Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên
Để có câu chuyện thành công, phải quyết tâm và dấn thân
Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên. |
Ngành công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) nói chung và thực phẩm Halal nói riêng có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao. Halal cũng gắn chặt chẽ với truyền thống, văn hóa, quy tắc về thực phẩm của các nước theo đạo Hồi.
Ngành ngoại giao có thể nói là một trong những ngành đi tiên phong khởi xướng về câu chuyện Halal, từ lúc chưa một ai quan tâm đến thị trường này. Quay ngược lại thời điểm cách đây bốn năm, Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao) đã nhìn thấy những cơ hội, tiềm năng rất lớn từ thị trường Halal. Tuy nhiên, thời điểm ấy, Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm và có nhiều hiểu biết về thị trường.
Tôi còn nhớ, khi đưa ra ý tưởng về câu chuyện Halal, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lúc đó còn là Thứ trưởng Thường trực phụ trách về ngoại giao kinh tế, đã rất ủng hộ và quyết tâm biến câu chuyện này thành hiện thực. Những phác thảo ban đầu làm sao để phát triển ngành công nghiệp Halal, tổ chức các sự kiện phổ biến kiến thức, chia sẻ thông tin về thị trường Halal… đều do phía Bộ Ngoại giao đề xuất, khởi xướng.
Nhìn thấy cơ hội đầy triển vọng và hứa hẹn của ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm Việt Nam nếu khai thác tốt thị trường Halal, Bộ Ngoại giao đã sớm làm việc cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để cùng phối hợp triển khai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đồng thuận, tích cực hưởng ứng, dần hình thành nên một chiến lược quốc gia cho ngành công nghiệp Halal.
Thời gian tới, câu chuyện này sẽ tiếp tục được phát triển hơn nữa, không chỉ dừng lại ở ngành công nghiệp thực phẩm, ngành nông nghiệp mà sẽ mở ra cánh cửa cho nhiều ngành nghề khác như mỹ phẩm, làm đẹp, dược phẩm, du lịch... Đơn cử như ngành du lịch có thể khơi “mỏ vàng” du lịch Halal với dân số theo đạo Hồi rất lớn (chiếm gần một phần tư dân số thế giới). Muốn thu hút người của thế giới đạo Hồi, chúng ta phải có thực phẩm Halal, sản phẩm tiêu dùng Halal, khách sạn theo phong cách Halal… để tạo thuận lợi cho du khách khi đến với Việt Nam.
Trong phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp Halal. Sắp tới, câu chuyện Halal sẽ không chỉ là câu chuyện riêng của Bộ Ngoại giao mà sẽ trở thành câu chuyện của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành, từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… cho đến các địa phương.
Câu chuyện thành công của Halal sẽ là nguồn cảm hứng cho chúng ta tiếp tục phát triển những sáng kiến, câu chuyện tương tự. Dù ban đầu ý tưởng có thể xa vời, ít người quan tâm đến nhưng nếu chỉ cần nhìn thấy tính thiết thực, tiềm năng và triển vọng, chúng ta cần phải quyết tâm và dấn thân.
Cũng từ câu chuyện của ngành công nghiệp Halal, tôi cho rằng ngành ngoại giao cần tiếp tục sớm nhận diện những yếu tố mới của thị trường, tìm hiểu về kinh tế xã hội các nước, từ đó mạnh dạn khởi xướng ý tưởng, tiên phong đi đầu, tập hợp sự quan tâm của các bộ, ngành để dẫn dắt, phát triển trở thành một chiến lược quốc gia.
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng
Thị trường rất mới và nhiều cơ hội
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. |
Thị trường Halal rất mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường rất lớn, giàu tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Năm 2025, thị trường sản phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt quy mô hơn 7.000 tỷ USD và có cơ hội tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2027. Nhóm dân số đạo Hồi cũng đang tăng rất nhanh so với các nhóm dân số khác, dân số chính là người tiêu dùng, điều này sẽ góp phần làm tăng sức hút của thị trường.
Việt Nam đứng trước rất nhiều cơ hội. Cơ hội lớn nhất đến từ thị trường Halal rộng lớn, không chỉ là thị trường tiêu dùng, mà còn bao gồm nhiều thị trường khác như thực phẩm, du lịch, dược phẩm, tài chính Halal… Cơ hội thứ hai, gần đây Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành của ta cũng đang quan tâm nhiều hơn đến khu vực Trung Đông - châu Phi và thị trường Halal. Một khi có sự quan tâm thì chắc chắn sẽ có quyết tâm khai phá thị trường này.
Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” do Bộ Ngoại giao chủ trì và nhận được sự phối hợp với các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và hiệp hội… mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Đề án đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam một cách toàn diện, giúp các doanh nghiệp ta tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.
Cơ hội thứ ba là bản thân các nhà xuất nhập khẩu Saudi Arabia nói riêng và khu vực Trung Đông – châu Phi nói chung đều đang rất hứng thú với các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. Saudi Arabia cũng là một trong những thị trường lớn nhất khu vực Trung Đông, có nhu cầu lớn đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm… Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực Halal là rất lớn.
Về thách thức, hiện doanh nghiệp Việt Nam nắm thông tin vẫn chưa đầy đủ, chưa thực sự ưu tiên thị trường Trung Đông. Chúng ta nghĩ chỉ cần thị trường châu Âu, châu Mỹ là đủ trong khi lại bỏ ngỏ thị trường Halal dù còn nhiều tiềm năng. Ngay cả tại thị trường Halal, các sản phẩm của chúng ta cũng đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các “đối thủ” như Thái Lan, Malaysia…
Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai phá thị trường Halal. Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ chi phí để sang tận Saudi Arabia xúc tiến thương mại nên chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp, cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp về thị trường. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất những thông tin mà Đại sứ quán có thể hỗ trợ.
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato Tan Yang Thai
Tự tin thâm nhập thị trường toàn cầu
Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato Tan Yang Thai. |
Các thực phẩm, sản phẩm đạt chất lượng an toàn và được chứng nhận Halal là niềm tin cho người tiêu dùng Hồi giáo. Chứng nhận Halal được thực hiện bởi các cơ quan chứng nhận Halal độc lập, có đủ điều kiện và người kiểm tra, xác minh, xác nhận các nguồn, thành phần, quy trình và cơ sở liên quan đến việc sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ Halal.
Việc chứng nhận Halal cũng liên quan đến dán nhãn và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ với logo hoặc biểu tượng của Halal dễ được nhận biết. Chứng nhận Halal đem lại rất nhiều lợi ích cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đối với nhà sản xuất, chứng nhận Halal giúp tăng thị phần và sự trung thành của khách hàng, danh tiếng, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh. Đối với người tiêu dùng, chứng nhận Halal có thể bảo vệ quyền về tôn giáo, lợi ích về sức khỏe và lựa chọn của họ. Chứng nhận Halal cũng thúc đẩy sự tin tưởng, minh bạch, trách nhiệm giải trình giữa các quyền liên quan trong ngành công nghiệp Halal.
Halal gắn liền với tôn giáo và thực hành tôn giáo nên khá khó để các doanh nghiệp Việt Nam - một đất nước không theo đạo Hồi nếu muốn tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, Australia là ví dụ về một quốc gia không theo đạo Hồi, nhưng đã phát triển hiệu quả ngành công nghiệp Halal, vì vậy tôi mong muốn Việt Nam an tâm, tự tin phát triển ngành công nghiệp này.
Tôi được biết, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) và Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn Halal cho Việt Nam và đang nỗ lực tham gia cùng các đối tác quốc tế liên quan để bảo đảm chứng nhận Halal do các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp được công nhận trên toàn cầu. Điều này vô cùng quan trọng đối với nhà sản xuất, xuất khẩu trong nước để họ có thể thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Đây sẽ cơ hội rất tốt cho một quốc gia không theo đạo Hồi như Việt Nam.