tục có những giải pháp để đưa Hà Nội về trạng thái bình thường mới.

Covid-19 ở Việt Nam sáng 21/9
Ca mắc Covid-19 tại Hà Nội. (Nguồn: CDC Hà Nội)

Liên quan đến công tác điều trị, thu dung, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành y tế tiếp tục thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế nhằm tiếp cận phác đồ điều trị mới…

Ngoài ra, ngành y tế cũng chuẩn bị, đảm bảo đáp ứng đủ hệ thống oxy tại các bệnh viện và sẵn sàng các cơ sở cách ly…Trong đó, bà Hà nhấn mạnh về công tác tiêm chủng, điều tiết vaccine, công tác xét nghiệm.

Kết luận tại buổi họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, những kết quả trong công tác phòng, chống dịch của Hà Nội trong thời gian qua là do sự lãnh đạo của Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của thành phố, sự hỗ trợ của 12 tỉnh, thành phố bạn và các bệnh viện tuyến Trung ương, hệ thống y tế tư nhân, các y bác sỹ đã nghỉ hưu, của đội ngũ tình nguyện viên và của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Trên cơ sở kết quả công tác phòng chống dịch, căn cứ tình hình dịch tễ, xác định rõ nguy cơ và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp, trao đổi với các tỉnh, thành phố xung quanh, Hà Nội xây dựng và đưa ra những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 21/9, trên quan điểm giữ được thành quả phòng, chống dịch, đồng thời phát huy hiệu quả cao hơn và toàn diện hơn trên các lĩnh vực.

Nêu thêm lý do vẫn chưa được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, ông Phong phân tích, mặc dù hiện nay thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế thì trạng thái của Hà Nội vẫn chưa thể trở lại "bình thường mới".

Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.

"Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được" - ông Phong nhấn mạnh và cho biết, thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9.

Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

Cho phép rút khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca

Bộ Y tế cho phép các địa phương tự quyết định việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca, song phải dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhà sản xuất.

Covid-19 ở Việt Nam sáng 21/9
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine AstraZeneca, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng 4-12 tuần sau tiêm mũi 1. WHO khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi từ 8 đến 12 tuần. (Nguồn: Reuters)

Trong công văn ngày 20/9, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế địa phương cần căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực bảo vệ khi tiêm mũi 2, để tham mưu UBND tỉnh, thành phố về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca.

Bộ Y tế không nêu rõ cho phép rút ngắn khoảng cách hai mũi tiêm là bao lâu. Trước đó, Long An và TP. Hồ Chí Minh đề xuất rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Astrazeneca. Thời gian giữa hai mũi tiêm do TP. Hồ Chí Minh đề xuất là 6 tuần, thay vì 8-12 tuần như hướng dẫn chung.

Công văn của Bộ Y tế nêu rõ: "Thời gian tối thiểu giữa hai mũi vaccine phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch".

Sau khi được UBND địa phương chấp thuận rút ngắn thời gian khoảng cách giữa hai mũi tiêm, Sở Y tế lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm, thông tin đầy đủ cho người dân về hiệu quả, tính an toàn để biết nếu đồng thuận tiêm.

Theo Bộ Y tế, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine Astrazeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng 4-12 tuần sau tiêm mũi 1. WHO khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1.

Hà Nội bỏ kiểm soát giấy đi đường, khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan

Hà Nội bỏ kiểm soát giấy đi đường, khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan

Khách tiêm đủ vaccine, từng là F0 được đi du lịch Sài thành

Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành, áp dụng cho các cơ sở lưu trú, khách du lịch, các doanh nghiệp (DN) lữ hành và điểm tham quan.

Cụ thể, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch tại các địa bàn có mức độ an toàn cao quy định, 100% người lao động trong các cơ sở lưu trú, trong các DN lữ hành và các điểm tham quan phải được tiêm vaccine đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối, hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19).

Khách đi du lịch/lưu trú từ 18 tuổi trở lên cũng phải được tiêm đầy đủ vaccine, trẻ em dưới 18 có xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 48 tiếng trước khi tham gia chương trình du lịch.

Với các cơ sở lưu trú, phải đạt 10 tiêu chí để được đánh giá là an toàn. Ngoài yêu cầu chung là đã tiêm vaccine, người lao động trực tiếp phục vụ khách (lễ tân, nhà hàng,...) phải xét nghiệm nhanh định kỳ 3 ngày/lần.

Các cơ sở lưu trú chỉ phục vụ khách ăn uống tại phòng, trường hợp tổ chức cho khách ăn uống tại khu vực nhà hàng thì bố trí từng khu vực, chỗ ngồi riêng theo từng nhóm khách cùng yếu tố dịch tễ, ngồi cách nhau tối thiểu 2m, ngồi so le, không ngồi đối diện.

Các cơ sở lưu trú cần bố trí ít nhất một phòng cách ly và một phòng chờ theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo có tiện nghi lưu trú tối thiểu, trang bị môt số đồ bảo hộ cá nhân dự phòng cần thiết.

Bộ tiêu chí quy định, các DN lữ hành chỉ được đưa khách đến các điểm đến thuộc vùng xanh, đủ điều kiện hoạt động theo các tiêu chí phòng chống dịch. Số lượng khách mỗi tour đảm bảo đúng quy định.

Các DN lữ hành còn được yêu cầu phải đảm bảo khoảng cách 2m khi giao tiếp với khách tại trụ sở, bố trí đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khách, truyền thông tới người lao động và du khách về dịch bệnh. Có danh sách các cơ sở y tế gần nhất hỗ trợ khi cần và có quy trình xử lý các tình huống, đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Tại các điểm đến/điểm tham quan du lịch, các điều kiện cũng tương tự, nhưng yêu cầu người lao động trực tiếp phục vụ khách tham quan như hướng dẫn viên, nhân viên quầy vé, tài xế xe điện/cano,… phải được xét nghiệm nhanh định kỳ 3 ngày/lần.

Yêu cầu chung của Bộ tiêu chí đánh giá an toàn đối với hoạt động du lịch của TP. Hồ Chí Minh là việc vệ sinh, khử khuẩn, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt người lao động và khách du lịch, cung cấp dung dịch sát khuẩn,... phải được thực hiện tại tất cả các cơ sở lưu trú, DN lữ hành và điểm tham quan.

Bất động sản mới nhất: Dứt khoát không giảm giá dù ế hàng, thị trường Hà Nội lao dốc, Bình Định không còn căn hộ condotel

Bất động sản mới nhất: Dứt khoát không giảm giá dù ế hàng, thị trường Hà Nội lao dốc, Bình Định không còn căn hộ condotel

Hàng tồn kho ‘chất đống’ nhưng giá chào bán vẫn tăng, thị trường địa ốc Hà Nội và TP. HCM lao dốc, Bình Định không ...

Ảnh ấn tượng tuần 13-19/9: Tổng thống Nga tự cách ly, Cuba đi đầu trong chiến lược tiêm vaccine và ‘nóng ran’ thỏa thuận AUKUS

Ảnh ấn tượng tuần 13-19/9: Tổng thống Nga tự cách ly, Cuba đi đầu trong chiến lược tiêm vaccine và ‘nóng ran’ thỏa thuận AUKUS

Mỹ, Anh, Australia ký thỏa thuận AUKUS, Tổng thống Nga Vladimir Putin tự cách ly, tình hình Afghanistan, Guinea… là những ảnh ấn tượng trong ...

(tổng hợp)