Nhỏ Bình thường Lớn
Sức mạnh nội lực của văn hóa trong xây dựng Đảng:

TS. Nguyễn Viết Chức: Kỳ vọng Hội nghị Văn hóa sẽ ‘mổ xẻ’ thẳng thắn những cái chưa được

Đề cập việc gìn giữ văn hóa trong quá trình phát triển và hội nhập, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, không thể 'ôm khư khư' cái cũ nhưng nếu làm cái mới mà để mất cái cũ mang giá trị bản sắc dân tộc lại càng không nên.
TS. Nguyễn Viết Chức:
TS. Nguyễn Viết Chức cho rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ bàn thảo, thảo luận nhằm chỉ ra những cái đã làm được để phát huy và những cái chưa được để khắc phục.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc với mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hóa. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của công cuộc đổi mới hiện nay?

Tôi nghĩ, đây là hội nghị có ý nghĩa dấu mốc đột phá quan trọng trong một thời kỳ mới của đổi mới. Trong thời kỳ đầu tiên, chúng ta tập trung phát triển kinh tế, đã đạt được những thành tựu ngoạn mục, để đất nước hôm nay “thay da đổi thịt”.

Vậy giai đoạn mới, giai đoạn phát triển yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, phải làm sao để Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Vì vậy, kỳ Hội nghị toàn quốc này có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt ngay sau khi chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.

Trong thời kỳ mới, chúng ta cần giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ra sao, thưa ông?

Điều này rất quan trọng, một giai đoạn mới thì yêu cầu cũng mới. Người ta nói “tiền trị gia, hậu trị quốc”, tức là chuyện gia đình rất quan trọng, trước tiên cần phải xây dựng một gia đình mẫu mực.

Theo thuật ngữ hiện đại, gia đình là tế bào của xã hội, có những "tế bào hỏng" thì làm sao xã hội tốt đẹp được. Ngay cả các nước phương Đông như Singapore, họ cũng rất coi trọng giá trị gia đình.

Ở đây, nói đến văn hóa không thể không nói đến gia đình, con người. Nếu xây dựng mỗi hộ gia đình thật toàn diện chắc chắn sẽ góp phần lớn cho thành công của công cuộc đổi mới.

Thực tế hiện nay, có người mong “bao giờ cho đến ngày xưa” bởi họ nuối tiếc nét đẹp về văn hóa của dân tộc có thể bị phai nhạt, bị mất đi. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Thực ra suy nghĩ này không hoàn toàn vô lý nhưng chưa toàn diện. Nhìn vào những hiện tượng như một bộ phận cán bộ tha hóa đạo đức, lối sống, hoặc tình làng nghĩa xóm có phai nhạt, bạo lực còn tồn tại trong gia đình… khiến nhiều người đặt vấn đề “kinh tế như hôm nay - văn hóa như ngày xưa” là vì thế.

"Giữ gìn mà cứ 'ôm khư khư' cái cũ cũng không ổn, không phát triển được. Nhưng nếu làm cái mới mà bỏ cái cũ mang giá trị bản sắc của dân tộc lại càng không nên. Bởi vì, mình phải là mình thì mới hội nhập được".

Theo tôi, điều này không hoàn toàn chính xác, cần phải nhìn tổng thể mới thấy nhận thức về văn hóa hiện nay đã cao hơn trước. Cùng với đó, thực tế việc giữ gìn văn hóa dân tộc hơn thời kỳ trước nhiều, đời sống cao hơn xưa, con người cũng văn minh hơn.

Hội nghị lần này sẽ đánh giá những thành tựu đạt được nhưng cũng “mổ xẻ” một cách thẳng thắn những cái chưa được. Đại hội XIII đã chỉ rõ những khiếm khuyết như quan tâm đến văn hóa không xứng tầm với kinh tế và chính trị; quan tâm đến văn hóa không tương xứng, có những lúc thiên nặng về văn hóa giải trí đơn thuần.

Tôi tin rằng, Hội nghị sẽ bàn thảo, thảo luận nhằm chỉ ra những cái làm được để phát huy và những cái chưa được để khắc phục.

Chúng ta đang sống trong một thế giới rộng mở, việc học hỏi, hội nhập quốc tế trở nên dễ dàng hơn. Theo ông, làm thế nào để gìn giữ được bản sắc văn hóa trong quá trình phát triển và hội nhập?

Giữ gìn và phát huy là hai mặt của một vấn đề. Giữ gìn mà cứ “ôm khư khư” cái cũ cũng không ổn, không phát triển được.

Nhưng nếu làm cái mới mà bỏ cái cũ, để mất cái cũ mang giá trị bản sắc của dân tộc thì lại càng không nên. Bởi vì, để mất mình thì làm sao hội nhập được, mình phải là mình thì mới hội nhập.

Thế giới người ta cũng cần như thế, nước nào hội nhập cũng phải giữ gìn bản sắc văn hóa của mình, phải có “gương mặt” của mình thì mới gọi là hội nhập. Chứ hội nhập mà “nhòe” mất rồi, “đánh mất mình” rồi thì còn hội nhập gì nữa?

Đặc biệt, Đảng đã có Nghị quyết, quan điểm rõ ràng là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhưng tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Theo tôi, giải quyết hai mặt của một vấn đề hài hòa là hợp lý, đúng đắn.

Vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa ứng xử trong gia đình và cộng đồng thế nào?

Tôi nghĩ, từ trước đến nay chúng ta đã tuyên truyền nhưng phải triển khai một cách sâu sắc hơn, rộng rãi hơn trong toàn Đảng, toàn dân.

Đặc biệt, trong các cấp ủy Đảng, các cấp lãnh đạo phải quán triệt sâu sắc vai trò, vị trí của văn hóa. Nghĩa là, phải quan tâm thực sự đến nó chứ không phải lúc Hội nghị thì quan tâm nhưng sau đó lại bị… bỏ quên.

Đó là mong muốn của nhiều người làm văn hóa cũng như người dân.

Vậy còn sức mạnh mềm trong văn hóa thì thế nào, theo ông?

Việt Nam là một trong những nước đã và đang phát huy rất hiệu quả sức mạnh mềm của văn hóa. Sức mạnh mềm có nền tảng, giống như thương hiệu quốc gia. Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình, một dân tộc văn minh, một đất nước luôn có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Dù nghèo, dù còn khó khăn nhưng chúng ta vẫn có trách nhiệm, cùng chia sẻ. Cụ thể, nước ta vẫn cử đoàn y bác sĩ, chiến sĩ tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.

Ngay trong chống dịch, dù còn nhiều khó khăn, nhất là thời kỳ đầu, Việt Nam vẫn gửi gấp thiết bị y tế, khẩu trang sang các nước, kể cả những nước phát triển do họ chưa cung ứng kịp.

"Việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là vô cùng cần thiết bởi phải có hệ giá trị, phải có chuẩn mực để định hướng con người ta. Nó như thước đo, như 'cây gậy' để người ta phấn đấu, bấu víu. Nếu thiếu chuẩn mực hệ giá trị thì con người chơi vơi, không biết sẽ đi như thế nào, sống ra sao. Do vậy, rất cần thiết phải có hệ chuẩn mực phù hợp với yêu cầu của Cách mạng Việt Nam thời kỳ mới".

Đó chính là văn hóa – “văn hóa mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Văn hóa Việt Nam là “thương người như thể thương thân”, tất nhiên không phải chỉ thương người mình, không thương người nước khác.

Tầm văn hóa lớn của chúng ta là như vậy, cái đó tạo thành sức mạnh. Trong lịch sử của nước ta, sức mạnh văn hóa thể hiện rất rõ. Nhờ có văn hóa mà nhiều nhà quân sự nổi tiếng nói “thua Việt Nam chính là thua văn hóa” là vì thế.

Sức mạnh văn hóa là người ta dùng ngôn ngữ mới, sức mạnh mới, thuật ngữ mới, đó là sức mạnh mềm.

Không giống như tên lửa, không giống như vũ khí, khi nhìn thấy là thấy sức mạnh; nhưng sức mạnh mềm là rất bền vững, rất to lớn.

Ông có kỳ vọng gì về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này?

Tôi kỳ vọng đây là dấu ấn của thời kỳ phát triển mới, tạo không khí trong xã hội, nhận thức đúng đắn của toàn xã hội về văn hóa. Qua đó, sẽ tạo niềm phấn khởi cũng như ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người về đất nước trong thời kỳ phát triển mới để cùng nhau khắc phục những khó khăn.

Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ khai thác những cơ hội, những thuận lợi để xây dựng đất nước thành một nước phát triển mạnh, trước tiên là vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, sau đó đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đó có thể nói là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta, của nhân dân ta.

Vậy cần xây dựng hệ giá trị con người đáp ứng với tình hình mới ra sao, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, dù khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Dân tộc ta có những việc khó, khó đến “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng cuối cùng vẫn làm được.

Thế nên, việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam là vô cùng cần thiết bởi phải có hệ giá trị, phải có chuẩn mực để định hướng con người ta.

Nó như thước đo, như “cây gậy” để người ta phấn đấu, bấu víu. Nếu thiếu chuẩn mực hệ giá trị thì con người chơi vơi, không biết sẽ đi như thế nào, sống ra sao. Do vậy, rất cần thiết phải có hệ chuẩn mực phù hợp với yêu cầu của Cách mạng Việt Nam thời kỳ mới.

Xin cảm ơn ông!

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Cần đột phá hơn về thể chế!

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Cần đột phá hơn về thể chế!

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hoá nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng công nghiệp ...

Người thầy cần bổ sung ‘vitamin tri thức thời đại’ để bắt kịp xu hướng giáo dục toàn cầu

Người thầy cần bổ sung ‘vitamin tri thức thời đại’ để bắt kịp xu hướng giáo dục toàn cầu

ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển ...