Với tôi, cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thọ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba nhiệm kỳ 1996-1999 thực sự đặc biệt bởi cả ông và vợ ông – bà Phạm Thị Nam đã chia sẻ nhiệt tình về những kỷ niệm mà ông bà từng trải qua tại nơi được coi là “viên ngọc” vùng Caribean. Tôi “đến” với Cuba qua câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng của họ, tôi hiểu Cuba qua những kỷ niệm về Cuba mà họ lưu giữ sau bao năm...
Ông Nguyễn Văn Thọ (giữa) chụp ảnh cùng nhân viên Cuba làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba năm 1996. |
Quý trọng tình người
Cuba đi vào cuộc sống của ông Thọ không chỉ trong những năm tháng học tập và công tác mà còn cả hành trình tới một số nước Mỹ Latinh và châu Phi. Ông Thọ biết ơn Cuba vì đây là nơi bắt đầu mối tình của đời ông. Và sau này, cả con trai ông cũng nên duyên vợ chồng từ đây. Ông kể rằng, trước đây, Đại sứ quán không khuyến khích du học sinh yêu nhau nhưng Đại sứ khi đó là ông Nguyễn Ngọc Sơn đã phá lệ cho phép ông và bà Nam tìm hiểu...
Những bờ biển Havana đẹp tựa thiên đường là nơi ông - một tùy viên sứ quán và bà Nam – một sinh viên Việt Nam học tiếng Anh gặp gỡ, trò chuyện và vun đắp cho tình yêu. Cuba, nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp khó quên của họ với những người dân Cuba thân thiện, hiền hòa...
Bà Nam chia sẻ rằng, người dân Cuba tuy nghèo khó nhưng luôn quý trọng tình người. Bà nhớ về nữ anh hùng Melba Hernandez, bạn chiến đấu của lãnh tụ Fidel Castro, người yêu thương sinh viên Việt Nam như con cháu mình. Tất cả sinh viên Việt Nam đều trìu mến gọi bà là “Mami Melba” (Mẹ Melba). Vào mỗi dịp Tết đến, lãnh tụ Cuba Fidel Castro và mẹ Melba đều gửi quà cho sinh viên Việt Nam.
Đặc biệt, có một kỷ niệm mà đến tận bây giờ bà vẫn cảm động. Đó là năm 1969, khi Bác Hồ mất, tất cả sinh viên Việt Nam mặc áo trắng, đeo băng tang, khi đi xe buýt đều được người dân Cuba nhường cho lên xe trước. Thời đó, xe buýt ở Cuba hiếm nên mọi người phải xếp hàng chờ xe rất lâu. Từ đó có thể thấy tình cảm cao quý mà người Cuba dành cho Bác Hồ, dành cho Việt Nam.
Người tốt ở khắp nơi
Năm 1998, bà Nam quay lại Cuba với vai trò phu nhân Tham tán Đại sứ. Cuộc sống của người dân khi đó vô cùng khó khăn nhưng tinh thần của con người xứ biển vẫn kiên cường. Họ không tranh giành nhau, có ý thức xếp hàng để mua từng cân sắn, cân khoai.
Vào các dịp lễ hội Carnival, người dân như quên hết nghèo khổ để nhảy múa rất vui. Bà Nam ấn tượng với chế độ phúc lợi xã hội ở Cuba, nhất là về y tế và giáo dục. Từ lãnh đạo cho tới người dân khi đau ốm đều được chữa bệnh và chăm sóc y tế miễn phí; con em đi học từ mẫu giáo tới đại học đều không phải trả tiền. Đó là thành quả của cách mạng và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba. “Có lẽ, cả thế giới phải khâm phục Cuba về điều này, ngay cả Mỹ và phương Tây”, bà nói.
Một câu hỏi đặt ra là một nước nghèo như Cuba lấy đâu ra nguồn lực để có chính sách phúc lợi xã hội như vậy? Ông Thọ cho biết, nguồn lực chính là từ chính sách tiết kiệm triệt để. Trước khi Liên Xô sụp đổ, Liên Xô và Đông Âu đầu tư rất nhiều vào kinh tế và quốc phòng Cuba nhưng họ khá khôn khéo để dành, không lãng phí và không tham nhũng.
Theo ông, con người Cuba hào hiệp và sôi nổi, it khi ông thấy họ khóc hay cãi nhau. Với tinh thần tự tôn dân tộc cao, người Cuba nghèo nhưng không xấu hổ, không tự ti và ít vướng vào tệ nạn xã hội. “Ở người dân Cuba, chúng ta luôn tìm được lòng tốt. Đồng tiền không phải là thứ có thể chi phối tất cả”, ông khẳng định.
Ông nhớ rất rõ hai kỷ niệm với người dân Havana. Đó là khi ông vừa lấy xe ô tô ở xưởng sửa chữa ra ngoài, có hai vợ chồng vẫy ông dừng lại để báo rằng bánh xe sắp văng ra ngoài. “Thấy trong cốp xe của tôi không có đồ nghề, họ bèn lấy dụng cụ của họ và vặn lại ốc bánh xe chắc chắn mà không yêu cầu tôi trả một đồng”, ông kể. Lần khác cũng là khi ông lái xe ô tô bị sa vào hố ven đường, mấy ông cụ đang xếp hàng mua bánh mỳ đã xúm lại nâng bánh xe lên cho ông. “Những hình ảnh đó còn ấn tượng mãi trong tâm trí tôi”, ông Thọ nói.
Nguyên tắc nhưng sáng tạo
Ông Thọ nói, có lẽ cái duyên với Cuba đã khiến con người và “lòng tốt” Cuba có ở mọi hành trình ngoại giao mà ông đi qua. Khi công tác nhiệm kỳ tại Mexico, đất nước tư bản đầu tiên ông tới công tác, các cán bộ Đại sứ quán Cuba tại đây giúp đỡ Đại sứ quán ta rất chân thành như bạn bè anh em thân thiết.
Ngoài ra, khi ông công tác nhiệm kỳ ở Nicaragua hay Angola, các bạn Cuba cũng giúp đỡ Sứ quán từ những chai dầu ăn cho đến lắp ráp thiết bị điện đài, chuyển báo chí, tài liệu... Trong con mắt ông, người Cuba mặc dù nguyên tắc nhưng luôn sáng tạo và năng động. Có lẽ chính điều đó đã giúp đất nước và con người Cuba kiên định vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thọ hiện là hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – Cuba, Việt Nam – Venezuela, Việt Nam – Brazil, Việt Nam – Chile. ông từng học nâng cao tiếng Tây Ban Nha ở Cuba và công tác nhiệm kỳ tại Cuba, Mexico, Nicaragua, Angola... |
Giờ đây, khi tất cả hành trình đã đi vào kỷ niệm, ông và người bạn đời vẫn hay ôn lại những chuyện xưa ở Cuba, nơi họ được học tập, làm việc và yêu nhau, những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp được đặt lên từ đó. Ông Thọ thường xuyên theo dõi những bước chuyển mình của Cuba và lạc quan tin tưởng về tương lai tươi sáng của nước này sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
“Về hưu rồi, có thời gian nghĩ lại, tôi thấy Cuba có nhiều điều đáng khâm phục và đáng học tập lắm! Vừa qua, trên tivi người ta chiếu hình ảnh người dân Cuba sử dụng những chiếc ô tô cũ. Nhiều người thấy buồn cười nhưng đấy chính là điều tôi khâm phục ở người Cuba. Trong thiếu thốn, họ tận dụng mọi thứ để phục vụ cuộc sống và thậm chí còn phục vụ du khách, chủ yếu là du khách Mỹ”, ông chia sẻ.
Vốn được học về Cuba từ trong trường đại học, ông Thọ cảm nhận rằng: Lúc đầu, ông yêu quý và khâm phục Cuba phần nào do cảm tính. Nhưng nay, khi đã ở tuổi U80 thì nó ngày càng chín chắn và đi vào lý trí.