TS. Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm, muốn bảo vệ các quyền con người một cách thiết thực nhất, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc hơn. |
Đó là quan điểm của TS. Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, ĐBQH khóa XIV, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) với báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện một bộ phận người lao động từ TP. Hồ Chí Minh ùn ùn về quê tránh dịch.
Ông có suy nghĩ gì về câu chuyện người lao động ùn ùn về quê trong đại dịch?
Đây là chuyện cực chẳng đã. Đi kiếm sống đất khách quê người, vướng vào dịch lại phải hồi hương, quả là bất đắc dĩ. Tình trạng này vừa là hệ luỵ của dịch bệnh, khó khăn, kiệt quệ; vừa là yếu tố tiềm ẩn rủi ro cho chính họ và xã hội.
Khi trong nhà không có tích lũy, người lao động luôn ám ảnh bởi nỗi lo “đứt bữa”. Và trong những đoàn xe máy rời khỏi TP. Hồ Chí Minh, hẳn là có không ít người đang phải canh cánh nỗi niềm như thế?
Họ hồi hương là về nơi chôn rau cắt rốn, là nơi trú ngụ cuối cùng của cuộc đời, cũng là đi “trốn chạy”. Điều này hoàn toàn khác với cảnh về quê dịp lễ tết, giỗ chạp, cưới xin…
Đối với họ, ở cũng khổ mà đi về quê cũng không hết khổ. Cuộc đời thật gian truân, xuôi ngược đều như nhau.
Do đó, họ cân nhắc lựa chọn về quê, vì ở lại họ hết phương tiện sống. Công việc không có, thu nhập không, tiền trả trọ không có, tiền ăn thiếu thốn, còn ốm đau thi dựa vào ai? Con thơ dại lấy gì nuôi?
Còn cả đoạn đường dài biết bao vất vả, có trường hợp đã phải chịu rủi ro dọc đường.
Đặc biệt, với những người lao động thời vụ, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” càng thường trực hơn bao giờ hết khi phải ngồi một chỗ. Do đó, “an dân” là điều quan trọng nhất lúc này để “ai ở đâu ở đấy”, không phải đi lại vì sinh kế?
Họ về quê không phải hoàn toàn vì sinh kế mà là vì buộc phải tìm chỗ trú thôi. Đó được coi là nơi an toàn cuối cùng mà.
Ông nhận định thế nào về những nguy cơ mà đoàn người lao động về quê thời gian vừa qua?
Như tôi đã nói, rủi ro nhiều lắm: Một là có thể chịu cảnh “cơm đường cháo chợ”, mà lúc này ai bán hàng? Hai là bồng bế nhau, cả con thơ mới sinh, nắng mưa, đường xa rất nguy hiểm.
Ba là họ có thể mang dịch Covid-19 từ tâm dịch về nhà.
Bốn là, có thể họ bị lây nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển, tụ tập…
Và giả sử có trường hợp khi về quê rồi thì giải quyết khó khăn cuộc sống thế nào? Đối với họ, có hàng chục câu hỏi đau đầu.
Thật ái ngại.
Ông có thể đưa ra những giải pháp về chính sách an sinh xã hội thế nào để người dân yên tâm ở lại thành phố, tránh tình trạng hàng vạn người lao động từ “vùng đỏ” trở về quê, mang theo mầm bệnh, nhen lên những đám cháy mới?
Nhà nước, các địa phương đã có kế hoạch, chương trình, giải pháp rồi. Nhưng xét cho cùng vẫn chỉ là tạm thời, ngắn hạn. Chúng ta có cả hàng vạn người, ở nhiều vùng quê, với nhiều hoàn cảnh, không có mẫu số chung.
Tuy nhiên, tình hình đã vậy thì bắt buộc phải tìm giải pháp. Trước mắt cần phân loại đối tượng để giải quyết cho phù hợp. Trong đó, phải thành lập các Ban, Tổ chuyên trách giải quyết tình trạng của người lao động ngoại tỉnh. Cần phối hợp với các địa phương để giải quyết, trường hợp vượt quá thẩm quyền và thiếu điều kiện thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Đồng thời, cần lên phương án tương đối toàn diện, không chỉ là phát tiền, nhất là trong bối cảnh này. Trường hợp cần giải quyết cho họ về quê thì phải lên phương án riêng, tổ chức sàng lọc qua test nhanh, có nghi ngờ thì xét nghiệm PCR.
Đặc biệt, tuyệt đối không được gây thêm khó khăn cho vợ chồng, con cái họ, nhất là đưa vào cảnh lây nhiễm chéo, sẽ khó khắc phục. Hiện tại các công việc và hoạt động bị tạm thời “đóng băng” nên bên cạnh việc hỗ trợ đột xuất thì cần có chính sách cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội và chính sách tín dụng như đối tượng nghèo, cận nghèo.
Cũng cần kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, người dân.
Thực tế, những gói cứu trợ dường như chỉ là “muối bỏ bể”, “gió vào nhà trống”. Nghĩa là cần những giải pháp dài hơi, bền vững hơn?
Các biện pháp dài hơi hiện nay chưa thể triển khai, nhưng có thể phải chuẩn bị cho giai đoạn sau. Nếu hoạt động kinh tế, xã hội được phục hồi sau khi Chính phủ có nỗ lực giải ngân và chỉ đạo tiếp tục thực hiện khi đã có khả năng miễn dịch cộng đồng với Chiến lược vaccine, thì các hoạt động sẽ thúc đẩy mạnh mẽ.
Khi đó, tự xã hội sẽ tìm ra giải pháp riêng, tính tự thân của nền kinh tế thị trường sẽ điều chỉnh.
Trong những năm tới đây, nhiều gia đình vẫn sẽ còn tiếp tục bị tác động bởi những hậu quả không mong muốn do đại dịch gây ra như mất việc làm, căng thẳng kéo dài và sức khỏe tinh thần giảm sút. Cần tăng cường các biện pháp bảo trợ xã hội, đặc biệt đối với các gia đình, đối tượng dễ bị tổn thương ra sao, để không ai bị bỏ lại phía sau?
Quyền con người, quyền công dân có tính hai mặt. Loại trừ “số phận” thì tự do lựa chọn có thể mang lại điều tốt lành nhưng nếu không có hiểu biết, kiến thức, mối quan hệ và may mắn thì có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Vì vậy, điều căn bản là phải tạo ra nhiều cơ hội và đối xử công bằng cho mọi người có thể tiếp cận như nhau các cơ hội việc làm, các nguồn lực.
Khi dịch Covid-19 xảy ra đã làm bộc lộ nhiều vấn đề, chẳng hạn như tình trạng người lao động hồi hương, giá trị của nông nghiệp, nông thôn và vai trò của gia đình…
Vậy nên, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc hơn những giá trị đó, để rút ra bài học trong tổng thể các vấn đề kinh tế, xã hội nếu muốn bảo vệ các quyền con người thật sự trước những biến đổi khó lường phía trước.
Xin cảm ơn ông!
| Có chứng chỉ thì dễ, dạy được môn tích hợp mới khó Giáo viên học để có chứng chỉ tích hợp thì dễ nhưng cái khó nằm ở chỗ, liệu người thầy có làm chủ được mọi ... |
| Nhà báo Ngô Bá Lục: Từng trượt đại học nhưng lăn lộn với cuộc sống, cuối cùng tôi vẫn... thành người Nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ, bản thân anh từng trượt đại học và sau này chỉ học bồi dưỡng, tại chức. Nhưng anh ... |