GS. TS. Phạm Quang Minh. |
Nhân dịp Đại hội XIII của Đảng, GS. TS. Phạm Quang Minh có bài trả lời phỏng vấn TG&VN về định hướng đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Giai đoạn phát triển nào cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, theo ông, hoạt động đối ngoại của Việt Nam gặp những thuận lợi và khó khăn thách thức gì?
Thứ nhất, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin, có trình độ hơn, bắt kịp được xu hướng phát triển của thời đại.
Thứ hai, Việt Nam đã trở thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế và khu vực. Từ lúc bỡ ngỡ ban đầu khi gia nhập ASEAN 35 năm trước đây, hiện chúng ta đã đóng vai trò thực sự quan trọng trong Hiệp hội. Bên cạnh đó, chúng ta đã tham gia vào các diễn đàn khu vực và toàn cầu, qua đó nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn.
Thứ ba, chúng ta có một đội ngũ cán bộ làm đối ngoại có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm hơn, vừa hồng vừa chuyên.
Thứ tư, phương châm đối ngoại của Việt Nam “làm bạn với tất cả các nước” luôn phù hợp với tình hình thực tế, và cũng cân nhắc tới yếu tố chủ quan và khách quan.
Về thách thức, như văn kiện Đại hội XIII đã xác định, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường, cạnh tranh nước lớn tiếp tục căng thẳng, mang nhiều biểu hiện của Chiến tranh Lạnh mới. Chính sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ khiến cho thế giới bị chia rẽ.
Thách thức thứ hai là đại dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, đến nỗ lực khôi phục kinh tế thế giới và sức khỏe cộng đồng. Và chắc chắn thế giới trong một vài năm tới sẽ còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Ngoài ra, sự đối đầu giữa xu hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo thủ, đặt lợi ích nước mình lên trên hết, áp đặt chính trị cường quyền vẫn là một thực tế; chủ nghĩa khủng bố, dân túy, dân tộc cực đoan vẫn tiếp tục hiển hiện. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng sẽ tác động đến quan hệ giữa các quốc gia.
Có thể nói, thuận lợi nhiều, thách thức khó khăn cũng không ít. Nhưng dựa vào kinh nghiệm đã có, cùng với đường lối chủ trương phù hợp và đội ngũ “tinh nhuệ” hơn, chúng ta có thể tin tưởng vào thắng lợi của ngành đối ngoại trong thời gian tới.
Sáng 15/11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tình hình mới sẽ đặt ra những yêu cầu mới về đối ngoại. Vậy theo ông, những vấn đề đối ngoại hiện nay của Việt Nam là gì?
Vấn đề số 1 của Việt Nam là độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Phải làm sao giải quyết được tranh chấp quyền chủ quyền tại Biển Đông bằng con đường hòa bình. Thời gian qua, tình hình khu vực này có nhiều biển hiện căng thẳng gia tăng như chạy đua vũ trang, quân sự hóa khu vực Biển Đông, không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Toàn vẹn lãnh thổ bao gồm cả vấn đề an ninh trên biển cũng như đất liền, trên sông cũng như trên mạng. Và hiện nay, an ninh mạng cũng là một vấn đề. Cần phải làm sao chủ động nắm được công nghệ, tận dụng tốt nhất những lợi thế từ cuộc cách mạng 4.0 mang lại để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Thứ hai là làm sao chúng ta có thêm nhiều đối tác thực sự tin cậy. Cần rà soát lại xem các đối tác chiến lược mà ta đã kí kết có những thế mạnh nào, về công nghệ, luật pháp, hay kinh tế… để tận dụng đầy đủ nhất và hiệu quả nhất các hiệp định đối tác.
Thứ ba, với các Hiệp đinh Thương mại Tự do (FTA) đã kí kết, để tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại, cần tiếp tục đổi mới bên trong về luật pháp cho phù hợp. Ví dụ như thực hiện đúng về yêu cầu xuất xứ, về mua sắm công, hay đảm bảo quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường…
Thứ tư, phải thông tin, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức đối với mọi tầng lớp, từ doanh nghiệp đến đông đảo quần chúng nhân dân về chủ đề hội nhập. Hội nhập quốc tế là vấn đề không chỉ của riêng Chính phủ, của các quan chức mà của tất cả các ngành, doanh nghiệp, và toàn dân.
Cần có những sản phẩm thông tin về hội nhập một cách cụ thể, chi tiết, về các FTA, từ RCEP, CPTPP đến EVFTA… biến đó thành những cẩm nang “gối đầu giường” cho giới ngoại giao, kinh tế.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần phải thúc đẩy mạnh mẽ, tạo tinh thần cầu thị, ý chí vươn lên trong học tập. Bởi câu chuyện đổi mới hội nhập dường như vẫn còn trên giấy tờ, chưa đi vào thực tiễn, chưa đồng bộ.
Đại hội XIII đã đề ra định hướng hội nhập chủ động, tích cực, sâu rộng, toàn diện. Theo ông, cần phải làm gì để triển khai đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII?
Thứ nhất, phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, từ chủ trương đến hành động, tránh quan điểm cho rằng hội nhập chỉ có tác động xấu đến độc lập chủ quyền quốc gia. Cần xác định tiến hành đẩy mạnh hội nhập để mang lại những lợi ích cho Việt Nam. Chính vì vậy, phải khẳng định ở cấp cao nhất về tầm quan trọng của hội nhập, tận dụng tối đa lợi thế của hội nhập, tránh hội nhập nửa vời, không hiệu quả.
Thứ hai, giao cho đầu mối các hoạt động đối ngoại là Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao là cơ quan tư vấn, tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hội nhập. Muốn làm được điều này, trong Bộ Ngoại giao phải thành lập các nhóm tác chiến (adhoc). Cũng cần tận dụng các chuyên gia, nhà ngoại giao kì cựu theo từng lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt là tận dụng nguồn lực kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, rất nhiều trong số đó là các nhà khoa học, chuyên gia có trình độ, kĩ năng tốt.
Thứ ba, phải thông tin rộng rãi về đường lối, chủ trương hội nhập và hội nhập toàn diện, sâu rộng, xác định rõ nội hàm của hội nhập toàn diện, sâu rộng, và đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể. Ví dụ như tập huấn trao đổi và thậm chí đưa vào các chương trình giảng dạy của các trường đại học, chú trọng đào tạo các chuyên gia...
Cảm nhận và kỳ vọng của ông về những quyết sách của Đại hội XIII?
Đại hội XIII của Đảng được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, 30 năm sau khi Việt Nam thực chính sách đổi mới, 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, vượt qua đại dịch Covid-19.
Hiện có một niềm tin rất mạnh mẽ của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng: chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trong những giai đoạn cam go của lịch sử: hai cuộc kháng chiến, sự kiện Campuchia, chiến tranh biên giới Tây Nam, đại dịch Covid-19…
Vì vậy, không có lý do gì trong bối cảnh hiện nay chúng ta lại không thể làm chủ vượt qua các khó khăn mới. Trách nhiệm của thế hệ ngày nay là phải xây dựng Việt Nam từ một “Việt Nam chiến tranh” thành một “Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển, đổi mới và hội nhập”, xứng đáng với kỳ vọng của các thế hệ đi trước.
Tôi hy vọng rằng, sau 30 năm đổi mới, mà tôi gọi là “đổi mới phiên bản 1”, lần này nước ta sẽ tiến hành “đổi mới phiên bản 2”, đổi mới một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để Việt Nam có thể cất cánh.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Xem Bài 1: Kết hợp hài hòa giữa đổi mới bên trong với hội nhập bên ngoài, đảm bảo 'trong ấm ngoài êm'