📞

Covid-19 rồi sẽ qua nhưng triển vọng phục hồi kinh tế không như Trung Quốc mong muốn

Linh Chi 14:56 | 24/03/2020
TGVN. Phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc đã vận hành trở lại sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở quốc gia này. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 đang “tàn phá” các đối tác thương mại quốc tế quan trọng, khiến doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng.
Doanh nghiệp Trung Quốc đối mặt với vấn đề tìm kiếm khách hàng khi quay trở lại kinh doanh sau kỳ nghỉ dài bởi đại dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Trung Quốc tuyên bố, đến giữa tháng 3, hơn 90% các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 20 triệu Nhân dân tệ đã hoạt động trở lại, ngoại trừ những doanh nghiệp ở tỉnh Hồ Bắc - tâm của đại dịch Covid-19. Chính quyền trung ương và địa phương tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đưa ra một loạt các ưu đãi, bao gồm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hay trả chậm bảo hiểm xã hội, để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi động lại sản xuất.

Trong một hội nghị cuối tháng 2 ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tất cả các cấp chính quyền hãy "nỗ lực không ngừng" để tiếp tục công việc và sản xuất một cách có trật tự, đồng thời tiếp tục kiểm soát đại dịch.

Dường như, Bắc Kinh muốn khẳng định rằng, mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp Trung Quốc phải vật lộn với vô vàn khó khăn để vận hành trở lại sau kỳ nghỉ dài bởi đại dịch Covid-19.

Không đơn đặt hàng

Chỉ một tháng trước, Daniel Lau, chủ một doanh nghiệp sản xuất nhôm ở Thành phố Đông Quan, phía Nam Trung Quốc đã lo ngại rằng, doanh nghiệp có thể bỏ lỡ thời hạn giao hàng cho một khách hàng Mỹ bởi dịch Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc, khiến doanh nghiệp này buộc phải tạm đóng cửa. Bây giờ, khi 80% nhân viên của Daniel Lau trở lại làm việc, mối quan tâm của Lau lại là doanh nghiệp có thể không nhận đủ đơn đặt hàng để duy trì công việc.

Mỹ, quốc gia nhập khẩu 40% hàng hóa của Lau đang phải “gồng mình” chiến đấu với đại dịch Covid-19, điều này khiến việc kinh doanh bị đình trệ, ít nhất là trong thời gian tới.

"Doanh nghiệp Trung Quốc nói chung đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và có lẽ, triển vọng phục hồi sau một thời gian tạm đóng cửa bởi Covid-19 sẽ không tốt đẹp như những gì chúng tôi mong muốn”, Daniel Lau nhấn mạnh.

Wang Dan - nhà phân tích của Trung tâm Tình báo Kinh tế (EIU) tại Bắc Kinh cho biết, EIU đang điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP thực tế ở Trung Quốc vào năm 2020 xuống còn 2,1%, từ mức 5,4% trước đó. Trung Quốc đã xuất khẩu 17,23 nghìn tỷ Nhân dân tệ hàng hóa và dịch vụ trong năm 2019, chiếm 17,4% GDP. Hiện tại, tất cả bốn thị trường hàng đầu của nước này là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Đông Nam Á và Nhật Bản đều đang gặp khó vì SARS-CoV-2.

"Vấn đề hiện tại nằm ở phía cầu. Cắt giảm thuế, hay khoản trợ cấp của chính phủ sẽ không giúp ích gì nếu các công ty không nhận được đơn đặt hàng. Tình hình sẽ chỉ thực sự cải thiện khi đại dịch được kiểm soát trên toàn thế giới. Kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi ở tháng 6/2020đã là một ước tính rất lạc quan”, chuyên gia Wang Dan nói.

Richard Chan, chủ sở hữu một nhà máy sản xuất đồ trang trí giáng sinh ở Thành phố Đông Quan thì cho rằng, một số doanh nghiệp đã buộc phải yêu cầu công nhân không quay trở lại làm việc. Doanh nghiệp của Richard Chan cũng phải cắt giảm 20-30% công nhân trong năm nay do nhu cầu giảm.

"Hầu như tất cả các khách hàng quen của chúng tôi đang cắt giảm quy mô các đơn đặt hàng. Chuỗi siêu thị Anh Tesco và nhà bán lẻ Marks & Spencer đều giảm đặt hàng đồ trang trí giáng sinh. Còn các nhà bán lẻ và siêu thị ở Italy, nơi có số người chết vì đại dịch Covid-19 cao nhất thế giới, đã không đặt bất kỳ đơn hàng nào trong năm nay” ông Richard Chan nói.

Giới doanh nghiệp lo lắng về việc đại dịch Covid-19 sẽ tái bùng phát khi công nhân trở lại làm việc. (Nguồn: RFI)

Bên cạnh đó, chủ các doanh nghiệp Trung Quốc cũng lo lắng về việc đại dịch Covid-19 sẽ tái bùng phát khi các doanh nghiệp, nhà máy vận hành trở lại.

Ye Zhen, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty Zhen Qing Eyewear tại Ôn Châu chia sẻ, tất cả các đơn đặt hàng của công ty này từ châu Âu hoặc đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. "Tôi thậm chí không dám nghĩ về hậu quả nếu đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc", Giám đốc Ye Zhen nhấn mạnh.

Vội vã có thể dẫn đến rủi ro

Giới doanh nghiệp cho rằng, vội vã khởi động lại hoạt động kinh doanh có thể mang đến rủi ro lớn.

Tesla Thượng Hải, nhà sản xuất xe điện của Mỹ, đã được các quan chức Hội đồng Nhà nước coi là một "công ty gương mẫu" khi vừa vận hành sản xuất vừa thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Nhà máy trị giá 2 tỷ USD đã khởi động lại công việc vào ngày 10/2, một trong những công ty quay trở lại làm việc sớm nhất trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đầu tháng này, Tesla Thượng Hải đã phải đối mặt với một phản ứng dữ dội từ khách hàng Trung Quốc. Họ phát hiện ra những chiếc xe Tesla Model 3 được trang bị chip điều khiển tự động phiên bản thấp thay vì phiên bản mới nhất như quảng cáo của công ty. Nhà sản xuất xe điện này giải thích rằng, sơ suất này là do sự gián đoạn chuỗi cung ứng của đợt bùng phát dịch Covid-19. Khách hàng cho biết, họ sẽ làm thủ tục kiện Tesla Thượng Hải.

Một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc đang học cách thích nghi để tồn tại sau đại dịch. Điển hình như Ye, chủ một doanh nghiệp sản xuất kính mắt tại Trung Quốc, chuyên xuất khẩu kính mắt tại khu vực châu Âu. Ông Ye nhận thấy, đây là khoảng thời gian để định hướng xuất khẩu, chuyển sang các đối tượng khách hàng trong nước.

Ye bật mí, hiện tại, doanh nghiệp mở rộng các hình thức bán hàng tại thị trường Trung Quốc như sử dụng ứng dụng Tik Tok. Đầu tiên, doanh nghiệp phải thay đổi thiết kế kính mắt để phù hợp phong cách châu Á, sau đó giảm chi phí sản xuất bởi người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có sức mua ít hơn so với người phương Tây.

“Điều tôi lo lắng nhất là sự không chắc chắn. Tôi không biết sẽ bán được bao nhiêu chiếc kính mắt tại thị trường Trung Quốc”, Ye chia sẻ. Ye không phải là người duy nhất phải đối mặt với sự không chắc chắn. Một giám đốc điều hành từ nhà cung cấp chính của Apple và Google cho hay, họ đang tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của các thiết bị học tập và làm việc trực tuyến tại nhà, nhưng ông không hy vọng những thiết bị này sẽ tồn tại lâu dài.

“Không chắc chắn nhu cầu của những thiết bị này sẽ thế nào trong tương lai. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là đáp ứng nhu cầu hiện tại", Vị quản lý này nói.

(theo Nikkei Asian Review)