Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store bên lề Hội nghị COP28 tại UAE ngày 1/12/2023. (Nguồn: VGP) |
Thưa Đại sứ, Việt Nam và Na Uy là đối tác tin cậy trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế xanh, năng lượng xanh. Từ góc độ quan hệ Việt Nam-Na Uy, bà có thể nói gì về kết quả lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vừa qua tại Dubai?
Trước hết, xin chúc mừng Việt Nam đã công bố Kế hoạch Huy động hguồn lực cho cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 vừa diễn ra rại Dubai. Đây là một bước quan trọng để hiện thực hóa các cam kết trong khuôn khổ văn kiện quan trọng này. Đây cũng là một minh chứng mạnh mẽ cho cam kết và hành động táo bạo của Việt Nam đối với cam kết phát thải ròng bằng 0. Na Uy cam kết hợp tác chặt chẽ với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) của JETP và chính phủ Việt Nam để thúc đẩy chương trình này.
"Tôi cho rằng các giải pháp khí hậu gắn với đại dương sẽ là một trong những nội dung quan trọng chiếm ưu thế trong quan hệ hợp tác song phương của chúng ta". |
Tại COP28, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đã gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng Jonas Gahr Støre đánh giá cao chuyến thăm Na Uy gần đây của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, coi đó là một xung lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hai Thủ tướng đã trao đổi một số vấn đề và nhất trí tăng cường quan hệ giữa hai nước trong một số lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, kinh tế xanh và thúc đẩy thương mại.
Việt Nam và Na Uy đều có đường bờ biển dài và tiềm năng phát triển kinh tế xanh là rất lớn. Tôi cho rằng các giải pháp khí hậu gắn với đại dương sẽ là một trong những nội dung quan trọng chiếm ưu thế trong quan hệ hợp tác song phương của chúng ta. Na Uy sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình về chương trình nghị sự xanh và xây dựng khung thể chế cho điện gió ngoài khơi, song song với đó là các khoản đầu tư và công nghệ cao đến từ các công ty Na Uy.
Hai nước đã và đang phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong các lĩnh vực này. Chúng tôi đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng quy hoạch không gian biển thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong quản lý tích hợp đại dương cũng như huy động sự tham gia của khối tư nhân. Các đơn vị liên quan của hai nước đã và đang trao đổi cụ thể với nhau.
Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Na Uy là Equinor mới đây cũng đã sửa đổi lại Biên bản ghi nhớ của mình với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PetroVietnam để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, thu giữ, lưu trữ các bon, và các giải pháp phát thải thấp.
Tôi rất vui mừng được biết ông Anders Opedal, Tổng giám đốc điều hành Equinor cùng Tổng giám đốc PetroVietnam đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ COP28. Ông Anders Opedal đã khẳng định lại với Thủ tướng sự sẵn sàng và quyết tâm của Equinor trong việc đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với PetroVietnam để phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
COP28 là một trong những COP lớn nhất từ trước tới nay. Và giờ, chúng ta cần tập trung hành động để hiện thực hóa các cam kết khí hậu của mình. Như Thủ tướng Na Uy đã nói "hiện chúng ta đang ở giữa Hiệp định Paris và năm 2030. Hãy cùng nhau đảm bảo COP28 kết thúc với một lộ trình hướng tới mục tiêu 1.5 và khả năng phục hồi khí hậu. Không còn thời gian để mất nữa".
Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken chia sẻ với phóng viên về nỗ lực chuyển đổi xanh của Việt Nam. (Ảnh: KT) |
Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách về chuyển đổi năng lượng, trong đó có các chính sách ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực này của Việt Nam?
Việt Nam đang rất tích cực trong việc thực hiện những cam kết của mình hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh và net zero của mình. Na Uy hoan ngênh cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam cũng như chúng tôi đánh giá cao thỏa thuận JETP Việt Nam ký kết với các nước G7, Na Uy và Đan Mạch vào năm ngoái. Các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng chỉ có thể hiện thực hóa được nhờ quan hệ đối tác hiệu quả và mạnh mẽ.
Xin được điểm lại những kết quả mà Việt Nam đã làm trong hơn một năm qua: Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện quốc gia gọi tắt là Quy hoạch điện VIII, đề ra lộ trình chuyển đổi sang năng lượng xanh cho Việt Nam.
Việt Nam cũng đã thành lập Ban thư ký thực hiện JETP. Vấn đề này đã được luật hóa và hiện nay nhiều bộ ngành cũng đang xem xét kế hoạch hành động và những chính sách cần ban hành để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện chuyển đổi năng lượng. Và mới đây là Kế hoạch huy động nguồn lực cho JETP do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố tại COP28.
Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt cho COP28 lần này. Kế hoạch huy động nguồn lực là bước quan trọng đầu tiên để thực thi JETP. Trong Thông cáo báo chí chung của IDG, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đã nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc hoàn tất Kế hoạch huy động nguồn lực cho JETP của Việt Nam. Giờ chúng ta có thể tập trung thực hiện. Na Uy sẵn sàng đóng góp bằng các khoản đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuyên môn của mình”.
Hiện có hàng trăm dự án tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế đang được phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên thị trường carbon ở Việt Nam vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Theo bà, có thể làm gì để đẩy nhanh quá trình này?
Trước tiên, tôi xin chúc mừng những nỗ lực của Việt Nam, các cơ quan cũng và các bên liên quan trong việc tạo ra tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon đồng nghĩa với việc giảm phát thải và tạo ra giá trị. Đây là một tín hiệu tốt vì khi thị trường có nhu cầu, đó sẽ là động lực để phát triển và tăng trưởng.
Phát triển thị trường carbon là một công cụ hữu hiệu mà hơn 70 quốc gia trên thế giới đang sử dụng để thực hiện các quy định trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thị trường carbon khá phức tạp, nhưng để hiểu về nó, bạn có thể coi đây như một thị trường chứng khoán. Để đảm bảo một thị trường minh bạch, hiệu quả, phản ánh chính xác mức độ giảm phát thải thực tế, chúng ta cần có một khung pháp lý phù hợp, được theo dõi và giám sát chặt chẽ, liên tục.
Chúng tôi vui mừng nhận thấy Việt Nam đã có lộ trình đẩy mạnh phát triển thị trường carbon hoàn chỉnh vào năm 2028. Tiếp cận từng bước là cách làm thông minh. Bắt đầu bằng việc tập trung xây dựng các quy định, chính sách làm nền tảng cho thị trường vận hành, tiếp đó là hình thành và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam và tiến tới vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028. Đây cũng là con đường phát triển thị trường carbon của nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường carbon. Đây không phải là vấn đề mới với các bạn. Thực tế, tín chỉ carbon đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm nay, khi Việt Nam là một trong những quốc gia triển khai mạnh mẽ nhất các Dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM). Đồng thời, Việt Nam đã thực hiện cơ chế Chi trả dịch vụ môi trường rừng trong nhiều năm.
Ở Na Uy, ngoài tín chỉ carbon, chúng tôi còn sử dụng một công cụ tài chính khác là thuế nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, khi bạn mua một chiếc ô tô mới ở Na Uy, khoản thuế mà bạn phải đóng phụ thuộc vào việc xe đó chạy bằng dầu hay bằng điện. Đối với xe điện, thuế rất thấp thậm chí có thể bằng 0 trong khi xe chạy dầu/xăng phải trả thuế rất cao. |
Cũng phải nhấn mạnh rằng, thị trường carbon là một trong những công cụ chính sách cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Ở Na Uy, ngoài tín chỉ carbon, chúng tôi còn sử dụng một công cụ tài chính khác là thuế nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, khi bạn mua một chiếc ô tô mới ở Na Uy, khoản thuế mà bạn phải đóng phụ thuộc vào việc xe đó chạy bằng dầu hay bằng điện. Đối với xe điện, thuế rất thấp thậm chí có thể bằng 0 trong khi xe chạy dầu/xăng phải trả thuế rất cao.
Na Uy đang trở thành thị trường thành công nhất của ngành xe điện. (Nguồn: Flick) |
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đóng vai trò như là động lực chính cho tăng trưởng năng lượng tái tạo ở khu vực ASEAN. Theo bà, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để thực hiện được mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050?
Trước hết phải nói rằng, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, và nhiều nước trên thế giới trong đó có Na Uy đang thực hiện những lộ trình chuyển đổi xanh của riêng mình. Mỗi quốc gia sẽ biết rõ nhất mục tiêu của mình là gì và những gì là quan trọng trong bối cảnh của quốc gia mình.
Với những thuận lợi về vị trí địa lý, Việt Nam rất có tiềm năng trong việc phát triển và sản xuất năng lượng tái tạo. Đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào, là những tiền đề tốt cho phát triển điện gió xa bờ tại Việt Nam cũng như biến Việt Nam thành quốc gia đi đầu khu vực về năng lượng tái tạo.
Là một trong những quốc gia tiên phong thế giới về năng lượng tái tạo, Na Uy xin chia sẻ một bài học có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo tính thành công của chúng tôi đó là Đối thoại cởi mở và xây dựng giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan trong đó có cả các tổ chức phi chính phủ.
Việc lắng nghe ý kiến của người dân cũng như của các tổ chức liên quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo tính bền vững và lâu dài của các chính sách, quy định cũng như bất cứ khoản đầu tư nào cho năng lượng tái tạo. Hy vọng, kinh nghiệm này có thể hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.
Việt Nam đã nhận diện được rất rõ những thách thức trước mắt của mình trong quá trình này. Chúng tôi đánh giá cao việc các bạn đang chú trọng củng cố khung thể chế hiện hành, xây dựng mới hoặc sửa đổi các quy định cho phù hợp. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn vào cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo. Tôi cho rằng đây là bước đi đúng đắn.
Kết thúc năm 2023, bà có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình?
Năm 2023 đánh dấu nhiều hoạt động quan trọng trong quan hệ song phương Na Uy Việt Nam. Bắt đầu là chuyến thăm Việt Nam đầu năm của Quốc vụ khanh Na Uy Erling Rimestad và phiên Tham vấn chính trị cấp thứ trưởng lần thứ 9 giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam-Na Uy, và cuối năm là chuyến thăm chính thức Na Uy của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Giữa đó, là hàng loạt chuyến thăm làm việc của các cơ quan Quốc hội và Chính phủ cũng như doanh nghiệp hai nước, trong đó phải kể tới chuyến thăm Na Uy của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Biển và Hải đảo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyến công tác tại Việt Nam của Tổng cục Thủy sản Na Uy, Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) và các tập đoàn tên tuổi của Na Uy như Equinor, TOMRA...
Tôi hy vọng, trong năm 2024 chúng ta sẽ tiếp tục đà này, và sẽ có nhiều hoạt động hợp tác có ý ở nhiều cấp độ, trong các lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm vì hòa bình và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và toàn thế giới.
Xin cảm ơn bà!
| Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp Bộ trưởng Văn hóa và bình đẳng Na Uy Sáng 23/11, tại Thủ đô Oslo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ... |
| Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store Ngày 23/11, tại Phủ Thủ tướng Na Uy, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy, Phó Chủ tịch nước Võ Thị ... |
| Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy, chiều 23/11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có cuộc hội ... |
| Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam với Đan Mạch và Na Uy Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Đan Mạch và Na Uy từ ngày 20-25/11, theo lời mời của Thủ tướng ... |
| Cao Bằng phát triển bóng đá cộng đồng dưới sự hỗ trợ của Na Uy: Quả bóng tròn đưa giấc mơ của trẻ em Việt vươn xa Cao Bằng là một trong 4 tỉnh phía Bắc đầu tiên của Việt Nam tham gia thực hiện dự án 'Bóng đá cộng đồng tại ... |