Lễ cắt băng khai trương trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Athens, tháng 9/2011. |
Năm 2010, thực hiện thoả thuận cấp cao giữa hai nước, một đoàn tiền trạm gồm ba thành viên, do Đại biện Vũ Bình dẫn đầu đã đến Athens tháng 12/2010 để tiến hành toàn bộ thủ tục ngoại giao, pháp lý, hành chính... cho việc mở một Đại sứ quán với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan đại diện ngoại giao cấp Đại sứ.
Một tuần sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp chính thức ra đời. Theo ông Vũ Bình: "Đó chỉ là khởi đầu của vô vàn khó khăn trước mắt!"
Lửa thử vàng trên đất Athens
Trước khi lên đường tới Athens, dù đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, thông tin, đầu mối liên lạc với các bộ, ngành Hy Lạp, nhưng với nhiệm vụ là những người đầu tiên đi mở cơ quan đại diện, đoàn tiền trạm vẫn gặp nhiều khó khăn, từ việc tìm kiếm nơi ở tạm cho Đoàn và văn phòng làm việc, đến các thủ tục mở cơ quan đại diện.
Với chủ trương tiết kiệm tối đa, ông Bình nhận thấy chỉ cần một căn hộ hai tầng cũng đủ làm trụ sở tạm thời cho Đại sứ quán. Vì ở xa trung tâm nên trong những ngày đầu đi liên hệ công việc, có lần cả ba thành viên trong đoàn đã phải cuốc bộ vài km dưới mưa tuyết để về trụ sở chỉ vì không thể bắt nổi taxi.
Ông Vũ Bình nhớ lại: "Tám tháng sau, chúng tôi tìm được một địa điểm mới, gần trung tâm, đáp ứng đầy đủ công năng của một đại sứ quán. Đây trở thành trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp từ đó cho đến nay".
Các thủ tục hành chính, ngoại giao,... cho Đại sứ quán chỉ là phần công việc ban đầu của nhóm tiền trạm. Các nhiệm vụ dài hơi hơn chính là thúc đẩy hợp tác mọi mặt, đặc biệt là khi con số hợp tác đầu tư vẫn đang ở vạch xuất phát.
Một trong những nhiệm vụ khác của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài là tập hợp bà con người Việt ở nước sở tại cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên ở nước sở tại. Nhưng khác với các nước khác, cộng đồng người Việt tại Hy Lạp khá phức tạp, với nhiều thành phần và quan điểm chính trị khác nhau. Tại đây cũng chưa có hội đoàn người Việt nào ngoài Hội Hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam, do ông Kostas cùng một số người Việt tham gia sáng lập, với thành viên chỉ toàn người Việt.
Sau khi tạm thời ổn định công tác về mọi mặt cho Đại sứ quán, cuối tháng 1/2011, Đại biện Vũ Bình trở lại Việt Nam để nhận quyết định trở thành Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp. Đến tháng 4/2011, khi trở lại Hy Lạp và trình Quốc thư lên Tổng thống nước này, ông trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại đây.
“Chủ trương” xây dựng mối quan hệ
Các nhà ngoại giao tiền bối thường nói, làm ngoại giao phải có bạn. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ mở sứ quán ở Hy Lạp, một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, ông Vũ Bình xác định việc nhanh chóng xây dựng các mối quan hệ ở nước sở tại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ nỗ lực của bản thân và tinh thần thiện chí của người làm công tác đối ngoại, hết nhiệm kỳ tại đây, Đại sứ Vũ Bình đã xây dựng được con số đáng nể các đầu mối quan hệ thân thiết phục vụ cho công việc.
Ở Hy Lạp, theo thông lệ, giới truyền thông không quan tâm đến bữa tiệc Quốc khánh của các nước, tuy nhiên có mối quan tâm riêng tới Việt Nam. Ông Vũ Bình kể lại: "Trưởng cơ quan đại diện các nước hỏi tôi: "Ông làm thế nào mà tài thế, lần nào Việt Nam tổ chức Quốc khánh cũng thấy báo chí Hy Lạp đến đưa tin, phỏng vấn?". Tôi trả lời: "Báo chí luôn quan tâm đến các câu chuyện và chúng tôi luôn có câu chuyện cho họ".
Từng bước một, ông Vũ Bình cùng các đồng nghiệp đi vận động thành lập Hội đồng Doanh nhân Hy Lạp tại Việt Nam, tiến hành kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động của Hội Hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam và thành lập Phân hội người Việt trực thuộc Hội Hữu nghị. Ông cũng chủ động gần gũi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, giải thích cho bà con về chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời thiết lập quan hệ tốt với những người có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng...
“Chúng ta đã nhầm khi không gặp ông ấy"
Trong nhiệm kỳ Đại sứ của ông Vũ Bình tại Hy Lạp, có một nhân vật kiều bào để lại trong ông ấn tượng sâu sắc nhất. Đó là một vị thẩm phán từng làm việc cho toà án tối cao của chính quyền Sài Gòn, người có tư tưởng "chống Cộng" ra mặt nhưng lại rất có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Hy Lạp.
Trước khi sang Hy Lạp, vị thẩm phán này từng bị quản thúc trong trại cải tạo một thời gian nên có nhiều mặc cảm với trong nước. Vì thế, dù Đại sứ Vũ Bình nhiều lần muốn gặp nhưng ông ta đều từ chối.
Đến cuối 2012, bà vợ ông thẩm phán qua đời, Đại sứ Vũ Bình đến viếng với tư cách là một người Việt sống tại Hy Lạp. Trước linh cữu vợ, ông thẩm phán nói: "Cách đây mấy hôm, bà ấy đã nói với tôi rằng, chúng ta đã nhầm! Đáng lẽ chúng ta nên đáp lại thiện chí của ông Đại sứ. Ông ấy là người thực sự chân thành trong việc đoàn kết bà con người Việt tại đây. Ông ấy muốn kéo chúng ta về với quê hương. Chúng ta đã nhầm khi không gặp ông ấy".
Ông thẩm phán nói thêm: "Hôm nay, ông Đại sứ đến đây, dù với tư cách nào thì bà nhà tôi cũng đã thoả ước nguyện là được gặp ông".
Từ đó trở đi, bất kỳ hoạt động nào do sứ quán tổ chức, gia đình vị thẩm phán đều ủng hộ nhiệt tình. Trước khi Đại sứ Vũ Bình kết thúc nhiệm kỳ, vị thẩm phán mang đến tặng ông một món quà quý. Đó một bộ sưu tập tem Việt Nam gồm hai quyển lớn. Ông ta nói: "Chỉ có ông Đại sứ là người xứng đáng để giữ bộ tem này. Giờ tôi có thể nhắm mắt được rồi vì tôi đã tìm được người xứng đáng để giữ nó".
Đại sứ Vũ Bình kể: "Vị thẩm phán này "chống Cộng", nhưng rất nhiều trong số những con tem đầu tiên mà ông ta sưu tầm là tem về Bác Hồ".
Đơn hàng đóng tàu đầu tiên Chúc mừng ban chấp hành mới của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp.
Một trong những dấu ấn đặc biệt trong nhiệm kỳ công tác của Đại sứ Vũ Bình tại Hy Lạp, có thể kể đến việc kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng gấp hơn ba lần sau ba năm, từ 2011-2014. Sau khi Hội đồng Kinh doanh Hy Lạp-Việt Nam được thành lập, đầu tư song phương đang từ con số không đã đạt 250 triệu USD nhờ có tám đơn hàng đóng tàu từ Hy Lạp. Quan trọng hơn, các đơn hàng được ký kết đúng lúc ngành đóng tàu Việt Nam đang gặp khó khăn.
Cũng trong thời gian này, bất chấp chính sách thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp do khủng hoảng tài chính, xuất khẩu của Việt Nam vào Hy Lạp vẫn tăng đối với tất cả mặt hàng truyền thống. Ông Vũ Bình chia sẻ: "Doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp đúng mặt hàng vừa có chất lượng cao, giá cả lại phải chăng mà phía bạn cần. Chẳng hạn như Hy Lạp là nước xuất khẩu hải sản nhưng vẫn nhập cá basa của Việt Nam do chất lượng tốt mà giá lại rất rẻ".
Dường như, với vị Đại sứ này, nhiệm kỳ ba năm dường như còn quá ngắn ngủi với những mong muốn, dự định mà ông có thể đóng góp để thúc đẩy cho quan hệ Việt Nam và Hy Lạp về mọi mặt.
Ông bảo: "Hy Lạp là một cường quốc số một thế giới về hàng hải với đội tàu có tổng trọng tải gần 165 triệu tấn. Các quốc gia muốn phát triển đều cần có tầm nhìn đại dương. Tất cả các nước phát triển trên thế giới hiện nay đều là các quốc gia đại dương... Vì thế, nếu chúng ta hợp tác thành công với bạn trong các lĩnh vực liên quan đến hàng hải thì chúng ta sẽ làm được rất nhiều, nhất là những việc lớn".
Khánh Nguyễn