Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, có nhiều hình thức liên minh, liên kết. Cao nhất là liên minh theo Hiệp ước phòng thủ chung (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO); Hiệp ước liên minh quân sự song phương (Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn…), còn gọi là kiểu “liên minh cứng”.
Lỏng lẻo hơn là hình thức liên kết, hợp tác an ninh theo các cơ chế khu vực (Diễn đàn Khu vực ASEAN - ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - ADMM, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng - ADMM+…), gọi nôm na là “liên minh mềm”.
Quan hệ giữa một số quốc gia thành viên NATO có không ít trường hợp “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. (Nguồn: Reuters) |
NATO cũng "lục đục"
NATO đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc: kẻ thù chung, chính sách phòng thủ chung, lực lượng vũ trang chung, bộ chỉ huy chung, chịu một số hạn chế về chủ quyền quốc gia và trao một phần thẩm quyền quốc gia cho một cơ chế “siêu quốc gia”.
Tuy vậy, quan hệ giữa một số quốc gia thành viên NATO cũng có không ít trường hợp “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, “dở khóc, dở cười”.
Mỹ trừng phạt Thổ Nhỹ Kỳ vì mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và công kích Ankara vi phạm nhân quyền… Thổ Nhỹ Kỳ coi tổ chức người Kurd ở Syria được Mỹ hỗ trợ là khủng bố; phủ quyết việc Mỹ và NATO lên án Belarus trong vụ buộc máy bay hạ cánh khẩn cấp để bắt giữ nhân vật đối lập…
Quan hệ giữa một số thành viên NATO với đối thủ chung cũng có những trường hợp xé rào, liên quan đến lợi ích quốc gia.
NATO coi Nga là kẻ thù, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn không từ bỏ quan hệ với đối tác hợp tác đầy tiềm năng, gọi Tổng thống Putin là “người bạn đáng mến nhất”! Nhưng sau cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Reccep Edogan lại ca ngợi mở ra một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhỹ Kỳ.
Đức kiên quyết phản đối việc Mỹ và một số đồng minh yêu cầu hủy bỏ dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trong nhất”, nhưng một số đồng minh châu Âu vẫn có kênh hợp tác song phương với Trung Quốc, trong đó có những dự án liên quan đến cảng, công nghệ, an ninh.
Mặc cho những lùm xùm nội bộ, những ràng buộc, hạn chế về chủ quyền, nhiều nước châu Âu vẫn có nguyện vọng gia nhập NATO để được “ô phòng thủ chung” che chở. Năm 2004, NATO có đợt mở rộng kỷ lục, kết nạp một loạt thành viên là các nước thuộc khu vực Baltic, Đông Âu.
Hiện nay, Ukraine và một số nước thuộc không gian hậu Xô viết vẫn tìm mọi cách để trở thành thành viên NATO.
Nga-Trung Quốc để ngỏ về một liên minh chặt chẽ hơn. (Nguồn: Reuters) |
Nga-Trung lấp lửng
Các lệnh trừng phạt, đối đầu căng thẳng với Mỹ và phương Tây thời gian qua đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau. Hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, khoa học, công nghệ, ngoại giao, diễn tập quân sự chung…
Theo đánh giá của quốc tế cũng như từ chính hai nước, thực chất quan hệ Nga-Trung vẫn chỉ là liên thủ, chưa thể trở thành một liên minh quân sự chính thức.
Lý giải về quan hệ Nga-Trung, các chuyên gia cho rằng hai nước có chung một số lợi ích, thách thức an ninh chung, nhưng cũng có mục đích riêng, những tính toán riêng, có những “vật cản” khó bước qua.
Trung Quốc là khách hàng lớn của công nghiệp quốc phòng Nga. Nhưng Bắc Kinh luôn tìm cách sao chép công nghệ quốc phòng Nga, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu, lấn sân một số thị trường của Nga. Không ít người Nga lo ngại sự hiện diện và tham vọng của Bắc Kinh ở vùng Viễn Đông, giàu tài nguyên mà thưa vắng người…
Trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga vừa qua tại Geneva, Tổng thống Joe Biden cũng cho rằng “Nga đang chịu sức ép lớn từ Trung Quốc”.
Duy trì kiểu liên thủ sẽ “rảnh tay” hơn cho cả hai trong quan hệ đan xen với các đối tác khác. Và cũng là một kiểu răn đe: nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép quá mức, thì Nga và Trung Quốc buộc phải trở thành liên minh quân sự.
Do đó, trên thực tế, Nga, Trung Quốc vẫn gia tăng hợp tác quốc phòng, an ninh theo kiểu liên kết lỏng lẻo, nhưng vẫn lấp lửng về một liên minh chặt chẽ hơn, nếu cần.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nêu rõ chính sách "bốn không". |
Việt Nam "bốn không"
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nêu rõ: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Nhưng chúng ta cũng không tự bó tay mình: “tùy theo diễn biến của tình hình và trong những trường hợp cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp…” để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, giải quyết các thách thức an ninh chung.
Chính sách quốc phòng nêu trên được khái quát bằng cụm từ “bốn không, một tùy”. Chính sách đó bảo đảm cho Việt Nam chủ động trong các mối quan hệ, không bị đẩy vào tình thế buộc phải chọn bên, đối đầu với các nước khác, nhất là nước lớn; không bị hạn chế trong tăng cường hợp tác quốc phòng với tất cả các nước.
Chính sách quốc phòng Việt Nam xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Đồng thời xuất phát từ bài học kinh nghiệm trong lịch sử dân tộc.
Lựa chọn hình thức liên minh, liên kết trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh rất quan trọng, cần thiết nhưng là bài toán khó, nhất là với các nước đang phát triển, chậm phát triển. Theo kiểu nào, “cứng hay mềm” cũng có mặt được và mất, lợi và hại, xét từ góc độ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Không ít quốc gia vì những tính toán sai lầm, đã đẩy đất nước trở thành chiến trường cạnh tranh chiến lược giữa các thế lực, các nước lớn; rơi vào chiến tranh, nội chiến triền miên. Biết là một chuyện, tránh được lại là chuyện khác.
Vấn đề là phải có một đường lối độc lập, tự chủ, bản lĩnh và nội lực để không chao đảo trong thế giới đan xen phức tạp, nhiều toan tính hiện nay.