📞

Đại dịch Covid-19: Cú sốc kinh tế có bị đánh giá thấp?

Khánh Linh 07:30 | 07/04/2020
TGVN. Nhà kinh tế Jean Peyrelevade người Pháp cho rằng, thế giới đang bước vào một kịch bản kinh tế chưa từng có tiền lệ, bởi vậy, trước sự bùng phát đột ngột của đại dịch Covid-19, chúng ta không có kinh nghiệm và chưa có bất cứ sự chuẩn bị nào.    
Thế giới đang bước vào một kịch bản kinh tế chưa từng có tiền lệ. (Nguồn: KBB))

Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có thể được ngăn chặn bằng cách bơm vào các nền kinh tế lượng tiền lớn, đại dịch Covid-19 do chủng virus corona mới gây ra ảnh hưởng đến nền kinh tế theo một cách khác. Trong tình huống hiện nay, cách giải quyết những thách thức thật sự không đơn giản, đòi hỏi Chính phủ các nước cần thể hiện rõ vai trò của mình.

Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ

Cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có thể đang bị đánh giá thấp, khi dịch bệnh đang gây các tác động trực tiếp đến nền kinh tế thực và đến dòng tiền đang lưu thông.

Các cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống của thế kỷ XX như Ngày thứ Năm đen tối năm 1929 hay Sự phá sản của Lehman Brothers năm 2008 xuất hiện từ sự dư thừa đầu cơ trong lĩnh vực tài chính. Cả hai trường hợp trên đều có chung đặc điểm là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi liên kết bị sụp đổ đột ngột và sự phá sản nhanh chóng lan rộng. Cuộc khủng hoảng do đó được kích hoạt một cách bất ngờ và chỉ đến giai đoạn II, khi thị trường tài chính sụp đổ, thiếu tín dụng, cùng các khoản lỗ lũy kế, mới gây tác động lên nền kinh tế thực.

Ở đó, nguyên tắc khắc phục tình trạng phá sản rất đơn giản, chỉ cần ngăn chặn không để tình trạng này lan rộng ngay từ điểm ban đầu càng nhanh càng tốt. Các cơ quan quản lý tiền tệ sớm hành động để cứu các ngân hàng quan trọng, cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế, nhờ đó khôi phục mức độ tin cậy ở mức độ chấp nhận được.

Vào năm 2008, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Bộ trưởng Tài chính nước này đã mắc sai lầm khi không làm gì để ngăn Lehman Brothers khi họ nộp đơn xin phá sản, khiến nền kinh tế thế giới phải trả giá đắt. Nhưng ít nhất họ đã chặn được làn sóng phá sản thứ hai từ khi bắt đầu hình thành bằng việc cứu AIG và bơm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống ngân hàng.

Vậy bài học ở đây là gì? Các khoản lỗ lớn phát sinh từ các khoản phải thu không được thanh toán ngay lập tức sẽ được phản ánh trong bảng cân đối kế toán, gây ra sự thiếu hụt quá mức vốn chủ sở hữu. Đây chính là những khoản cần được bù đắp tức thời. Một cuộc khủng hoảng tài chính hệ thống sẽ bị chặn lại chính là nhờ việc bơm tiền càng sớm càng tốt.

Ở giai đoạn hiện tại, hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra lại có bản chất khác. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thực và dòng tiền đang hoạt động, trước khi ảnh hưởng đến tài sản được ghi trong bảng cân đối kế toán. Đồng thời, nó lan truyền khá chậm, một cách dần dần, từ công ty này sang công ty khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Nhưng nó có thể đi sâu và tấn công bất cứ nơi nào vì, giống như dịch bệnh, nó rất khó bị ngăn chặn.

Bốn cơn “sóng thần”

Đại dịch Covid-19 đã tạo nên 4 làn sóng lớn liên tiếp đánh vào nền kinh tế thế giới.

Làn sóng đầu tiên là việc đóng cửa một phần, vì lý do sức khỏe của con người hay địa chính trị, của một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Trung Quốc hiện chiếm hơn 15% GDP toàn cầu và chỉ đứng sau Mỹ. Một phép tính đơn giản, Trung Quốc mất một nửa tốc độ tăng trưởng hằng năm (tương đương khoảng 3%), thì thế giới sẽ mất 0,45%.

Dịch covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thực và dòng tiền đang hoạt động. (Nguồn: Reuters)

Làn sóng thứ hai liên quan đến tầm quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc trong thương mại quốc tế. Trung Quốc hiện đại diện cho 10% nhập khẩu và liên quan đến 20% GDP toàn cầu. Những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà cung cấp của nền kinh tế này. Giả sử nhập khẩu của Trung Quốc giảm 10% do ngừng sản xuất, thiệt hại trên quy mô toàn cầu sẽ tương đương 0,2% GDP.

Theo chiều hướng khác, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm 13%. Việc đóng cửa một phần các nhà máy sẽ dẫn đến tình trạng chậm giao hàng và gây ảnh hưởng xấu đến nhiều chuỗi sản xuất từ điện tử, cơ khí, ô tô đến dược phẩm... Thiệt hại do sự phụ thuộc quá mức của các công ty công nghiệp trên toàn thế giới vào các nhà thầu phụ Trung Quốc rất khó định lượng trong thời điểm hiện tại. Nó có thể rất đáng kể và sẽ cần thời gian để khắc phục.

Làn sóng thứ ba ảnh hưởng đến các lĩnh vực chịu thiệt hại nhiều nhất do sự tan rã của các hoạt động trao đổi do ảnh hưởng của các làn sóng trước đó và đặc biệt là do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế đi lại, ở cấp độ gia tăng theo tốc độ lây lan của đại dịch. Vận tải hàng không (chiếm 1% GDP thế giới), vận tải hàng hải (2%), du lịch (7%)…, khiến ít nhất 10% GDP thế giới đang bị đe dọa. Sự suy giảm hoạt động trong các lĩnh vực này có thể sẽ rất đáng kể và chỉ riêng nó thôi cũng có thể đủ để gây ra suy thoái.

Làn sóng thứ tư do đó lây lan mạnh nhất, khủng khiếp nhất và có ảnh hưởng chưa thể lường trước. Nó kéo dài và sẽ dần xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong tất cả các lĩnh vực, bắt đầu từ những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất, với các vụ phá sản, đặc biệt liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước kịch bản xấu này, biện pháp của các ngân hàng trung ương sẽ ít có hiệu quả.

Vấn đề là làm sao có thể hiệu quả trong một bối cảnh khó khăn hơn nhiều, khi mà trước đó, họ đã không thể thành công trong việc hỗ trợ nền kinh tế thực với chính sách lãi suất rất thấp và nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ. Không phải tiền tệ và tín dụng đang bị đe dọa mà là chính hoạt động kinh tế bị đe dọa.

Do đó, theo nhà kinh tế Jean Peyrelevade, để dần dần gỡ các nút thắt, nếu được, các Chính phủ cần phải thể hiện rõ vai trò đi đầu. Làm thế nào tổ chức một nền kinh tế chiến tranh trong thời bình? Tuy nhiên, đây là một câu hỏi không dễ trả lời.

(theo Les Echos)