Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam Hans Peter Glanzer. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ chia sẻ những nét nổi bật trong quan hệ song phương thời gian qua?
Việt Nam và Áo có mối quan hệ song phương tuyệt vời! Bất chấp đại dịch Covid-19 và các hạn chế đi lại do dịch bệnh, hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi cấp cao, chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến giữa Chủ tịch nước Việt Nam-Tổng thống Áo, cấp Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Ngoại giao. Hiện chúng tôi đang chờ đợi các đoàn trao đổi cấp cao giữa hai nước trong nửa cuối năm nay và vào đầu năm sau.
Tôi muốn nhấn mạnh tới hợp tác kinh tế-nét nổi bật cho sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam-Áo. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000 và đạt đỉnh cao mới vào năm ngoái với tổng kim ngạch lên tới 1,4 tỷ Euro.
Hiện có khoảng 50 công ty của Áo phát triển chi nhánh tại Việt Nam. Sự phát triển tích cực này còn được thể hiện qua việc khai trương Thương vụ Đại sứ quán Áo tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2019.
Một lĩnh vực khác tôi muốn đề cập là lĩnh vực học thuật. Hiện nay có gần 30 thỏa thuận hợp tác giữa các trường Đại học Áo và các trường đại học Việt Nam. Nhiều trường đại học trong số đó tham gia vào Mạng lưới các trường đại học ASEAN-châu Âu (ASEA-UNINET) được thành lập vào năm 1994.
Đại sứ Cộng hoà Áo Hans Peter Glanzer. (Ảnh: ĐSQ Áo tại Việt Nam) |
Áo hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, đâu là những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Áo trong khu vực. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU)-EVFTA đang góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế năng động giữa hai nước.
Trong cuộc họp gần đây của Ủy ban Hỗn hợp về thương mại và hợp tác kinh tế cấp Thứ trưởng giữa hai nước tại Vienna, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.
Chắc chắn vẫn còn nhiều tiềm năng để các công ty của Áo đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy triển vọng lớn trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề, du lịch, nông nghiệp, giải pháp giao thông đô thị bền vững và chăm sóc sức khỏe.
Đại sứ có thể chia sẻ những kế hoạch để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm nay?
Chúng tôi đã và đang tổ chức một số sự kiện nhân dịp quan trọng này, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế.
Giữa tháng 6 vừa qua, Đại sứ quán đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức "Hội thảo kết nối Áo – Việt Nam, công nghệ giao thông tương lai”.
Tháng 7 này, một cuộc triển lãm về các nhà soạn nhạc nổi tiếng của Áo đã được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Triển lãm lần này bao gồm cả các buổi hòa nhạc của các nhạc sĩ thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Việt Nam, trong đó có sự tham gia của ca sĩ opera nổi tiếng Đào Tố Loan.
Cuối tháng 9, một nhóm tứ tấu Saxophon đến từ Áo sẽ biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
Một điểm nhấn khác về giao lưu văn hóa sắp diễn ra, sẽ là buổi hòa nhạc có sự kết hợp của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam cùng với nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Vienna Philharmonic Orchestra và hai ca sĩ khác, trong đó có một ca sĩ đến từ Nhà hát Opera Quốc gia Vienna. Chương trình âm nhạc cổ điển này sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 26/11.
Bên cạnh đó, bộ phận thương mại của chúng tôi đã và đang tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, bao gồm các diễn đàn kinh doanh với sự tham gia của các công ty đến từ Áo.
Một diễn đàn về công nghệ xanh đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 5. Một diễn đàn khác về cơ sở hạ tầng đường sắt tại Hà Nội đã được tổ chức vào tháng 6. Tới đây, vào tháng 10, dự kiến sẽ có một diễn đàn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Áo được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, Đại sứ đánh giá thế nào về những nỗ lực ngoại giao đa phương của Việt Nam, đặc biệt là tại các tổ chức đa phương có trụ sở tại Vienna?
Trong chính sách của mình, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy đối ngoại đa phương. Cũng giống như Áo, Việt Nam ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật lệ (ví dụ như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển-UNCLOS).
Cách tiếp cận này được phản ánh thông qua sự tham gia rất mang xây dựng của Việt Nam cả ở cấp khu vực và toàn cầu.
Việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là minh chứng cho điều đó. Việt Nam cũng đã rất nỗ lực đóng góp cho Liên hợp quốc, được thể hiện qua việc đảm nhiệm thành công vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Song song với đó, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong các tổ chức đa phương có trụ sở tại Vienna. Việt Nam là nước ủng hộ mạnh mẽ mọi nỗ lực hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.
| Khoá họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Áo về hợp tác kinh tế và thương mại Ngày 20/6, tại thủ đô Vienna, Áo đã diễn ra Khoá họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Áo về hợp tác kinh ... |
| Thúc đẩy hợp tác với bang Burgenland, Áo Vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên đã thực hiện chuyến công tác tới bang Burgenland để làm việc với chính ... |