Ngân hàng Credit Suisse bị bị tố giữ hàng chục tỷ USD “tiền bẩn”. (Nguồn: Reuters) |
Cụ thể, ngày 20/2, các cơ quan truyền thông này công bố thông tin rằng, dữ liệu rò rỉ của Credit Suisse đã phơi bày bí mật về tài sản của nhiều khách hàng liên quan đến các tội ác như tra tấn, buôn ma túy, rửa tiền, tham nhũng và nhiều tội ác nguy hiểm khác.
Khối dữ liệu này bao gồm 18.000 tài khoản ngân hàng liên quan 37.000 khách hàng trên toàn thế giới, tiết lộ chủ sở hữu của hơn 100 tỷ Franc Thụy Sỹ (109 tỷ USD) từ những năm 1940 đến những năm 2010.
Những tài khoản bị rò rỉ chủ yếu từ khách hàng tại những nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ. Đây được xem là vụ rò rỉ dữ liệu nghiêm trọng từ một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới.
Le Monde nhấn mạnh cuộc điều tra cho thấy Credit Suisse đã xem thường các quy định ngân hàng quốc tế bằng cách giữ các quỹ có liên quan tội ác và tham nhũng trong vài thập niên.
Vụ rò rỉ cho thấy Credit Suisse đã thất bại trên diện rộng trong việc thẩm định, từ chối những khách hàng nghi ngờ và xử lý các khoản tiền bất hợp pháp. Đồng thời, hậu quả từ vụ việc có thể gây thiệt hại cho toàn bộ khu vực tài chính của Thụy Sỹ.
Trong thông báo sau đó, Credit Suisse bác bỏ mọi cáo buộc, nói rằng nhiều vấn đề được Dự án nêu ra là thuộc quá khứ. Khoảng 90% số tài khoản bị xem xét lại đã bị đóng hoặc trong quá trình bị đóng trước khi báo chí tiếp cận ngân hàng này và hơn 60% trong số tài khoản đó đã bị đóng trước năm 2015.
Trong bối cảnh đó, nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng chính trị lớn nhất Nghị viện châu Âu (EP), đã kêu gọi EU xem xét lại mối quan hệ với Thụy Sỹ và cân nhắc liệu có nên thêm nước này vào danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về tội phạm tài chính hay không.
Nghị sĩ Markus Ferber, điều phối viên về các vấn đề kinh tế của EPP cho biết: “Khi các ngân hàng Thụy Sỹ không áp dụng tiêu chuẩn chống rửa tiền quốc tế một cách phù hợp, chính Thụy Sỹ sẽ trở thành một quốc gia có rủi ro cao”.
Ông cũng đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) cần xem xét việc thêm Thụy Sỹ vào danh sách quốc gia thứ ba có nguy cơ cao trong lĩnh vực rửa tiền khi danh sách này được sửa đổi vào lần tới. Các chuyên gia cho rằng, nếu EU có động thái như vậy, nền tài chính của Thụy Sỹ sẽ đối mặt với một thảm họa.
Chính phủ Thụy Sỹ hiện từ chối bình luận về tuyên bố của EPP, nhưng cho biết nước này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về trao đổi thông tin thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố và tham nhũng.