Đó là trao đổi của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi với phóng viên TG&VN xung quanh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam, bên lề Hội nghị Ngoại giao 30.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi tham gia Tọa đàm trực tuyến Đại sứ và Doanh nghiệp do Báo Thế giới & Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xin chào Đại sứ, ông có những đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam?
Có thể nói, cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn và hết sức quan trọng của Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó đương nhiên có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Về ảnh hưởng này, Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tác động, cả trực tiếp và gián tiếp. Ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên mà thị trường đều ghi nhận đó là sự thay đổi tỉ giá tiền tệ và một số hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng bắt đầu gặp khó khăn. Về tác động lâu dài thì chúng tôi chưa dám đánh giá vì chưa có nghiên cứu đầy đủ, nhưng chắc chắn là Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp của Việt Nam cần nghiên cứu đầy đủ và đánh giá cụ thể hơn.
Về cá nhân tôi nhận thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần này không đơn thuần là một cuộc chiến thuần túy được khơi nguồn bởi sự chênh lệch kim ngạch thương mại, về nhập siêu mà nó còn có thể lan sang các lĩnh vực khác như: tài chính, tiền tệ, kể cả khoa học công nghệ. Thực chất ở đây là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước lớn, về vai trò, vị trí dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Vì vậy, tác động của nó tới kinh tế Việt Nam sẽ còn lâu dài và chúng ta cần nghiên cứu thêm, cần chuẩn bị kỹ, không nên quá lạc quan cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu mạnh vào cả hai thị trường và cũng không nên quá bi quan cho rằng Việt Nam chịu tác động mạnh. Việt Nam cần hết sức bình tĩnh và nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, nhất là khi mà tình hình thế giới và khu vực biến đổi rất nhanh.
Cũng có thể xem đây là cơ hội đối với Việt Nam để chúng ta thay đổi mạnh mẽ phương thức phát triển kinh tế. Có thể trước đây doanh nghiệp Việt chú trọng xuất khẩu thì hiện nay cần chú trọng hơn thị trường trong nước, một thị trường 100 triệu dân, quy mô thu nhập của người dân ngày càng tăng. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt tập trung vào thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chất lượng cao, nâng cao công nghệ sản xuất để tiến tới xuất khẩu sang các thị trường khác chứ không như hiện nay chỉ là gia công chế tạo, giá trị thặng dư thu được rất thấp.
Như Đại sứ đã nói, Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, vậy Đại sứ có những lưu ý gì để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang hai thị trường này?
Theo tôi được biết thì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc hiện nay chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng về lâu dài, cần đánh giá thêm. Những mặt hàng mà ta có ưu thế xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng tốt.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng, nhưng các doanh nghiệp Việt cũng cần chú ý khi doanh nghiệp các nước khác sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam để trung chuyển hàng hóa xuất khẩu sang nước khác, có thể là hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ hoặc hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam và xuất sang Trung Quốc. Gần đây, Đại sứ quán phát hiện một xu hướng là nhiều mặt hàng nông sản của Thái Lan đi qua con đường của Việt Nam để vào Trung Quốc. Tất nhiên, đây cũng là việc bình thường, bởi xu hướng liên doanh liên kết kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo làm sao không để cho Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển hàng hóa, tránh đưa Việt Nam trở thành tiêu điểm của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lần này. Đây chính là điều mà doanh nghiệp Việt cần phải quan tâm.
Nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Vậy doanh nghiệp Việt tránh bằng cách nào?
Tôi cho rằng để tránh được nguy cơ này cần sự vào cuộc của cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Về phía các cơ quan chức năng, cần nghiên cứu đánh giá kỹ về khả năng này có xảy ra hay không, nếu xảy ra thì phải ứng phó như thế nào? Việt Nam không thể áp đặt những biện pháp phòng vệ đơn phương của mình mà phải thực thi đúng luật pháp, cam kết quốc tế đã ký với các đối tác. Về phía doanh nghiệp, cần có ý thức rõ ràng, đừng vì lợi nhuận lợi ích trước mắt khi làm trung chuyển, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cả nền kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, vai trò của báo chí và người dân trong việc giám sát là rất quan trọng. Cần nhanh chóng phát hiện những hiện tượng, trường hợp không tích cực để phản ánh đến các cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng thương mại hai nước trong thời gian tới?
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và tăng nhanh trong thời gian gần đây. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào Trung Quốc là nông, lâm, thủy hải sản. Đặc biệt, 90% thanh long xuất khẩu của Việt Nam là vào Trung Quốc. Tiềm năng quan hệ thương mại giữa hai nước là rất lớn. Đại sứ quán cũng đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam và sự vào cuộc của người nông dân.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có hoạt động hỗ trợ như thế nào trong việc thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc một cách bền vững?
Đại sứ quán luôn coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là quan trọng. Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trong việc thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường một cách bền vững. Là đơn vị hiểu rõ thị trường trung Quốc, bộ phận thương vụ của Đại sứ quán đều có báo cáo thường xuyên về thị trường Trung Quốc chuyển về Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, Đại sứ quán thường xuyên kiến nghị, nêu trực tiếp các vấn đề thúc đẩy thương mại trong các cuộc tiếp xúc bên lề, đặc biệt là thúc đẩy các đoàn xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng thực hiện hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường Trung Quốc, nhất là giới thiệu sản phẩm kết nối với doanh nghiệp. Có thể là tổ chức tọa đàm tại Đại sứ quán hoặc ở các địa phương khác của nước bạn, tổ chức cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ trực tiếp.
Ngoài ra, Đại sứ quán cũng có báo cáo thường xuyên những hoạt động kinh tế đối ngoại lớn của Trung Quốc để Việt Nam tham gia. Trong đó, hoạt động mà các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều nhất là Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc - ASEAN hằng năm tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Năm nay hội chợ được tổ chức vào tháng 9 này và các lãnh đạo cũng như doanh nghiệp của Việt Nam cũng đăng ký tham gia rất đông.
Tôi cũng muốn lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam là tháng 11 tới tại Thượng Hải, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức hội chợ nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc, sẽ có lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tham dự. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam tham gia và quảng bá sản phẩm của mình. Được biết sự kiện này đã và đang được Bộ Công Thương tổ chức triển khai chặt chẽ. Việt Nam sẽ có gian hàng quốc gia và có rất nhiều gian hàng của các doanh nghiệp tham gia. Trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng mọi cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình, tích cực tham dự vào các hội chợ ở thị trường Trung Quốc.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Dương Liễu (thực hiện)