Lãnh đạo Cục Phục vụ Ngoại giao Đoàn và các đơn vị của Cục. |
Phóng viên Báo TG&VN đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Phương Nghị, Quyền Cục trưởng Cục PVNGĐ về chặng đường 60 năm phát triển của đơn vị (10/6/1964-10/6/2024).
Với nhiều người, cái tên Cục PVNGĐ vẫn khá xa lạ, ông có thể giới thiệu sơ lược về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị với bạn đọc Báo TG&VN?
Cục PVNGĐ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về đối ngoại của Bộ trong các lĩnh vực chính: Cung ứng và quản lý người lao động Việt Nam, cung ứng và quản lý cơ sở nhà, đất làm trụ sở, văn phòng, nhà ở; cung ứng các dịch vụ đi lại, thể thao, giải trí, các dịch vụ liên quan khác... cho cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; tổ chức và hướng dẫn phóng viên nước ngoài vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
Cụ thể, hiện nay Cục đang cung cấp 121 biệt thự, 438 căn hộ và 1 Toà nhà Văn phòng tại Thủ đô Hà Nội; đồng thời quản lý trực tiếp 5.255 lao động Việt Nam làm việc cho 276 cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ tại 27 tỉnh thành, từ Hà Tĩnh trở ra. Trung bình hàng năm, Cục tổ chức đón và hướng dẫn khoảng 200 đoàn phóng viên với 1.200-1.400 lượt phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí tại các sự kiện, hội nghị quốc tế quan trọng.
Ông Ngô Phương Nghị, Quyền Cục trưởng Cục PVNGĐ. |
Ông có thể khái quát về những thành tựu nổi bật mà đơn vị đã đạt được trong thời gian qua?
Kế thừa những thành tích rất đáng tự hào của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Cục PVNGĐ trong suốt 60 năm hình thành và phát triển, Cục đã và đang nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Thứ nhất, Cục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và khai thác quỹ nhà được giao, đáp ứng nhu cầu thuê nhà của các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các đối tượng khác theo quy định. Đặc biệt, nhiều biệt thự hạng I được xây dựng trước năm 1954 với tuổi thọ trên trăm năm đã được Cục gìn giữ và bảo tồn tốt, được UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc Việt Nam đánh giá cao.
Về công tác hỗ tương và trao đổi tài sản ngoại giao, Cục tích cực phối hợp với các vụ khu vực để giải quyết tài sản ngoại giao của nhiều nước và là đầu mối kết nối với các cơ quan chức năng về công tác nhà đất cho các Đại sứ quán tại khu Đoàn ngoại giao Nam Thăng Long.
Thứ hai, Cục được đánh giá cao trong vai trò là cơ quan bảo đảm an ninh, an toàn cho Đoàn ngoại giao và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức có chức năng ngoại giao và văn phòng nước ngoài.
Cục luôn duy trì cơ chế giao ban ba miền với Trung tâm phát triển Hợp tác quốc tế và Dịch vụ đối ngoại (CIFA) và Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ cơ quan nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh (FOSCO) để chia sẻ, hướng dẫn nghiệp vụ, tăng cường tính thống nhất và hiệu quả trong công tác tuyển dụng, quản lý lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, Cục hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức sau khi tiếp nhận Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài, từng bước nỗ lực bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn phóng viên nước ngoài không thường trú vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
Thứ tư, hoạt động cung ứng dịch vụ được duy trì và đạt kết quả khả quan, tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt, luôn vượt kế hoạch. Cục nhiều lần được tuyên dương là đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và từng bước bảo đảm, nâng cao đời sống, thu nhập cho cán bộ, nhân viên và người lao động.
Thứ năm, công tác đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ không ngừng được đẩy mạnh. Cục hoàn toàn dùng nguồn thu sự nghiệp để bố trí kinh phí cho công tác xây dựng, sửa chữa cải tạo, duy tu bảo dưỡng. Việc đưa vào sử dụng Tòa nhà văn phòng cao cấp 63-71 Láng Hạ, Khu biệt thự đoàn ngoại giao Vạn Phúc 4 năm 2020 là nét mới trong công tác đầu tư của đơn vị những năm gần đây.
Với những thành tích đã đạt được, Cục vinh dự đón nhận nhiều hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2004); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2014) và rất nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của các bộ, ban ngành khác…
Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) và chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập đơn vị. (Ảnh: Anh Sơn) |
Để có thành tích trên, theo ông, đâu là những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được Lãnh đạo Cục áp dụng trong thực tiễn sản xuất, công tác?
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, yếu tố quan trọng và tiên quyết là Cục luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, các thế hệ lãnh đạo Cục luôn chú trọng xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh, có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cục đã xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, đầu tư đúng mức, đúng trọng điểm để mang lại hiệu quả tối ưu nhất từ nguồn lực tự tích lũy, không sử dụng nguồn vốn Ngân sách do Nhà nước cấp.
Cục quan tâm và chú trọng việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để phù hợp với tình hình mới. Từ năm 2014 đến nay, Cục đã ba lần thực hiện rà soát, giảm được hai đơn vị cấp Phòng, sát nhập nhiều đầu mối cấp tổ, số lượng lao động bình quân giảm đều hàng năm, từ hơn 800 người năm 2010 xuống còn 477 người năm 2023, đạt tỷ lệ tinh giản hơn 40%.
Cục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Năm 2022, Cục đã hoàn thành việc số hóa toàn bộ các nghiệp vụ trong công tác tài chính và áp dụng chữ ký số đối với công tác đấu thầu, đảm bảo 100% các gói thầu mua sắm công và xây lắp hoàn thành lộ trình của Chính phủ về đấu thầu qua mạng trước hạn một năm.
Một bài học nữa là tăng cường việc thực hiện kỷ luật, nội quy lao động, coi đây là công tác thường xuyên, liên tục và là một trong những căn cứ để đánh giá xếp loại thi đua cuối năm đối với từng tập thể và cá nhân.
Cuối cùng là việc chú trọng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Cục luôn tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên, người lao động được tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Ngoại giao tổ chức và luôn đặt chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ lên hàng đầu.
Quy hoạch Khu ngoại giao đoàn Trung Tự. (Nguồn: Cục PVNGĐ) |
Định hướng phát triển của Cục trong thời gian tới như thế nào?
Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, Cục xác định rõ phải “Đổi mới để phát triển”.
Cục sẽ không dừng lại và hài lòng với những gì đang có mà tiếp tục tham khảo mô hình quản lý của các nước để xây dựng quy hoạch, hướng tới việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở của hai khu Đoàn ngoại giao một cách tổng thể, đồng bộ với nguồn vốn đầu tư công trung hạn để có thêm những công trình hiện đại phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan ngoại giao.
Trước mắt, Cục tiếp tục đổi mới tư duy, cải tiến phương thức điều hành, áp dụng mô hình làm việc mới, đẩy mạnh việc dự báo, lập kế hoạch về công tác cho thuê nhà; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các hình thức dịch vụ; đa dạng hóa và mở rộng cách thức tiếp cận với khách hàng.
Cục tiếp tục dành nguồn lực cho việc nâng cấp hạ tầng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin mạng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới cùng sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cục sẽ cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý lao động, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên giỏi, ngày càng chuyên nghiệp, bản lĩnh để phấn đấu xây dựng Cục PVNGĐ hiện đại, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại cả trong và ngoài nước.