Xung đột Hamas-Israel bùng phát sau khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023. (Nguồn: Al Jazeera) |
Kể từ khi phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza bất ngờ tấn công vào sâu trong lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023 làm bùng phát xung đột khốc liệt ở Dải Gaza đã bước qua mốc 100 ngày. Hơn 3 tháng qua, giao tranh đã cướp đi mạng sống của hơn 25.000 người thuộc cả hai phía, hầu hết là dân thường, đồng thời đẩy toàn khu vực Trung Đông vào một cục diện khủng hoảng phức tạp, rối ren. Và nghiêm trọng hơn là một thảm họa nhân đạo ngày càng bi đát.
Tổn thất nặng nề cho các bên
Xung đột trở lại ở Dải Gaza sau nhiều năm tạm yên ắng bắt đầu từ vụ tấn công với "quy mô chưa từng có" của phong trào Hồi giáo Hamas đã khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường và bắt giữ khoảng 240 làm con tin.
"Đám cháy" ở Gaza sau đó đã leo thang thành xung đột khi Israel tiến hành chiến dịch trả đũa lực lượng Hamas nhằm vào Dải Gaza, gây ra thương vong lớn cho cả hai phía và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng. Sau khi tình trạng chiến tranh được công bố, Tel Aviv đã phát động chiến dịch "Những thanh kiếm sắt", huy động lực lượng lớn cả quân nhân dự bị, đồng thời chuẩn bị mọi nguồn lực để đưa vũ khí, khí tài tới biên giới.
Tình hình khu vực Trung Đông trở nên "nóng như rang" sau khi Israel mở các chiến dịch tấn công quy mô lớn cả trên biển, trên không và trên bộ ở Dải Gaza. Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 14/1/2024, tới nay đã có tổng cộng 359.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá huỷ, có nghĩa cứ 10 ngôi nhà ở Dải Gaza thì có 6 ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá huỷ.
Sau 7 tuần giao tranh liên tiếp, lần đầu tiên Israel và Hamas đã đồng ý thực hiện một lệnh ngừng bắn tạm thời, bắt đầu từ ngày 24/11 và được gia hạn hai lần và hết hạn vào sáng 1/12/2023. Thỏa thuận ngừng bắn này được đánh giá tích cực, tưởng chừng sẽ là bước ngoặt lớn cho cuộc xung đột, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và giải thoát con tin, tù nhân của Israel và Palestine. Trong thời gian ngừng bắn kéo dài 7 ngày, 110 con tin, có cả công dân nước ngoài đã được lực lượng Hamas trao trả cho Israel. Và cũng trong thời gian này, hàng cứu trợ và nhiên liệu từ cộng đồng quốc tế đã được đưa tới Gaza, dù số lượng chỉ như “muối bỏ bể”.
Sau thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ngắn ngủi, tiếng súng lại vang lên. Phía Hamas nhiều lần bày tỏ mong muốn việc ngừng bắn tiếp tục được gia hạn nhưng Israel đã không chấp nhận, tiếp tục nối lại các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Hamas ở cả vùng miền Bắc cũng như vùng miền Nam của Dải Gaza.
Giọt nước tràn ly, sau khi phó thủ lĩnh phong trào Hamas, ông Saleh Al-Arouri bị thiệt mạng trong một vụ tấn công của Israel ở Lebanon tối ngày 2/1/2024. Ngay ngày hôm sau, vào 3/1/2024, phong trào Hamas thông báo ngừng đàm phán với Israel. Trong khi đó, quân đội Israel vẫn tiếp tục các vụ không kích, nã pháo và tên lửa nhằm vào Dải Gaza. Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, không ai có thể ngăn cản Israel đạt được chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Dải Gaza.
Ngày càng lan rộng
Đáng lo ngại hơn, cuộc xung đột Hamas-Israel sau hơn 3 tháng đến nay không những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn có nguy cơ lan rộng khi Hamas đang được các đồng minh như Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon... “chia lửa”.
Những lực lượng này thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Israel và Mỹ đồn trú trong khu vực khiến bạo lực tiếp tục gia tăng ở Lebanon, Syria, Iraq. Thời gian qua, xung đột leo thang ở khu vực biên giới phía Nam Lebanon, giáp với Israel, sau khi lực lượng Hezbollah nã tên lửa về phía Israel nhằm hỗ trợ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas tại Israel.
Quân đội Israel đã đáp trả bằng những vụ pháo kích nhằm vào một số khu vực ở Đông Nam Lebanon. Theo giới phân tích, lo ngại hiện nay là lực lượng Hezbollah ở Lebanon, khi các cuộc tấn công qua lại biên giới với quân đội Israel diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, sau vụ một phó thủ lĩnh Hamas là Saleh Al-Arouri thiệt mạng sau vụ không kích của Israel vào Lebanon tối ngày 2/1/2024 đã đẩy xung đột giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon lên một nấc thang mới. Hezbollah coi vụ việc này là dấu hiệu của "một diễn biến nguy hiểm" trong xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas.
Đáng quan ngại hơn, các lực lượng Houthi ở Yemen và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Gaza và một số khu vực khác. Lực lượng Houthi đã chính thức lộ diện với các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa nhằm vào thành phố Eilat ở cực Nam của Israel. Mỹ đã phối hợp các đối tác ở Trung Đông để ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza lan rộng. Tuy nhiên, chưa có một giải pháp chính trị khả thi nào nhằm chấm dứt giao tranh và tìm kiếm một giải pháp hòa bình toàn diện cho Trung Đông.
Vụ bắt giữ tàu hàng Galaxy Leader đã làm nóng Biển Đỏ trong gần hai tháng qua. (Nguồn: AP) |
Bên cạnh đó, một hệ lụy nguy hiểm khác từ cuộc chiến tại Dải Gaza là bất ổn gia tăng nghiêm trọng tại khu vực Biển Đỏ. Khoảng một tháng rưỡi sau khi chiến sự bùng phát tại Gaza, từ cuối tháng 11/2023, nhóm vũ trang Hồi giáo Houthi-đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Yemen-đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập kích bằng tên lửa tầm xa hướng về phía lãnh thổ Israel. Đồng thời lực lượng này thường xuyên phát động các cuộc tấn công bằng cả tên lửa, máy bay không người lái và tiếp cận trực tiếp các tàu thương mại lưu thông trên Biển Đỏ mà nhóm này cho là có liên quan đến Israel, thể hiện ủng hộ người Palestine và Phong trào Hamas.
Cho đến giữa tháng 1/2024, ước tính, Houthi đã thực hiện khoảng trên 20 vụ tấn công ở Biển Đỏ, buộc các hãng vận tải lớn như MSC, Maersk, CMA CGM và Hapag-Lloyd phải chuyển hướng hàng hóa đi vòng qua cực Nam châu Phi, tránh Vịnh Aden và Kênh đào Suez.
Lực lượng Houthi công khai tuyên bố rằng, các cuộc tấn công này nhằm mục tiêu gây sức ép buộc Israel phải ngừng chiến dịch tàn sát người Palestine ở dải Gaza. Đỉnh điểm căng thẳng là ngày 8/1/2024, nhóm vũ trang này đã mở cuộc tấn công quy mô lớn với 18 máy bay không người lái và 3 tên lửa chống hạm, nhằm vào một tàu của Mỹ tại Biển Đỏ. Ba ngày sau đó, đêm ngày 11/1/2024, quân đội Mỹ cùng các đồng minh tham gia liên minh hải quân mang tên “Người bảo vệ thịnh thượng”- vừa được thành lập cuối năm 2023 tại Biển Đỏ để đối phó với mối đe dọa từ chính lực lượng Houthi-đã tiến hành không kích vào hàng loạt mục tiêu của Houthi trên lãnh thổ Yemen, chính thức mở ra một mặt trận đối đầu quân sự mới tại Trung Đông.
Trước các cuộc tấn công của Houthi, Mỹ và Anh và một số nước khác không thể đứng nhìn. Đêm 11/1/2024, liên quân Mỹ-Anh đã bất ngờ tấn công phiến quân Houthi ở Yemen để "thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân Palestine ở Gaza". Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định hoạt động quân sự lần này của hai nước đã “thành công” và sẵn sàng thực hiện các biện pháp khác để “bảo vệ tự do lưu thông thương mại toàn cầu”. Theo giới phân tích, các động thái tấn công của Mỹ và đồng minh như vậy sẽ như "lửa cháy đổ thêm dâu" làm tăng nguy cơ xung đột trong khu vực, khiến tình hình Trung Đông càng thêm rối ren, phức tạp.
Chưa dừng lại ở đó, một số nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột còn đang tạo cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy mạnh mẽ tại Trung Đông, đứng đầu là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng-thủ phạm của vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Iran ngày 3/1/2024 vừa qua khiến hơn 300 người thương vong…
Khủng hoảng nhân đạo
Trong lúc diễn biến ở Gaza vẫn đang căng thẳng chưa có hồi kết, thì một hệ lụy đã hiển hiện rõ, đó là thảm họa nhân đạo nghiêm trọng đối với người dân khi dải đất này bị phong tỏa và bạo lực cản trở các hoạt động cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Tình trạng thiếu nhiên liệu, nước sạch và vệ sinh xuống cấp, cùng với các cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhu cầu di cư hàng loạt đang tạo ra một thảm kịch tại đây.
Thống kê mới nhất của cơ quan Y tế ở Gaza do Hamas điều hành ngày 14/1, tổng thương vong trong chiến dịch tấn công tổng lực của quân đội Israel vào vùng đất này kể từ ngày 7/10/2023 đã lên tới gần 25.000 người chết và ít nhất 60.000 người bị thương.
Nghiêm trọng hơn, trong số các nạn nhân của cuộc xung đột, hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm tới 70%. Theo thống kê của Cơ quan y tế Gaza, cho đến nay, đã có hơn 8.600 trẻ em và hơn 6.300 phụ nữ thiệt mạng. Điều này có nghĩa cứ 100 người ở Gaza thì có 3 người bị thương. Ngoài ra, khoảng 7.000 người thuộc diện mất tích và nhiều khả năng cũng đã tử vong dưới các đống đổ nát do các cuộc không kích gây ra. Đây là số thương vong lớn nhất vì chiến sự tại Dải Gaza trong 3/4 thế kỷ qua.
Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah vào ngày 24/11. (Nguồn: AP) |
Không chỉ có vậy, chiến dịch tấn công cùng với chính sách bao vây và phong tỏa dải Gaza của Israel, còn khiến hơn 2,3 triệu dân cư của vùng đất này đang phải sống trong các điều kiện cực kỳ khó khăn là thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực, thiếu thuốc men, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế...Truyền thông khu vực và quốc tế cho biết, kể từ đầu chiến sự đến nay, toàn bộ hoạt động kinh tế tại Gaza bị tê liệt và 100% trẻ em không được đến trường. Tình trạng nhân đạo tại Gaza đang ở mức tồi tệ chưa từng có.
Kể từ khi xung đột bùng phát, phía Irael cũng đã có khoảng 1.300 người thiệt mạng. Trong số 240 con tin bị bắt giữ đến nay vẫn có khoảng 100 người chưa được Hamas thả tự do. Đặc biệt, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, toàn bộ đất nước Israel bị đặt trong tình trạng chiến tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội-an ninh-quốc phòng-ngoại giao-giáo dục…của quốc gia này.
Theo Bộ Tài chính Israel, chi tiêu quân sự của Israel vào năm 2023 là khoảng 23,6 tỉ USD, lớn hơn tổng chi tiêu quân sự của Ai Cập, Iran, Lebanon và Jordan cộng lại. Nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, con số chi cho quân sự của Israel trong năm 2024 sẽ là gần 26 tỉ USD, mỗi ngày, Israel phải chi tiêu cho xung đột hàng triệu USD.
Ngày 10/1/2024, Liên hợp quốc một lần nữa cảnh báo tình hình nhân đạo tồi tệ tại Dải Gaza khi các cuộc không kích vẫn tiếp diễn, gây thêm nhiều thương vong và hủy hoại không ít cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng tại dải đất này. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric, nhấn mạnh các cơ quan cứu trợ nhân đạo cùng các đối tác ngày càng lo ngại về tác động của các biện pháp hạn chế, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc vùng lãnh thổ này.
Hiện nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo cảnh báo các dịch vụ y tế ở vùng Deir al Balah và Khan Younis gần như tê liệt. Căng thẳng gia tăng tại những khu vực này khiến thương vong tăng, an ninh ngày càng bất ổn cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo.
Người biểu tình kêu gọi trả tự do cho các con tin, chấm dứt xung đột trước Nhà hát Opéra Bastille ở Paris, Pháp, ngày 14/12024. (Nguồn: REUTERS) |
Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, tính đến ngày 9/1/2024, số giường bệnh có sẵn tại đây chỉ đủ để đáp ứng 1/5 tổng nhu cầu là 5.000 giường cấp cứu. Hơn 3/4 trong số 77 cơ sở y tế tại Dải Gaza đã dừng hoạt động, khiến nhiều người dân không có cơ hội được chăm sóc y tế cơ bản khi cần.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay còn tác động tới những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và các bệnh về tâm thần. Khoảng 350.000 người mắc bệnh mãn tính và 485.000 người mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần tại Dải Gaza tiếp tục bị gián đoạn điều trị. Điều kiện sống tạm bợ, tập trung đông đúc tại các khu lều trại thiếu nước, kém vệ sinh khiến họ đối mặt với nguy cơ cao bị mắc các bệnh truyền nhiễm.
Thực tế, dưới nỗ lực ngoại giao con thoi của các nước trong khu vực và quốc tế, Israel và Hamas đã ngừng bắn để tạo hành lang an toàn cho hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên, thời gian thực hiện 7 ngày ngừng bắn tạm thời (từ 24/11 đến 1/12/2023) là chưa đủ cho các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói ở dải Gaza nếu nguồn cung cấp thực phẩm nhân đạo bị gián đoạn.
Còn đối với Dải Gaza, chi phí tái thiết dải đất ven Địa Trung Hải này được đánh giá là không thể đo lường được. Theo ước tính của giới chuyên gia, chi phí cho công cuộc tái thiết Gaza có thể lên tới 50 tỷ USD do sự tàn phá nghiêm trọng của chiến tranh. Không những thiệt hại với Israel và Palestine, xung đột còn gây thiệt hại kinh tế đối với các nước láng giềng Arab bao gồm Lebanon, Ai Cập và Jordan lên hơn 10 tỷ USD trong năm nay và đẩy hơn 230.000 người vào cảnh nghèo đói.
Chia rẽ sâu sắc, tương lai mờ mịt
Theo nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế, dù vẫn chưa đi đến hồi kết, song với những tác động và hệ lụy gây ra trong hơn 100 ngày qua, cộng với sự chia rẽ quan điểm sâu sắc giữa các bên quốc tế, cuộc xung đột Israel-Hamas đã và đang khiến cho cục diện an ninh-địa chính trị tại khu vực Trung Đông ngày càng trở nên rối ren, phức tạp, bất định và khó lường hơn trong thời gian tới.
Các nhà phân tích cho rằng, giải pháp chính trị căn cốt nhất cho cuộc xung đột này là phải dựa trên giải pháp hai nhà nước. Cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine vốn kéo dài nhiều thập kỷ qua đã trở thành một trong những điểm nóng phức tạp nhất thế giới, đòi hỏi giải pháp chính trị toàn diện, trong đó quan trọng nhất là giải pháp hai nhà nước, đã được quốc tế nỗ lực thúc đẩy bằng các hoạt động ngoại giao từ đầu những năm 1990, nhưng trải qua nhiều thập niên vẫn bế tắc.
Sau khi xung đột Israel-Hamas bùng phát, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhưng chưa vạch lộ trình cụ thể để hồi sinh các cuộc đàm phán. Vòng đàm phán hòa bình gần đây nhất đã thất bại từ năm 2014. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ và các đối tác vẫn đang thảo luận về một cấu trúc quản lý Gaza trong tương lai.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một phiên họp về xung đột Dải Gaza. (Nguồn: UN News) |
Thực tế từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát, cộng đồng quốc tế vẫn không ngừng gây sức ép buộc cả Israel và lực lượng Hamas đang kiểm soát Dải Gaza ngừng bắn và chấm dứt giao tranh. Trong hơn 3 tháng qua, cộng đồng quốc tế không ngừng thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột song Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn không thể nhất trí được một Nghị quyết cho cuộc xung đột này.
Trong khi cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể tìm ra một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột Hamas-Israel hiện nay, thì có một thực tế rõ ràng nhất, đó là không ai hình dung được, cho đến khi cuộc chiến này khép lại, sẽ còn bao nhiêu dân thường vô tội thiệt mạng, do cả đạn bom lẫn cả sự thiếu thốn những nhu cầu cơ bản, như thức ăn, nước sạch, thuốc men...
Trong thông điệp nhân 100 ngày chiến sự Hamas-Israel nổ ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã một lần nữa kêu gọi tất cả các bên chấm dứt mọi hành động thù địch, tránh đổ máu, trả tự do cho các con tin và ngừng bắn ngay lập tức. Ngày 14/1/2024, khắp nơi trên thế giới, từ London, Paris, Kuala Lumpur đến Johannesburg...người dân cũng đã xuống đường biểu tình và yêu cầu các bên ngừng bắn.
Thế nhưng, bất chấp tất cả, khói súng vẫn tiếp tục mờ mịt ở Dải Gaza và có nguy ngày càng lan rộng. Trong khi đó, hy vọng về một giải pháp căn cơ có thể hạ nhiệt căng thẳng, tạo tiền đề cho việc kiến tạo hòa bình ở khu vực vẫn còn rất xa vời.
| Xung đột ở Dải Gaza: Thương vong lên hàng trăm trong 24 giờ, Israel tuyên bố nóng, Mỹ báo động sự 'di căn' Xung đột ở Dải Gaza tiếp tục nóng lên với tuyên bố của Israel rằng, giao tranh có thể tiếp diễn đến hết năm 2024, ... |
| Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông: Chuyến đi ‘dập lửa’ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trở lại Trung Đông trong chuyến thăm kéo dài năm ngày đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các ... |
| Tình hình Biển Đỏ căng như dây đàn': 'Đột kích' vào Yemen, Mỹ cùng đồng minh giải thích; Houthi đe dọa gắt Tình hình Biển Đỏ đang căng thẳng hơn bao giờ hết sau đợt tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào lực lượng nổi dậy Houthi ... |
| Tình hình Dải Gaza: Israel bắt giữ hai em gái của thủ lĩnh Hamas Aruri; Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi ngừng bắn Hãng AFP ngày 14/1 dẫn các nguồn tin Palestine và Israel cho biết, các binh sĩ Israel đã bắt giữ hai em gái của Saleh ... |
| Xung đột ở Dải Gaza: EU thừa nhận quan điểm chia rẽ, WHO nói người dân đang sống như trong 'địa ngục' Xung đột ở Dải Gaza vẫn diễn biến phức tạp khi bước sang ngày thứ 100 giao tranh, trong khi các tổ chức và quốc ... |