Từ chỗ là cựu thù sau chiến tranh, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013, tăng cường và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư đến quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, khắc phục hậu quả chiến tranh và giao lưu nhân dân.
Song phương hiệu quả
Từ năm 2015 đến nay, hai nước đã trao đổi với nhịp độ chưa từng có các đoàn cấp cao trong đó có các chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7/2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (5/2017), chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (5/2016) và Tổng thống Donald Trump (11/2017). Riêng trong năm 2017, có hai chuyến thăm cấp cao, cũng là điều chưa từng có từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Nhà Trắng dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong khi Tổng thống Donald Trump cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên tại Đông Nam Á trong năm đầu tiên nhiệm kỳ.
Hai bên cũng trao đổi nhiều đoàn các cấp với các chuyến thăm Hoa Kỳ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis và mới đây nhất là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo thăm Việt Nam. Những chuyến thăm đó đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, thúc đẩy đà phát triển quan hệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.
Đại sứ Hà Kim Ngọc phát biểu tại chương trình Hội thảo 'Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump' sáng 17/1/2018. |
Kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên và động lực thúc đẩy quan hệ. Từ mức 500 triệu USD khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, giao thương đã tăng 100 lần đạt hơn 50 tỷ USD vào cuối năm 2017. Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á với mức độ tăng trưởng nhanh. Hai bên vẫn tiếp tục mở rộng thị trường, tìm kiếm các mặt hàng xuất khẩu mới. Việt Nam mới đây đã xuất khẩu vú sữa sang Việt Nam trong khi mở lại thị trường cho bột bã ngô của Hoa Kỳ, mua thêm nhiều máy bay Boeing và các sản phẩm công nghệ cao. Hoa Kỳ hiện nằm trong 10 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được, trong đó có tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2015, hai bên đã từng bước mở rộng và đạt được những bước tiến quan trọng, đặc biệt trên các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, gìn giữ hoà bình, đào tạo và an ninh hàng hải. Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã chuyển giao một tàu Hamilton và sáu xuồng tuần tra cho Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Mới đây, tàu sân bay Carl Vinson của Hoa Kỳ cũng lần đầu tiên thăm Việt Nam, thể hiện mong muốn của hai nước tham gia vào nỗ lực chung của khu vực nhằm duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là lĩnh vực được đặc biệt chú trọng, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Trên tinh thần nhân đạo, Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với Hoa Kỳ trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hoa Kỳ cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận trong các lĩnh vực rà phá bom mìn, tẩy độc da cam. Mới đây, hai nước đã hoàn tất việc tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng. Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng góp và hợp tác Việt Nam trong việc tẩy độc sân bay Biên Hòa và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh…
Hai nước cũng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân. Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường Đại học Hoa Kỳ, đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng và tạo việc làm của Hoa Kỳ. Năm 2017, hai nước cũng phối hợp đưa đại học Fulbright vào hoạt động, tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam tiếp cận với giáo dục tiêu chuẩn cao, tiếp thu kiến thức hiện đại, góp phần xây dựng đất nước.
Đa phương chặt chẽ
Không chỉ trong quan hệ song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương như APEC, ASEAN, ARF… vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Về Biển Đông, hai bên ủng hộ quan điểm bảo đảm tự do, an ninh hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; giải quyết hoà bình các tranh chấp thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực; không có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Việt Nam cùng nhiều nước khác trong khu vực tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong thực hiện các nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Đối với một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực kinh tế - thương mại – đầu tư, hai bên đã tái khởi động Cơ chế hợp tác theo Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), đối thoại trên tinh thần cùng có lợi, tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng làm ăn tại Việt Nam; đề nghị Hoa Kỳ mở rộng thị trường, dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hoá Việt Nam cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Hoa Kỳ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá Hoa Kỳ nhập vào Việt Nam.
Phát huy đà phát triển
Nhiệm vụ của ngành ngoại giao nói chung và của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng trong thời gian tới sẽ là kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ; phát huy đà phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, tiếp tục duy trì các tiếp xúc, trao đổi cấp cao; tích cực triển khai các thỏa thuận của các chuyến thăm cấp cao vừa qua, trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, giải quyết hậu quả chiến tranh…; tăng cường kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ qua các kênh chính quyền, Quốc hội, doanh nghiệp, học giả; xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề tồn đọng và nảy sinh.
Tóm lại, quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, dư địa phát triển còn nhiều. Điều quan trọng là hai bên cần phát huy những điểm tương đồng về lợi ích, xử lý các vấn đề tồn tại trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Với tư cách Đại sứ mới được bổ nhiệm tại Hoa Kỳ, tôi tin tưởng Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, với phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, sẽ thành công tốt đẹp, đề ra những phương hướng, giải pháp mới, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hà Kim Ngọc
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ