Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. |
Có ý kiến cho rằng, nếu triết lý giáo dục Phần Lan được đánh giá là số 1 thế giới thì “giáo dục Hồ Ngọc Đại” không khác nhiều so với giáo dục Phần Lan. Ấn tượng của ông về công trình nghiên cứu tâm huyết của GS. Hồ Ngọc Đại?
Là học sinh Thực nghiệm thế hệ đầu tiên, tôi được học không chỉ sách TV1 CGD (Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục), mà còn nhiều môn khác như Toán, Giáo dục lối sống… Những môn học đó đều thể hiện tư tưởng, triết lý về giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Triết lý giáo dục của thầy theo thế hệ học sinh chúng tôi cùng năm tháng.
Tôi cho rằng, công trình nghiên cứu tâm huyết của GS. Hồ Ngọc Đại dựa trên cơ sở nghiên cứu những thành tựu của tâm lý học và triết học. Những triết lý thầy đưa ra từ những năm 70 của thế kỷ trước, đến giờ so với thế giới vẫn rất phù hợp và có giá trị lớn. Chúng ta cần trân trọng, ghi nhận và tiếp thu những cống hiến đó.
Ông cảm thấy như thế nào khi Bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại bị chấm “không đạt” trong đợt thẩm định đầu tiên của Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa môn Toán và Tiếng Việt 1?
Khi biết tin này, tôi thấy rất tiếc vì một bộ sách đã được triển khai 40 năm ở phạm vi rất rộng lại không qua “cửa thẩm định”, có thể bị gạt đi ngay trong một tích tắc như vậy.
Tôi không hiểu hội đồng thẩm định đưa ra ý kiến sách của GS. Hồ Ngọc Đại dạy nhiều kiến thức hàn lâm, không cần thiết, nội dung khó là dựa trên cơ sở khoa học nào.
Ông từng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ liên quan công trình nghiên cứu của GS. Hồ Ngọc Đại. Vậy cách thẩm định sách như hiện tại còn nhiều vấn đề và chưa thực sự thuyết phục?
Qua những gì báo chí phản ánh thời gian vừa qua, có thể nhận thấy kết quả của Hội đồng Thẩm định đưa ra thật sự chưa thuyết phục. Đã là hội đồng thẩm định sách giáo khoa tầm quốc gia thì nên nhìn nhận, đánh giá các cuốn sách ở mức độ tư tưởng, triết lý giáo dục được thể hiện qua bộ sách đó, ghi nhận những con đường mới để đi đến một cái đích chung của giáo dục. Tôi nghĩ, khi thẩm định không nên đơn thuần đối chiếu giữa sách và khung chương trình hay tiêu chí cứng nhắc.
Tức là, để “đo” độ khó của một chương trình một cách thuyết phục phải bằng thực tế chứ không thể nói “vượt chuẩn”, “khó quá” một cách chung chung, mơ hồ, cảm tính?
Đúng vậy, nếu nói sách Công nghệ giáo dục “khó”, “vượt chuẩn” thì cũng nên nói rõ là khó với ai và vượt chuẩn với cái gì. Bởi thực tế cho thấy, mỗi năm có hàng trăm nghìn học sinh ở các tỉnh, thành phố vẫn theo học sách TV1 CGD, có hàng trăm giáo viên vẫn dạy sách này và ủng hộ.
Học sinh học được và hiệu quả thì sao lại nói là khó? Theo tôi, khó khi ta chưa thật sự hiểu hoặc không muốn hiểu về nó.
Năm học này có hơn 900.000 học sinh đang học sách TV1 CGD. Nếu tính trong suốt 40 năm qua, số lượng học sinh học sách này lên đến hàng triệu. Sự thành công của bộ sách đã được chứng minh qua thực tiễn. Vì vậy, để đánh giá một bộ sách, cần nhiều tiêu chí, nhưng chúng ta nên chú ý một trong những tiêu chí đáng tin cậy là tính hiệu quả trên thực tế.
Phải chăng số đông thường có thói quen "dị ứng" với những cái gì mới lạ, không theo lối mòn?
Lý thuyết Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được nghiên cứu, đưa ra dựa trên thành tựu của tâm lý học và triết học của các nhà khoa học thế giới. Thầy đưa ra những tư tưởng như lấy học sinh làm trung tâm, đi học là hạnh phúc, thầy thiết kế - trò thi công... từ những năm 1970.
Do đó, những tư tưởng giáo dục ấy chắc chắn sẽ mới mẻ so với những gì đa số mọi người từng được tiếp cận. Đương nhiên, điều mới mẻ bao giờ cũng khó được chấp nhận ngay. Sự phản ứng của xã hội cũng thể hiện một phần tâm lý đám đông, thói quen dị ứng với những cái mới, những điều không theo lối mòn. Đúng là chúng ta cần tự mình tháo gỡ những rào cản về tư duy, biết trân trọng và tiếp thu cái mới thì mới có thể tiến bộ được.
Xin cảm ơn ông!
GS. Hồ Ngọc Đại: “Tôi sẽ không sửa, nếu chỉ để được thẩm định. Đó là công trình tôi nghiên cứu cả đời. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi không nhân danh cái này cái khác mà tôi làm vì đất nước này. Tôi luôn tâm niệm, cái gì trẻ con chấp nhận được có nghĩa không khó với chúng. Thực tiễn dạy học của Công nghệ giáo dục trong các năm qua đã chứng minh điều tôi nói. Tôi viết sách dựa trên triết lý giáo dục, phương pháp khoa học. Điều tôi hướng đến là phải làm sao để trẻ học tự nhiên như là sống, sống tự nhiên như là học. Còn nếu cứ phải nắm tay cả ngày hô "cố gắng" thì khó đạt được hiệu quả. Không thể ép trẻ con vào cái thế phải đối phó với người lớn do bị áp đặt vô lý. Nên tôn trọng đời sống tự nhiên của trẻ em. Nếu trẻ em ngay từ nhỏ được tôn trọng, lớn lên sẽ đàng hoàng”. |