Sáng 28/8 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức diễn đàn “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề trong giai đoạn hiện nay”.
Diễn đàn nhằm thảo luận những vấn đề liên quan tới thực trạng đạo đức hành nghề, những yêu cầu đặt ra đối với đạo đức hành nghề tại Việt Nam hiện nay, đồng thời hướng tới xây dựng các quy định pháp luật, quy tắc về đạo đức hành nghề ở Việt Nam.
Trong phát biểu của mình, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do Việt Nam ban hành đã phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tuy vậy, việc đưa các quy định này vào thực tế để mang lại kết quả như ý muốn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Để các quy định đạo đức nghề nghiệp đi vào thực tế, cần phải thiết lập một cơ chế để giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như xét xử các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: YN) |
Đồng thời, ông Nghiêm Vũ Khải nhận định, trong tất cả các ngành nghề, đa phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn được thuần phong mỹ tục, lối sống và phong cách tốt đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt thuận lợi, tích cực thì vấn đề đạo đức con người cũng có những biểu hiện cần phải lên án, bài trừ để làm trong sạch môi trường văn hóa.
Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải, đội ngũ cán bộ công chức ngày càng chuyên nghiệp hơn trong công việc, hiện đại hơn về tác phong nhưng cũng bộc lộ không ít yếu kém, tiêu cực, đặc biệt là về phương diện đạo đức.
“Ở lĩnh vực, ngành nghề nào cũng có mặt tích cực, tiến bộ nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong điều kiện hiện nay, những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đã làm chao đảo nhiều giá trị tốt đẹp, bắt nguồn từ những nhận thức lầm lạc, thiếu bản lĩnh chính trị của một số cá nhân”, ông Nghiêm Vũ Khải nói.
Cũng theo ông Khải, để khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, tạo môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, thúc đẩy hiệu quả năng suất lao động cần phải thực hiện một số biện pháp. Trong đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người lao động để họ hiểu sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của ngành nghề, từ đó bồi đắp tình yêu và tinh thần trách nhiệm với công việc được giao. Hoàn thiện và kiện toàn hệ thống pháp luật của từng ngành nghề, tạo cơ sở hành lang pháp lý trong việc khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người lao động.
Trong phần tham luận, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội băn khoăn, vì sao chúng ta có một hệ thống pháp luật dày đặc, thể chế cực mạnh cả về chính trị và pháp lý, đặc biệt có "trăm tay nghìn mắt" các tổ chức nhà nước mà đến giờ vẫn phải bàn đến đạo đức? Phải chăng đang có nhiều lỗ hổng trong cách hành xử của con người?
Ông kể, khi ông sang Nhật Bản, đến đoạn đường có đèn đỏ không có chiếc xe nào chạy qua và vị giáo sư Nhật Bản đi cùng ông cho biết, ở đây không cần ai đứng ra ngăn cản, xử phạt vì người ta sợ nhất bị nhìn vào mặt. “Phải chăng pháp luật của họ nghiêm? Cùng với đó, nền tảng, "bà đỡ" lớn nhất của pháp luật vẫn là đạo đức", TS. Lưu Bình Nhưỡng trăn trở.
Diễn đàn thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia. (Ảnh: YN) |
Từ đó, theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đạo đức nghề nghiệp là thứ đặc trưng cho nghề đó, mỗi nghề có phạm vi riêng để con người hoạt động, người hành nghề không đủ uy tín, không có "cảnh giới" riêng để hành nghề nghĩa là người đó thất bại, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh.
"Mỗi nghề có đạo đức nghề nghiệp riêng, không áp dụng máy móc sang nghề khác được. Có những nguyên tắc đạo đức coi như báu vật của một nghề mang tính nội bộ. Đạo đức vừa là "bà đỡ" của pháp luật, đồng thời là mục tiêu của xã hội. Khi hành nghề, con người vươn tới sự tốt đẹp; hành nghề không có đạo đức thì không ai tôn trọng", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, sẽ có nhiều “lỗ hổng” trong ứng xử, hành nghề, quyết định các sự việc, vụ việc liên quan đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, khách hàng, công dân. Do vậy, phải chế định ra các quy tắc đạo đức để bịt các “lỗ hổng” nhân cách trong hành nghề.
Nhưng xét cho cùng, theo ông Nhưỡng, gốc rễ của đạo đức hành nghề được “gói gọn” trong: Lương tâm và trách nhiệm. Người hành nghề cần phải có lương tâm, dựa trên lương tâm mà hành xử, đối đãi với người khác, đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để hành động cho phù hợp.