Trước thềm Năm mới 2019, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ với TG&VN về những kỳ vọng của ông về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Chỉ trong hai tuần, nhưng đã có tới ba chương trình roadshow về du lịch tại hai thành phố của Ấn Độ. Đại sứ muốn gửi thông điệp gì qua các hoạt động quảng bá liên tiếp này?
Thông điệp lớn nhất là các bạn Ấn Độ hãy đến với Việt Nam bởi Việt Nam là điểm đến rất mới đối với tất cả các bạn. Đại đa số du khách Ấn Độ đã đi tới rất nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Singapore... Chúng tôi mong Việt Nam sẽ là điểm đến mới đối với các du khách Ấn cùng với sự bảo đảm rằng những kì nghỉ của du khách Ấn Độ tại Việt Nam cũng thú vị như ở bất kỳ điểm đến nào trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Phạm Sanh Châu thích được gọi là “người bán dịch vụ du lịch Việt Nam” tại Ấn Độ. |
Trong năm 2018, Đại sứ quán đã tổ chức 5 chương trình roadshow. Điều này đã tạo ra sự nhận biết đúng hơn về thị trường du lịch tiềm năng của Việt Nam. Đây là những hoạt động cần thiết, góp phần từng bước thay đổi nhận thức của người Ấn Độ về du lịch Việt Nam. Một số bạn bè quốc tế chia sẻ với tôi khi họ tham dự một số hội chợ du lịch ở châu Âu rằng, nhiều gian hàng Việt Nam cho biết Ấn Độ vẫn chưa vào "tầm ngắm" của Việt Nam. Việt Nam chưa chú trọng đến thị trường Ấn Độ mà chủ yếu tập trung vào khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại và đưa ra thông điệp rằng Ấn Độ đang vào tầm ngắm của du lịch Việt Nam và chúng tôi sẽ làm tất cả để các bạn Ấn Độ đến với Việt Nam.
Với những mong muốn đó, Đại sứ đã và đang mang Việt Nam gần lại hơn với người dân sở tại thế nào?
Thứ nhất, tôi muốn giới thiệu Việt Nam là đất nước có rất nhiều cảnh đẹp, với bờ biển cát trắng, núi non hữu tình, nhiều điểm du lịch đã thành danh như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Đồng bằng sông Cửu Long… Hẳn nhiều du khách không còn xa lạ với những cái tên như Sa Pa, Bà Nà Hill,
Đà Lạt…
Thứ hai, người dân Việt Nam rất mến khách và Việt Nam là một đất nước an toàn. Đặc biệt, hai nước có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa như sự cởi mở, thân thiện, hiếu khách.
Thứ ba, Việt Nam sẽ dành cho các du khách Ấn những điều mà họ đang cần. Hiện ở Việt Nam đã có nhiều nhà hàng Ấn giúp du khách có thể thưởng thức những món ăn quê hương trên đất Việt, có nhiều trung tâm thương mại và cả những địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng đáp ứng nhu cầu đi du lịch, nghỉ ngơi và mua sắm. Hiện nay, người Ấn trong độ tuổi từ 25-55 tuổi rất thích đi khám phá nhiều nơi để tìm kiếm sự khác biệt. Việt Nam là một địa điểm có sự khác biệt rất lớn so với các nước trong khu vực khi hội tụ cả văn hóa Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Thứ tư, các bạn Ấn Độ có thể tìm đến Việt Nam như một địa điểm tổ chức tiệc cưới, hội nghị và các giải golf. Một tin vui là vào tháng 3/2019 sẽ có một “đại gia” Ấn Độ tổ chức đám cưới cho con ở Phú Quốc với hơn 600 khách mời là các triệu phú. Họ đã thuê 3 máy bay chuyên cơ của một hãng hàng không của Việt Nam để chở khách đến Phú Quốc. Điều này sẽ mở ra triển vọng Việt Nam trở thành điểm đến cho các cặp đôi muốn có những đám cưới đáng nhớ ở những bãi biển thơ mộng.
Đâu là những điều kiện để thu hút du khách Ấn Độ đến Việt Nam hơn nữa, thưa Đại sứ?
Trước tiên, chúng ta cần phải có là đường bay thẳng - yếu tố rất quan trọng để thu hút du khách. Tôi đề nghị Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng trong nước sớm thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước để hướng đến sự bùng nổ khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn rất nhiều người Ấn hiểu chưa đúng về Việt Nam khi nghĩ đất nước hình chữ S này vẫn còn nghèo và đang còn chiến tranh. Vì vậy, công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt đến với người dân Ấn Độ cũng rất cần thiết.
Tiếp đến, Việt Nam cần xác định các danh thắng mục tiêu cho du khách Ấn Độ. Họ có thể thích đến Hạ Long hay Đà Nẵng. Chuyến thăm Đà Nẵng và thăm khu di tích Mỹ Sơn vừa qua của Tổng thống Ấn Độ dường như đã tạo ra một hiệu ứng tích cực, thu hút du khách Ấn Độ đến với Đà Nẵng. Họ thích những bãi biển đẹp và những địa điểm du lịch có ảnh hưởng của văn hóa Ấn.
Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác gắn kết các nhà đầu tư. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẵn sàng quảng bá du lịch Việt Nam bất cứ khi nào có dịp. Du khách Ấn luôn sẵn sàng chi tiêu, mua sắm khi du lịch. Đây rõ ràng là một thị trường du khách tiềm năng. Hiện mới chỉ có gần 100.000 du khách Ấn Độ lựa chọn điểm đến Việt Nam. Thời gian tới, chúng ta cần hướng tới con số hơn 300.000 người.
Sau ba tháng ở Ấn Độ, Đại sứ nhận thấy thấy điểm gì khác biệt, hấp dẫn ở quốc gia này mà du khách Việt Nam chưa khám phá ra?
Với tôi, mỗi ngày ở Ấn Độ là một trải nghiệm thú vị. Tôi chắc chắn rất nhiều người Việt Nam, kể cả người hay sang Ấn Độ, đều chưa có dịp hiểu hết về đất nước thú vị này. Tôi nghĩ lợi thế rõ ràng nhất của Ấn Độ là du lịch tâm linh. Người Việt Nam nào theo đạo Phật đều muốn qua nơi mà Đức Phật đắc đạo, đi thăm chùa chiền. Bên cạnh đó, những công trình văn hóa Ấn Độ cũng rất đồ sộ. Ấn Độ có hơn 50 di sản văn hóa được UNESCO công nhận như đền Taj Mahal, thành Đỏ...
Ấn Độ còn là nơi dành cho những ai ưa mạo hiểm, sáng tạo, muốn nghiên cứu về tôn giáo, sắc tộc, muốn chứng kiến sự đa dạng của tạo hóa. Ấn Độ có những nơi rất đẹp như sa mạc hay khu trượt tuyết. Là người trải nghiệm, đi nhiều nơi, tôi tin rằng, đất nước này còn vô số điều thú vị, mới mẻ và độc đáo khác. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết mình đang chờ đợi điều gì và sẵn sàng chuẩn bị để không “sốc” văn hóa.
Được biết đến là “Đại sứ di sản” nhưng hiện nay có nhiều người nhắc tới ông là Đại sứ du lịch? Ông nghĩ gì về hai danh hiệu này?
Tôi nhận thấy hai danh hiệu này giống nhau. Di sản văn hóa cũng cùng là du lịch. Di sản là để bảo tồn song đồng thời cũng cần phát huy để thu hút nhiều du khách đến hơn, nâng cao đời sống kinh tế của những người sống trong khu vực đó.
Hiện nay, tôi cảm thấy mình là người quảng bá đất nước rất tốt. Tôi thích thương hiệu như một người “bán hàng”, người quảng bá Việt Nam, hay nói thực tế hơn là người “bán” dịch vụ du lịch Việt Nam.
Với tư cách là người đại diện cho đất nước Việt Nam ở Ấn Độ, tôi sẵn sàng nhận thương hiệu đó và sẽ làm hết sức mình. Trong suốt ba tháng qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động quảng bá du lịch. Thời gian tới, chúng tôi không chỉ quảng bá Việt Nam là một điểm đến cho các cặp đôi đám cưới mà còn là điểm đến cho những “golfer”. Trong tất cả các hoạt động, tôi luôn luôn quảng bá và tạo điều kiện cho du khách được tiếp cận và giải quyết các thủ tục như visa, hàng không và dần dần quảng bá nhiều hơn về ẩm thực Việt.
Xin cảm ơn Đại sứ !