Ngành du lịch của Trung Quốc là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Tháng 1/2020, khi đại dịch Covid-19 tấn công các thành phố của Trung Quốc, các địa phương này lần lượt tuyên bố phong toả, cách ly.
Chẳng bao lâu, dịch bệnh đã lan sang những nước khác khiến chuỗi cung ứng bị cắt đứt, máy bay không cất cánh nữa, các nhà máy, cửa hiệu và nhà hàng trên khắp thế giới bị đóng cửa, còn các chuyên gia đưa ra những dự đoán buồn rằng nền kinh tế sẽ sụp đổ.
Leo dốc ngoạn mục
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn bị chỉ trích vì sự chậm chạp trong xử lý dịch bệnh khi giới chức không sớm thông báo với thế giới về căn bệnh kinh khủng. Thế nhưng, bản thân người Trung Quốc đã rất nhanh chóng làm chủ tình hình.
Ngay tháng 5/2020, chính quyền đã tuyên bố chiến thắng virus SARS-CoV-2 bằng cách tổ chức hai phiên họp lớn và trực tiếp ở thủ đô là cuộc họp Quốc hội và cơ quan tư vấn chính của đất nước.
Vào tháng 10/2020, gần nửa tỷ người đã toả ra khắp đất nước trong các chuyến đi nhân kỳ nghỉ kéo dài một tuần nhân Ngày Quốc khánh Trung Quốc. Một tháng sau, trong Ngày lễ Độc thân được ưa chuộng trong giới trẻ Trung Quốc, các cư dân nước này đã chi gần 56 triệu USD để mua sắm nhằm thể hiện niềm tự hào là người độc thân.
Hai tháng sau, Trung Quốc trở thành đất nước duy nhất có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2020. Tuy mức tăng chỉ là nhỏ nhất kể từ năm 1976 nhưng dù sao vẫn là tăng trưởng. GDP tăng 2,3%, nhiều hơn so với dự đoán 1,9% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Thêm vào đó, GDP hàng năm lần đầu tiên vượt quá 100.000 tỷ Nhân dân tệ (NDT) và lên tới 101,6 nghìn tỷ NDT (15,7 nghìn tỷ USD).
Kinh tế Trung Quốc đã có cuộc leo dốc hình chữ V: Trong quý II/2020, nền kinh tế nước này đã thoát khỏi mức thấp ghi nhận hồi tháng 3/2020. Các nhà máy đã đáp ứng nhu cầu rất lớn về sản phẩm y tế và thiết bị điện tử phục vụ cho chế độ làm việc tại nhà.
Từ tháng 3-12/2020, các nhà sản xuất Trung Quốc đã cung ứng cho thế giới 224 tỷ chiếc khẩu trang, bình quân 40 chiếc cho mỗi cư dân Trái Đất ở bên ngoài Trung Quốc. Đây là một cú “bùng nổ xuất khẩu” đích thực.
Vượt mặt Mỹ?
Nền kinh tế Trung Quốc thuộc hàng lớn nhất thế giới đã thoát ra khỏi đại dịch với dấu hiệu tích cực. Theo quan điểm của các chuyên gia, điều đó có nghĩa là kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn những nền kinh tế khác.
Như dự kiến, năm 2021, GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8,2%. Với nhịp độ này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sớm đuổi kịp Mỹ về GDP chứ không phải vào giữa những năm 2030 như các nhà phân tích dự đoán. Hiện tại, kinh tế Trung Quốc đứng sau Mỹ 6,2 nghìn tỷ USD. Năm 2019, khoảng cách đó là 7,1 nghìn tỷ USD.
Các chuyên gia từ công ty tài chính Nhật Bản Nomura kết luận rằng, đại dịch Covid-19 không gây ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc như ở Mỹ, và Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ vào năm 2028. Nếu đồng nội tệ Trung Quốc mạnh lên và có tỷ giá khoảng 6 NDT/1 USD thì mốc đuổi kịp sẽ sớm hơn 2 năm nữa. Hiện nay, tỷ giá trung bình là 6,9 NDT/1 USD.
Chuyên gia từ công ty tài chính Mỹ J.P. Morgan Asset Management cũng tính toán, trong vòng 8-10 năm tới, Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ.
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Trung Quốc China Renaissance cũng tán thành dự đoán trên. Ông Alexei Kuznetsov, quyền Giám đốc Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga nhận định: “Tôi tin rằng qua thời gian, Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ, vì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc mỗi năm đều cao hơn của nền kinh tế Mỹ. Còn về sức mua thì đã đã bỏ xa Mỹ từ lâu”.
Tuy nhiên, không nên chỉ xét riêng những yếu tố này. Chuyên gia Kuznetsov nhấn mạnh: “Đừng quên rằng số người Trung Quốc nhiều hơn người Mỹ khoảng 4 lần. Vì vậy, nếu xét về GDP bình quân đầu người, tất nhiên Trung Quốc thua xa Mỹ”.
Thật vậy, ở Mỹ, chỉ số này cao gấp 5 lần so với ở Trung Quốc- 63,2 nghìn USD so với 11 nghìn USD. Ngoài ra, trong nỗi lo ngại về tính bền vững của tăng trưởng, các nhà kinh tế chú ý đến đặc điểm thành công của Trung Quốc thăm 2020 là phục hồi nhờ sản xuất và xuất khẩu chứ không phải do nhu cầu nội địa.
Khó khăn vẫn hiện diện
Trong khi đó, những năm gần đây, Bắc Kinh phải cố gắng giảm bớt độ phụ thuộc vào xuất khẩu, lao động phổ thông giá rẻ đang ngày càng ít dần khi đất nước phát triển.
Từ lâu, ban lãnh đạo Trung Quốc đã nói về kích cầu nội địa và năm vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc cũng hơn một lần nhắc nhở đến nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thành công. Tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc không tăng, thực trạng phong toả, cách ly định kỳ hiển nhiên không thúc đẩy tiêu dùng trong nước…
Lĩnh vực dịch vụ bị thiệt hại nhiều nhất chủ yếu là kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Ở các thành phố lớn, công việc cũng giảm bớt, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Trong năm 2021, các trường đại học của Trung Quốc sẽ cho "ra lò" thêm khoảng 8,7 triệu chuyên gia trẻ.
Đặc biệt khó khăn là thành phần lao động nhập cư, đông đảo người từ các làng quê đến thành phố kiếm ăn. Có khoảng 290 triệu người như vậy ở Trung Quốc, chiếm 37% cư dân lao động và khoảng 1/2 số nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ.
Năm 2020, có 5 triệu người mất việc. Doanh thu thấp hơn nên việc chi tiêu phải cắt giảm và không có gì ngạc nhiên khi năm 2020, các nhà bán lẻ Trung Quốc kiếm được ít hơn 3,9% so với năm 2019.
Thêm một vấn đề khác là các khoản nợ của công ty và người dân. Trước đây, những món nợ này đã làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc, còn trong 9 tháng đầu năm 2020, tình hình càng tồi tệ.
Giờ đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải tìm cách cân bằng giữa hỗ trợ và gánh nợ: rất khó hoàn trả các khoản vay do mức tiêu dùng thấp.
Dù sao, các chuyên gia hy vọng rằng trong năm mới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không tuột dốc, bởi nếu không thì tất cả sẽ gặp rắc rối lớn, từ các nhà sản xuất thiết bị điện và linh kiện máy tính cho đến các nhà cung cấp quặng sắt và đậu nành - đội ngũ luôn phụ thuộc vào nhu cầu nội địa.