📞

Covid-19: ‘Tâm chấn’ là Trung Quốc nhưng kinh tế châu Á cũng bị 'tấn công'

Linh Chi 19:45 | 25/02/2020
TGVN. Không chỉ kinh tế Trung Quốc, các quốc gia trên khắp châu Á cũng bị “tấn công” bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) theo những cách khác nhau.
Bên trong một khu chợ tại thành phố Daegu, tâm dịch virus corona ở Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Nền kinh tế Trung Quốc hiện chiếm 16% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu - lớn gấp 4 lần so với năm 2003 - thời kỳ đỉnh cao của dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính SARS. Quốc gia rộng lớn này cũng là công xưởng của thế giới, nhu cầu than và dầu của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến giá than, dầu toàn cầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường có nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng đối với khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018), tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm.

Theo đánh giá của người đứng đầu ngành kinh tế thị trường tại Nomura Rob Subbaraman, “tâm chấn” của dịch bệnh Covid-19 rõ ràng là ở Trung Quốc nhưng các nền kinh tế hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc cũng nên thận trọng.

Nhật Bản

Trong quý IV/2019, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á đã giảm 1,6% so với quý trước đó, ghi dấu quý giảm mạnh nhất trong hơn 5 năm qua do tác động tiêu cực từ việc tăng thuế tiêu dùng cũng như những thiệt hại do các cơn bão gây ra. Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 lại khiến Nhật Bản đứng trước nguy cơ đối mặt với sự suy thoái mới.

Theo đó, ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đất nước này là điểm đến phổ biến đối với khách du lịch Trung Quốc. Khi các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Nhật Bản tăng lên từng ngày, Naohiko Baba, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Goldman Sachs Nhật Bản lưu ý rằng , rủi ro lớn hơn là tiêu dùng trong nước, đặc biệt, ngành dịch vụ cũng sẽ “ngấm đòn”. Goldman Sachs dự báo, GDP của quốc gia này sẽ giảm 0,3% vào năm 2020.

Hàn Quốc

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2% trong năm 2019, mức tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỷ. Khi Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc dự báo, GDP của nước này sẽ tăng tới 2,3%. Tuy nhiên, sự bùng phát nhanh chóng của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc đã dập tắt kịch bản tăng trưởng này.

Hiện tại, Hàn Quốc là một trong những quốc gia trọng tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Seoul. Điều này đã khiến các nhà kinh tế tại Citigroup điều chỉnh giảm dự báo GDP năm 2020 xuống còn 2%, bằng với mức tăng trưởng của năm 2019.

Khi tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố, đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp và sẽ sử dụng "tất cả các biện pháp có thể" để hỗ trợ nền kinh tế.

Thái Lan

Ngành du lịch Thái Lan có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ ​​dịch bệnh do người Trung Quốc chiếm 30% tổng khách du lịch đến quốc gia này. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu Thái Lan sang Trung Quốc hiện chiếm hơn 5% GDP của Thái Lan cũng sẽ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng.

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cao cấp châu Á tại Capital econom cho rằng, việc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc sẽ dẫn đến sự gián đoạn đối với các công ty Thái Lan có nguồn sản phẩm trung gian từ Trung Quốc.

Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan dự báo, ​tăng trưởng GDP nước này chậm lại ở mức 1,5% trong năm nay, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 6.

Singapore

Trung Quốc là thị trường trọng điểm cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Singapore. Điều này khiến quốc đảo Sư tử trở thành một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Á trước sự suy thoái của Trung Quốc.

Chính phủ Singapore trong tuần này đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống từ -0,5% đến 1,5%. Bên cạnh đó, đất nước này đã dành 5,6 tỷ SGD (tương đương 4 tỷ USD) trong ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sẽ chi thêm 800 triệu SGD để chống lại dịch bệnh.

Malaysia

Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Malaysia ở mức 4,6%, mức thấp nhất trong 10 năm. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Nor Shamsiah Yunus cho biết, dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Malaysia trong năm nay do số lượng khách du lịch thấp hơn, chi tiêu tiêu dùng giảm.

Theo Alex Holmes, chuyên gia kinh tế châu Á tại Capital econom, việc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc có thể đã gây ra sự gián đoạn đáng kể cho ngành sản xuất khi các công ty gặp phải tình trạng thiếu nguồn cung. Chuyên gia Alex Holmes dự báo, tăng trưởng kinh tế Malaysia sẽ giảm xuống 1,5% trong quý I/2019.

Người dân tại Manila, Philippines xếp hàng chờ mua khẩu trang. (Nguồn: AP)

Philippines

Các nhà kinh tế tại Nomura cho biết, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến Philippines thông qua lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc chiếm 22,1% tổng lượng khách quốc tế đến Philippines, tăng từ mức 4,1% trong năm 2005.

Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Ngân hàng Trung ương Philppines đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2020 xuống còn 6,4% từ mức 6,7% năm 2019.

"Sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 có thể có tác động xấu đến hoạt động kinh tế và tâm lý thị trường trong những tháng tới", ông Benjamin Diokno, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines nhấn mạnh.

Indonesia

Indonesia là quốc gia duy nhất dường như bị “cô lập” khỏi dịch bệnh. Quốc gia này vẫn chưa xác nhận một trường hợp nào nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lệnh cấm các chuyến bay khứ hồi đến Trung Quốc cũng khiến ngành du lịch Indonesia bị ảnh hưởng đáng kể.

Ngày 20/2, Ngân hàng Trung ương Indonesia lần đầu tiên hạ lãi suất cơ bản xuống còn 4,75%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2020 xuống 5%-5,4% từ mức 5,1%-5,5%.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Perry Warjiyo vẫn lạc quan rằng, tác động kinh tế của dịch bệnh Covid-19 sẽ rất ngắn và sẽ có sự phục hồi nhanh chóng.

Ấn Độ

Ấn Độ đã được bảo vệ tương đối khỏi “bụi phóng xạ” từ dịch bệnh Covid-19 và sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Các nhà kinh tế tại Nomura cho rằng, khách du lịch Trung Quốc đến Ấn độ chỉ chiếm 2,7% tổng số du khách nước ngoài đến quốc gia này.

Tuy nhiên, Công ty phân tích CRISIL có trụ sở ở Ấn Độ lưu ý rằng, đối với các nhà nhập khẩu Ấn Độ, sự gián đoạn nguồn cung chính là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Ấn Độ. Các mặt hàng tiêu dùng, điện tử, pin mặt trời bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các ngành này phụ thuộc vào các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tập đoàn Moody cho biết, họ đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ xuống 5,4% năm 2020 từ mức 6,6%.

(theo Nikkei Asian Review)