TS. Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm, giữ gìn văn hoá tức là đang giữ gìn giá trị của chính mình. |
Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc đổi mới hiện nay?
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu: “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lĩnh vực văn hoá, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao”.
Sau nhiều năm phấn đấu thì đó là nhận định đáng lo ngại. Từ đó, Đại hội đặt ra mục tiêu, định hướng phát triển, đặc biệt nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Cùng với đó, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Có thể thấy rõ, Nghị quyết đã dành một tầm quan trọng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa. Vì sao vậy? Vì Đảng, Nhà nước đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giá trị vô cùng thâm hậu và lan toả của văn hoá.
Văn hoá vừa có tính vô hình, vừa hữu hình. Đó chính là nguồn sống, nguồn lực, nguồn khát vọng, nguồn yêu thương, vừa dẫn dắt, vừa kiềm chế con người.
Văn hoá là sản phẩm của con người, xét cả bình diện cá nhân và cộng đồng. Lãnh đạo phải sử dụng văn hoá như công cụ, giải pháp sẽ đi nhanh nhất, tạo dấu ấn sâu sắc nhất, chiếm chỗ đứng chắc chắn và dài lâu nhất trong tâm khảm con người, dễ điều chỉnh hành vi nhất.
Chính vì vậy, đổi mới mạnh mẽ đầu tiên chính là đổi mới về nhận thức và lãnh đạo văn hoá. Đây chính là khâu đột phá không chỉ của giai đoạn này mà là định đề chính trị về giữ gìn và phát triển văn hoá Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng cho cả dân tộc tiến về phía trước bằng nội lực đã rèn giũa mấy ngàn năm qua.
Vậy cần giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời đại ngày nay ra sao, hẳn là không thể "ôm khư khư" cái cũ nhưng cũng không thể vì làm cái mới mà đánh mất bản sắc dân tộc?
Giữ gìn văn hoá tức là đang giữ gìn giá trị của chính mình. Đánh mất hay hủy hoại văn hoá đều không có kết cục tốt đẹp.
Muốn giữ gìn văn hoá của dân tộc, của đất nước thì cần tôn trọng văn hoá dân tộc, văn hoá cộng đồng, truyền thống gia đình, dòng họ và tôn trọng nhân cách. Thứ hai, cần hiện đại hoá văn hoá để có thêm sức mạnh, kết hợp được sức mạnh nội sinh và sức mạnh thời đại, giống như chúng ta hít khí trời và dùng món ăn ngon, bổ, an toàn.
Thứ ba, biết quảng bá cho văn hoá của mình, biến nó thành món quà quý giá để người khác cùng sử dụng, cùng trân trọng, cùng gìn giữ và làm cho nó sinh sôi… Đừng biến văn hoá thành "thỏi vàng" rồi cất kỹ trong tủ, đó là sự cô lập văn hoá chứ không phải là gìn giữ.
Biểu diễn áo dài truyền thống tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: Kinhtedothi) |
Gia đình hiện nay có xu hướng mở hơn. Việc giữ gìn cũng như phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới khác xưa thế nào, theo ông?
Gia đình là “tế bào” của xã hội, chăm lo gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chính là tạo ra “tế bào” xã hội khỏe mạnh, "cơ thể" đất nước phồn vinh, hùng cường.
Gia đình là sự tập hợp các hệ giá trị đặc biệt, không chỉ bó hẹp trong không gian ngôi nhà, dòng họ, nơi sinh ra hay nơi sinh hoạt của những người có quan hệ trực hệ hay bàng hệ về huyết thống hoặc thông qua quan hệ pháp luật (như nhận con nuôi, cha mẹ nuôi).
Ngày nay, cho dù là gia đình “hạt nhân” hay gia đình nhiều thế hệ thì đều mang bản sắc Việt, truyền thống Việt, đồng thời nhiều gia đình còn kết hợp cả lối sống, tư duy, sinh hoạt hiện đại.
Các gia đình ngày nay có xu hướng “mở” hơn. Nhưng đều giữ được những truyền thống, tập tục quý báu như trọng già, quý trẻ, chủ yếu gắn bó theo huyết thống chặt chẽ với truyền ngôn “giọt máu đào hơn ao nước lã”…
Gia đình với dòng họ ngày càng trở thành một tổ chức đặc thù không quyền lực chính trị nhưng có sự ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng; quan hệ tình cảm gia đình còn là nguồn lực cho nhiều công việc xã hội.
Các giá trị gia đình tạo ra xung lực mạnh mẽ như “dòng sông ngầm” trong từng con người, nhóm người. Gia đình là tiếng nói, tiếng gọi thân thương, sâu thẳm, là nơi “trú ngụ” cuối cùng của con người.
Một trong những minh chứng chính là cuộc “di cư” ngược của dòng người từ thành thị về quê trong đại dịch vừa qua.
Do đó, nếu biết vận dụng, tận dụng những mặt tích cực của giá trị gia đình chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra một xã hội tốt đẹp, chính xã hội tốt đẹp sẽ tác động trở lại hoàn thiện thêm những giá trị gia đình.
Nhưng hiện nay không ít người đang lo sợ những nét văn hóa dân tộc bị phai nhạt đi trong thời buổi kinh tế thị trường, khi mà đồng tiền đang "lên ngôi"?
Câu nói cửa miệng "bao giờ cho đến ngày xưa", nếu mới nghe thì thấy có chút chua chát, nhưng nó có mặt tích cực, nhắc nhở người ta về những giá trị tốt đẹp, có vị ngọt và dường như trường cửu trong tâm can, đồng thời có tia hy vọng về một điều tốt đẹp, dù chỉ mong manh.
Nhưng đó là sự lo lắng có cơ sở. Những người biết lo lắng về sự phai nhạt của những giá trị văn hoá dân tộc chứng tỏ có trách nhiệm rất cao và nhân văn. Điều đó chỉ có thể là văn hoá, là hiện thân của văn hoá. Qua đó, thấy rõ văn hoá sâu đậm đến chừng nào, thật khó phai nhạt.
Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus từng nói: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Cũng có thể nói, không ai có thể trở về “ngày xưa” thực sự. Cho nên, đôi khi người ta thảng thốt một ước nguyện “xin một vé về tuổi thơ”, “trở về với dòng sông tuổi thơ”… chỉ mà để ước mơ.
Con người sống trong thực tại, cần tôn trọng hiện tại. Những gì quá khứ có thể là hoài niệm, có thể là trải nghiệm đẹp, có thể là bài học hay… Nhưng hiện tại và tương lai cũng có đủ những điều người ta mơ ước, vừa mơ ước xong chưa kịp làm gì thì điều mơ ấy đã là quá khứ rồi.
Cho nên, tôi tin vào những giá trị “ngày xưa” vẫn sống, tin vào hiện tại đang dần bị “quá khứ hoá”, luôn dành tâm cho phía trước. Tất cả những giá trị tốt đẹp quá khứ, hiện tại, tương lai đều như nhau.
Điều quan trọng là biết, hiểu, trân trọng từng khoảnh khắc ấy. Giống như nghệ sĩ nhiếp ảnh, bằng một lần bấm máy là nối cả thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục chủ trương: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”. Có cách nào để tuyên truyền cũng như nhân rộng những giá trị đạo đức truyền thống, thưa ông?
Có lần, tôi tâm sự với các bạn học phổ thông làm cán bộ địa phương, tôi đặt vấn đề rằng, muốn lãnh đạo chính trị tốt thì cần dân vận tốt. Cách hiệu quả mang tính truyền thống là chính trị phải hoá thân vào xã hội mạnh hơn sẽ được ủng hộ hơn. Các nhà lãnh đạo cần phát huy vai trò của văn hoá, nhất là thứ văn hoá “chân truyền” có gốc rễ và sức sống hàng ngàn năm.
Nên nhớ, văn hoá là kim cương của nhân loại, của dân tộc, của cộng đồng và của mỗi cá nhân. Hãy giữ cho "viên kim cương" văn hoá luôn trong sáng để nó sáng lấp lánh khắp mọi tâm hồn.
Còn tuyên truyền như thế nào thì xin hãy học tiền nhân. Họ đặt ra lễ hội, giỗ tết, các làn điệu dân ca, nhã nhạc… chính là truyền tụng, ca tụng và để giáo dục cho con người ta và cả xã hội dài lâu về lòng nhân, về cách làm người, sự hiểu biết và trân quý những giá trị trường cửu. Nếu biết kết hợp linh hoạt và khéo léo, tinh thế thì sẽ có những kết quả, hiệu quả bất ngờ.
Trân trọng cảm ơn ông!
| Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng ta chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đôi khi bị sa đà và xô bồ, ... |
| TS. Nguyễn Viết Chức: Kỳ vọng Hội nghị Văn hóa sẽ ‘mổ xẻ’ thẳng thắn những cái chưa được Đề cập việc gìn giữ văn hóa trong quá trình phát triển và hội nhập, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư ... |