Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira bên lề Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD tại Pháp tháng 6/2023. (Nguồn: VGP) |
Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira đối với quan hệ song phương?
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira lần này là dấu hiệu rất tích cực cho thấy sự phát triển của quan hệ ngoại giao giữa Brazil và Việt Nam trong ba thập kỷ qua, đúng vào dịp 2 nước kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Vieira có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ song phương, phản ánh mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ giữa Brazil và Việt Nam dựa trên đối thoại tích cực, minh bạch, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác lâu dài.
Tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Brazil, tiếp sau đó là các phái đoàn thuộc chính phủ và khu vực tư nhân. Chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo quan trọng của Việt Nam sau 15 năm và đang cho thấy nhiều “trái ngọt”.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Vieira lần này là sự tiếp nối chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Tổng thống Lula da Silva, đáp lại lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Vieira sẽ cùng các lãnh đạo Việt Nam đánh giá lại quá trình hợp tác song phương như trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, quốc phòng, chuyển đổi năng lượng, chất bán dẫn và trao đổi văn hóa. Ngoài ra, chính quyền hai nước sẽ đánh giá sự phối hợp trong các diễn đàn đa phương.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Mauro Vieira sẽ chủ trì Hội thảo “Đối thoại về Ethanol” do Chính phủ Brazil, Hiệp hội Công nghiệp Mía đường Brazil (UNICA) và Giải pháp Năng lượng Sinh học Mía đường Brazil (APLA) tài trợ, diễn ra vào ngày 10/4 tại khách sạn Melia.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia, tổ chức quốc tế, tập trung thảo luận về tầm quan trọng của ethanol như một nguồn năng lượng sạch, hiệu quả, góp phần giảm lượng khí thải CO2. Bên cạnh đó, Brazil sẽ chia sẻ kinh nghiệm thành công và sự đi đầu của Brazil trong quỹ đạo chuyển đổi năng lượng.
Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Mỹ Latinh. Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên trong thời gian tới và triển vọng khởi động đàm phán FTA Việt Nam-Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur)?
Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia rất kiên cường khi phải đối mặt với những thách thức do khủng hoảng hậu đại dịch Covid-19 gây ra. Giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng bị tác động bởi tình hình kinh tế quốc tế cũng như những trở ngại về thương mại và kết nối do những hạn chế về địa chính trị.
Ngay cả khi đối mặt với tất cả những thách thức này, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,1%, đời sống của người dân được cải thiện, theo đuổi mục tiêu thu nhập trung bình cao, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và trở thành trung tâm công nghệ quan trọng ở châu Á.
Về phần mình, Brazil cũng đã từng bước vượt qua được những khó khăn do bất ổn toàn cầu gây ra. Nền kinh tế Brazil đang phát triển, trở thành một mô hình phát triển năng lượng xanh và nguồn đảm bảo an ninh lương thực quan trọng trên thế giới.
Việt Nam và Brazil có đặc điểm là ổn định chính trị, đây là những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thương mại bùng nổ. Còn rất nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng như công nghệ và nông nghiệp xanh. Cả hai nước có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới, có tầm quan trọng sống còn trong những năm tới.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil, triển vọng quan hệ giữa Mercosur và Việt Nam đã được thảo luận và Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh ý tưởng đưa Mercosur đến gần hơn với các nước châu Á, nơi có dư địa cho thương mại ngày càng phát triển.
Mercosur là thị trường tiềm năng với khoảng hơn 300 triệu người tiêu dùng và ASEAN thậm chí còn là thị trường lớn hơn với gần 650 triệu người tiêu dùng tiềm năng. Chủ đề này đã được đưa ra bàn thảo và chính phủ Brazil nhìn nhận theo hướng tích cực về cách tiếp cận của Việt Nam.
Với tư cách là Chủ tịch G20 năm 2024, Brazil có những ưu tiên quan trọng nào trong việc hỗ trợ và phát huy vai trò của các nền kinh tế đang phát triển?
Chính phủ Brazil đánh giá cao tầm quan trọng đặc biệt của G20 như một diễn đàn nhằm nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho nhu cầu của thế giới và giải quyết vô số thách thức trong chương trình nghị sự toàn cầu. G20 đóng một vai trò quan trọng và có ảnh hưởng do quy mô dân số kết hợp với GDP của các quốc gia liên quan.
Năm nay, vai trò Chủ tịch G20 của Brazil đã xác định các ưu tiên sau: Hòa nhập xã hội và đấu tranh chống đói nghèo; chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững; cải cách thể chế và quản trị toàn cầu.
Ba sáng kiến chính đã được đưa ra, bao gồm: Liên minh toàn cầu chống đói nghèo; huy động toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu và lần đầu tiên, một cuộc họp cấp cao G20 mở rộng cho sự tham gia của tất cả các thành viên Liên hợp quốc, như một nỗ lực bao trùm toàn diện. Ý tưởng chính của Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là thúc đẩy các cuộc tranh luận về cải cách quản trị toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Nhóm họp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp G20 vào tháng 9 và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ tham dự Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.
Tôi hy vọng rằng G20 sẽ là một thời điểm tuyệt vời để Việt Nam và Brazil củng cố quan điểm về hàng loạt vấn đề quan trọng đối với tương lai toàn cầu và quan trọng nhất là vì hạnh phúc của người dân trên trái đất. Tôi chắc chắn rằng sự tham gia của Việt Nam trong các sự kiện sắp tới sẽ đóng góp tích cực cho đối thoại về các vấn đề quan trọng của chương trình nghị sự Nam bán cầu.