Nhỏ Bình thường Lớn

Đại sứ đi giày cao gót

Một vị đại sứ lịch thiệp trong bộ com-lê sang trọng, khoác tay một quý bà xinh đẹp. Đó là hình ảnh lỗi thời về người đứng đầu một cơ quan đại diện ngoại giao, ít ra là đối với nhiều nước châu Âu.
Đại sứ Carolyn Browne cho rằng giày cao gót còn có thể góp phần tạo dựng hình ảnh về quyền lực.

Bà Alexandra Kollontai (1872–1952) được xem là nữ đại sứ đầu tiên của thế giới thời kỳ hiện đại khi bà được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên Xô tại Na Uy năm 1923. 90 năm trôi qua, câu chuyện về bình đẳng giới dường như vẫn “nóng” trong ngành ngoại giao dù bức tranh đã trở nên “mềm mại” hơn nhờ những thông tin kiểu như “Nữ đại sứ nước X đầu tiên ở nước Y”, “Nước Z lần đầu tiên có nữ đại sứ”…

Sự cải thiện đáng kể

Trong bài viết cách đây hơn hai năm, khi còn là Đại sứ Anh tại Ukraine, ông Leigh Turner kể lại một tình huống tại cuộc họp báo về hội nghị của các thị trưởng trẻ các nước Đông Âu ở thị trấn Vinnitsa. Một nhà báo đặt câu hỏi: Tại sao có rất ít phụ nữ trong số các thị trưởng được mời tham gia sự kiện?

Theo các nhà tổ chức, họ phải mời các thị trưởng trẻ đến từ các nơi và không có nhiều phụ nữ ở vị trí này. Đại sứ Leigh Turner tiếp lời rằng đối với Bộ Ngoại giao Anh, sự bình đẳng và đa dạng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện một chính sách ngoại giao thành công cũng như việc quản lý thành công một thành phố hay đất nước. Nhiều cơ quan đại diện ngoại giao Anh trong khu vực địa chính trị chiến lược này cũng có đại sứ nữ như ở Baku, Minsk, Moscow và Tbilisi.

Năm 2011, nước Anh có tổng cộng 33 đại sứ nữ, chiếm khoảng 13% trong tổng số đại sứ Anh trên toàn thế giới. Mặc dù con số này không lớn lắm, nhưng rõ ràng là một sự cải thiện so với năm 2003, khi có 18 nữ đại sứ hay năm 1997, khi chỉ có 9 đại sứ thuộc “phái yếu”.

Theo dự án nghiên cứu trong nội bộ Bắc Âu mang tên Giới tính và quyền lực trong các nước Bắc Âu, số lượng đại sứ nữ từ các nước Bắc Âu cũng đang gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong khi tỷ lệ đại sứ nữ rất thấp ở các nước Bắc Âu trong thập niên 1990 (thường xuyên dưới 10%) thì giờ đây, số đại sứ nữ ở Đan Mạch và Iceland là 15% và ba phần tư số đại sứ ở Phần Lan và Na Uy là nữ.

Chính trị bình đẳng giới

Công thức đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ số lượng đại sứ nữ rất đơn giản: chính trị bình đẳng giới. Xây dựng các chiến lược để đạt được sự cân bằng giới tính tốt hơn và mục tiêu định lượng rõ ràng đã mang lại kết quả.

Ở Phần Lan, có một mục tiêu thống nhất về một sự cân bằng giới tính 50/50 giữa các cán bộ trong cơ quan đối ngoại - từ trên xuống dưới.

Na Uy đã thiết kế một chính sách nhân sự, trong đó nhấn mạnh rằng phụ nữ được tuyển dụng vào các vị trí mà họ có ít đại diện. Nếu có một số lượng hồ sơ tương đương từ cả hai giới cho một vị trí mở, giới nào ít đại diện hơn thì sẽ được ưu tiên. Mục tiêu là tỷ lệ 40% đại sứ là phụ nữ.

"Phụ nữ được khuyến khích đăng ký các vị trí đại sứ và ít nhất một phụ nữ luôn được mời phỏng vấn – nếu họ có đầy đủ các tiêu chuẩn phù hợp", theo ông Ragnhild Imerslund, Trợ lý Vụ trưởng tại Bộ Ngoại giao Na Uy.

Và mỗi lần cần bổ nhiệm một vị trí đại sứ hoặc vị trí quản lý khác tại Bộ Ngoại giao Thụy Điển, việc phải có ứng cử viên của cả hai giới tính là một phần trong mục tiêu chung là 40-60% cán bộ nhân viên trong cơ quan đối ngoại phải là phụ nữ. "Chính trị bình đẳng giới là một phần thiết yếu trong thế giới của chúng tôi", Harald Sandberg, người phụ trách nhân sự tại Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng đã xây dựng một chính sách bình đẳng giới, tuy nhiên tỷ lệ đại sứ nữ không phải là rất cao.

Thách thức đến từ... giày cao gót

Tầm quan trọng của các nữ đại sứ và nói rộng ra là các nhà ngoại giao nữ được bàn luận nhiều trong Bộ Ngoại giao Anh. Không chỉ có thể tác động mạnh về các vấn đề cốt lõi của ngoại giao, các nhà ngoại giao nữ cũng có thể đóng vai trò hình mẫu cả ở Anh và khu vực.

Bà Carolyn Browne, 53 tuổi, hiện là Đại sứ Anh ở Kazakhstan, chia sẻ những trăn trở trước đây của bà về nữ đại sứ. Cách đây nhiều năm, bà là khách mời riêng của một nữ đồng nghiệp là đại sứ ở Liên Xô (cũ). Là nhà ngoại giao nữ, bà luôn luôn tự hỏi liệu một ngày nào đó, mình có thể trở thành đại sứ - nếu bà không thích nấu ăn và chưa lấy chồng - người sẽ dạy bà vào bếp? Liệu nước sở tại có thật sự chào đón bà?

Vì vậy, bà đã cố gắng tìm hiểu xem đồng nghiệp của mình đã hoạt động như thế nào để chứng tỏ rằng đối với phụ nữ, không có trở ngại trên con đường trở thành một đại sứ...

Nói như thế không có nghĩa là không có những thách thức. Sau 18 tháng làm Đại sứ Anh ở Azerbaijan, bà Carolyn được mời tới nói chuyện với nhóm các nhà ngoại giao nữ mới thành lập tại Học viện Ngoại giao Azerbaijan, nơi đào tạo những cán bộ mới vào ngành của Bộ Ngoại giao. Một nhà ngoại giao nữ trẻ ngập ngừng cho biết cô có một câu hỏi nhưng ngại nói...

Sau khi được khuyến khích, cô hỏi là làm thế nào các đại sứ giải quyết "vấn đề giày cao gót"? Liệu việc bà diện đôi giày cao gót thời trang có phù hợp với cương vị đại sứ trong một chương trình công cộng? Cách bà xử lý các yêu cầu của công việc bận rộn hay khi phải đứng liên tục trong một sự kiện kéo dài nhiều giờ liền? Hay bà có đi những đôi giày thấp hơn, thoải mái hơn và công nhận rằng mình có thể không lịch sự và tao nhã như trông đợi của xã hội đương thời?

Bà Carolyn đã trả lời rằng điều quan trọng là ăn mặc cho đúng vị trí của mình, việc đi giày cao gót hay không sẽ phụ thuộc vào phong cách của bạn. Nhưng đối với cá nhân bà, có nhiều trường hợp, giày cao gót không chỉ tuyệt vời mà còn có thể góp phần tạo dựng hình ảnh về quyền lực, giúp bà trên cương vị đại sứ có thể mang lại kết quả tốt nhất cho nước Anh cũng như cho lợi ích doanh nghiệp của Anh trong việc liên lạc với các nhà chức trách tại Baku.

Trả giá hay cơ hội gây ảnh hưởng

Bà Birgitte Markussen, Vụ trưởng Vụ châu Phi, Bộ Ngoại giao Đan Mạch mới được bổ nhiệm làm Đại sứ Đan Mạch ở Burkina Faso. Bà nằm trong số 17% phụ nữ đang làm việc trong ngoại giao đoàn. "Mục tiêu và chính sách cụ thể trong lĩnh vực bình đẳng giới là rất quan trọng. Nhưng cách nhìn nhận vấn đề này cũng quan trọng không kém.

Cá nhân tôi cũng tin rằng là những phụ nữ, chúng tôi phải có một lập trường về hình ảnh và kỳ vọng gắn liền với vai trò giới cũng như trong cuộc sống riêng tư. Chẳng có gì bất thường khi nhìn thấy các đại sứ nữ làm việc một mình. Một số người độc thân. Những người khác đi nước ngoài mà không có gia đình vì phu quân của họ còn phải lo công việc ở nhà", bà giải thích.

Bà Birgitte Markussen (bên trái) không cho rằng làm đại sứ nữ là phải trả giá.

Do tính chất công việc, bà Birgitte Markussen và phu quân phải thay phiên nhau đi nước ngoài. Thời gian này, gia đình bà có thể sẽ không sang cùng bà ở Burkina Faso vì chồng bà vừa bắt đầu công việc mới và người con cả muốn hoàn tất việc học ở Đan Mạch.

"Là một gia đình, mỗi thành viên phải đưa ra quyết định về việc ở đâu và muốn làm gì với cuộc sống của mình. Chúng ta phải thoát khỏi ý nghĩ rằng phụ nữ phải trả giá khi họ sẵn sàng đảm đương vị trí lãnh đạo. Làm người đứng đầu là một cơ hội để đạt được ảnh hưởng. Trong cuộc sống riêng tư của mỗi người, vấn đề là có đồng ý về một số mục tiêu được chia sẻ trong gia đình hay những trải nghiệm thú vị cùng nhau", Birgitte Markussen nói.

Hạnh Diễm