Saudi Arabia đi đầu và ba nước khác là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập lần lượt theo sau trong chuyện hoà giải với Qatar để dần chấm dứt việc phong toả, cấm vận và trừng phạt Qatar được áp dụng từ ngày 5/6/2017.
Vụ việc diễn biến đến kết cục này không phải vì Qatar đáp ứng đầy đủ 13 điều kiện trong tối hậu thư mà bộ tứ kia đưa ra đối với Qatar mà vì Goliath đã nhận thấy không những không thể thắng được mà còn đã bị thua David.
Qatar bị gây khó dễ không ít nhưng ứng phó thành công nhờ có tiềm lực tài chính dồi dào và nhờ xử lý khôn khéo mối quan hệ với các đối tác khác ở trong cũng như ngoài khu vực, đặc biệt với Mỹ, với Kuwait và Oman là hai nước thành viên của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Qatar, cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là hai nước mà Qatar bị bộ tứ kia thúc ép cắt quan hệ ngoại giao.
Kuwait hăng hái trung gian hoà giải để bớt khó xử ở vùng Vịnh và đề cao vai trò trong GCC. Mỹ thôi thúc hoà giải vì cả hai bên đều là những đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ mà Mỹ đều cần trong tập hợp lực lượng đối phó Iran.
Bộ tứ kia phải để cho lý trí chế ngự tình cảm khi buộc phải chủ động hoà giải với Qatar vì thấy rằng đã đánh giá sai khả năng ứng phó của Qatar và không những không khuất phục được Qatar mà còn làm lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong khi càng duy trì đối đầu Qatar thì mức độ tổn hại tới thể diện và uy danh, vai trò và ảnh hưởng ở khu vực ngày càng tăng.
Saudi Arabia, UAE và Bahrain càng cần Qatar và sự thống nhất nội bộ trong GCC để tập hợp lực lượng trong khu vực cùng đối phó Iran trước khả năng chính quyền mới ở Mỹ đối với Iran không hẳn như chính quyền cũ.
Goliath chịu thua thật đấy nhưng David cũng chẳng dám đắc thắng.