Đại sứ Na Uy đánh giá cao tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của Việt Nam trong chống dịch Covid-19. (Ảnh: KT) |
Thưa Đại sứ, truyền thông quốc tế gần đây đưa tin tình hình Covid-19 ở Na Uy đã được cải thiện và Na Uy đang cân nhắc mở cửa trở lại biên giới. Đại sứ có thể chia sẻ về những kinh nghiệm chống dịch của Na Uy có thể áp dụng cho công tác chống dịch ở Việt Nam?
Đúng là một năm rưỡi qua là một khoảng thời gian thật khó khăn đối với toàn thế giới do đại dịch Covid-19. Khi tôi viết bài về tình hình Covid-19 tháng 4 năm ngoái, lúc đó chỉ có 2 triệu ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên thế giới. Hiện tại, con số này đã lên gần 200 triệu.
Cũng như Việt Nam, Na Uy đã hành động rất nhanh chóng để ngăn ngừa virus lây lan trong nước, hạn chế nguồn lây từ nước ngoài, đồng thời tăng cường dịch vụ y tế. Các chính sách kiểm soát chủ yếu tập trung vào ba mục tiêu: hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu tác động kinh tế, và khắc phục hậu quả tâm lý xã hội, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.
Học sinh sinh viên hầu hết đều phải học trực tuyến từ năm ngoái. Sự cách ly với xã hội đã ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của các em. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi khi năm học mới bắt đầu tháng 8 này là mở cửa trở lại trường học và đảm bảo các hoạt động bình thường nhất có thể cho các em.
Các biện pháp phòng chống dịch của chúng tôi thường xuyên được điều chỉnh, khi thì thắt chặt lúc thì nới lỏng tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, đặc biệt là khi có bùng phát dịch ở các địa phương.
Thủ đô Oslo và một số vùng lân cận bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 nên phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất. Các cơ quan y tế đã kiểm soát rất thành công các ổ dịch địa phương bằng cách thường xuyên cảnh báo việc đi lại đồng thời điều chỉnh các biện pháp kiểm soát cho phù hợp.
Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Na Uy tháng 3/2020, Chính phủ đã áp dụng ngay các biện pháp kiểm soát để ngăn không cho dịch bệnh lây lan: tuyên truyền các cảnh báo y tế để tránh lây nhiễm, xét nghiệm và truy vết, cách ly kiểm dịch, đóng cửa hàng quán, hạn chế đi du lịch nước ngoài, và hạn chế người nước ngoài nhập cảnh vào Na Uy.
Mặc dù không phải là thành viên EU nhưng Na Uy đã phối kết hợp rất chặt chẽ với các nước châu Âu trong phòng chống dịch, thực hiện chương trình tiêm chủng, chính sách hộ chiếu vaccine và sắp tới là mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế.
Khi vaccine không đủ, Chính phủ cần có một chiến lược tiêm chủng quốc gia rõ ràng và linh hoạt, ưu tiên cho các nhóm dễ bị tổn thương cũng như các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19. |
Về chính sách tiêm vaccine, Na Uy ưu tiên cho đội ngũ nhân viên y tế, nhóm người cao tuổi và có bệnh nền. Chúng tôi nhận thấy hầu hết các ca tử vong và bệnh nặng do Covid-19 đều liên quan đến nhóm đối tượng này. Tới nay, Na Uy đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ cho người cao tuổi và có bệnh nền.
Theo tôi, khi vaccine không đủ, Chính phủ cần có một chiến lược tiêm chủng quốc gia rõ ràng và linh hoạt, ưu tiên cho các nhóm dễ bị tổn thương cũng như các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19.
Hiện tại, Na Uy đang chủ trương khuyến khích những người trẻ đi tiêm chủng vì tỷ lệ nhiễm bệnh ở nhóm này đang có nguy cơ gia tăng. Mặc dù triệu chứng nhiễm Covid-19 ở thanh thiếu niên không nặng, song nếu bị mắc Covid-19, họ có thể lây cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Khi biến thể Delta đang trở nên phổ biến, tiêm chủng hàng loạt sẽ là giải pháp then chốt để ngăn chặn dịch bệnh không chỉ ở Na Uy mà trên toàn thế giới.
Cũng phải kể đến các quyết sách mà Chính phủ Na Uy đã áp dụng để khắc phục hậu quả kinh tế của đại dịch cũng như ảnh hưởng của nó tới doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, vận tải, khách sạn, nhà hàng, du lịch, hàng không,…
Văn hóa cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp cứng rắn như cấm biểu diễn, cấm tổ chức các sự kiện lễ hội và hòa nhạc trong một thời gian dài. Các biện pháp này hiện đã được nới lỏng và hy vọng sẽ có một số sự kiện văn hóa được tổ chức trong hè.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năm qua thực sự là một năm kinh tế tồi tệ ngay cả khi Chính phủ đã có các gói hỗ trợ kinh tế cho người sử dụng lao động và người lao động, nhất là trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Gần đây, mối lo ngại về những tác động tâm lý xã hội của giãn cách xã hội kéo dài đã khiến Chính phủ suy nghĩ lại về các biện pháp này. Đây là điều hết sức cần thiết bởi việc giãn cách đã có những tác động tiêu cực tới người trẻ do không được đến trường và phải làm việc ở nhà quá lâu.
Ở hầu hết các quốc gia, người dân đã mệt mỏi với đại dịch, thậm chí kiệt sức, mong mỏi được trở lại cuộc sống bình thường. Về lâu dài, tâm lý tiêu cực này sẽ ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng xấu tới đời sống của mỗi người dân và của cả một đất nước. Cái khó là làm sao để cân bằng hài hòa giữa mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và mở cửa trở lại.
Rất may là so với hồi đầu, chúng tôi hiện đã có kiến thức và nhiều kinh nghiệm kiểm soát dịch hơn. Nhưng phải khiêm tốn thừa nhận rằng, với đại dịch này, sẽ không thể kiểm soát nó một cách mau lẹ.
Giống như các nước Bắc Âu khác, hệ thống y tế quốc gia của Na Uy do nhà nước quản lý, bảo hiểm phổ cập toàn dân thông qua tiền thuế. Để đối phó với Covid-19 về lâu dài, xét nghiệm và tiêm chủng là giải pháp cơ bản. Hiện chúng tôi đang tập trung thực hiện chương trình tiêm chủng. 33% dân số Na Uy đã được tiêm chủng đầy đủ, 65% đã được tiêm mũi 1.
Ở Na Uy, hầu như không có nhiều người e ngại về việc tiêm vaccine. 90% dân số đều đồng ý khi được đề nghị tiêm phòng. Đây là một tín hiệu tốt để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Đại sứ Na Uy: Hy vọng 6 tháng cuối năm Việt Nam sẽ nhận được nhiều vaccine hơn. (Ảnh: KT) |
Trong bối cảnh tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam, Đại sứ có lời khuyên nào cho công tác phòng chống dịch của Việt Nam không?
Trước hết, cần phải khen ngợi Việt Nam về những thành công của các bạn trong việc kiểm soát dịch bệnh suốt một thời gian dài với số ca lây nhiễm và tử vong do Covid-19 rất thấp. Bằng nhiều cách, Na Uy cũng đang thực hiện giống Việt Nam ở chỗ coi trọng việc xét nghiệm và truy vết.
Hiện tại, tiêm vaccine là mục tiêu quan trọng để đối phó với biến thể Delta dễ lây lan hơn. Tiêm chủng là giải pháp giúp đạt được miễn dịch cộng đồng.
Ngay từ đầu, Na Uy đã coi việc phát triển, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 trên toàn thế giới là một ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đề cao việc phân phối và tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng cho mọi quốc gia.
Các biến thể mới của virus ngày càng khó đoán định, vì thế cần có một cơ chế phản ứng hiệu quả mang tính toàn cầu. Na Uy đã góp hơn 500 triệu USD vào ACT-A (ACT Accelerator) - Chương trình Hợp tác Toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19.
ACT-A được thành lập tháng 3/2020 với trụ cột là cơ chế COVAX - sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và nhanh chóng đối với vaccine Covid-19 cho mọi quốc gia. Na Uy và Nam Phi hiện đang là đồng chủ tịch của ACT-A.
Tôi rất vui vì Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ cơ chế COVAX. Nguồn vaccine viện trợ qua COVAX đã và đang đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.
Ai cũng biết vaccine là hy vọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine để những người nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất cũng có thể tiếp cận. Đại dịch Covid-19 tác động đến trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và đàn ông theo các cách khác nhau. Do đó, các biện pháp ứng phó với đại dịch cần cân nhắc cả góc độ giới, để đảm bảo các biện pháp áp dụng không phân biệt đối xử.
Chỉ khi đó, chúng ta mới không bỏ lại ai phía sau. Thật không may, nhu cầu vaccine trên thế giới đang vượt quá khả năng cung cấp. Điều này cũng đang ảnh hưởng đến sự sẵn có vaccine ở Việt Nam. Hy vọng, 6 tháng cuối năm Việt Nam sẽ nhận được nhiều vaccine hơn.
Đại sứ nghĩ sao về ý nghĩa, vai trò của “ngoại giao vaccine” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay? Tính “nhân văn”, tính “lan tỏa” của “ngoại giao vaccine” có giá trị như thế nào, thưa Đại sứ?
Tôi sẽ nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế trong phòng chống đại dịch. Bản chất là sự sẻ chia. Đại dịch đã cho chúng ta thấy một điều: chúng ta đều phụ thuộc vào nhau và cùng với nhau chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã nói “Các thách thức toàn cầu cần phải có các giải pháp toàn cầu”. Chúng tôi tin rằng cùng nhau đầu tư để ngăn chặn đại dịch Covid-19 không chỉ là việc làm đúng đắn về mặt đạo đức mà còn là việc làm thông minh.
Ai cũng biết vaccine là hy vọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine để những người nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất cũng có thể tiếp cận. |
Như đã đề cập ở trên, Na Uy đã rất chủ động đi đầu trong các nỗ lực đảm bảo ứng phó hiệu quả với đại dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tốc độ hiện còn chậm, và hợp tác quốc tế cần tập trung vào việc tăng cường khả năng tiếp cận và năng lực sản xuất vaccine. Ngoài các khoản tiền đóng góp cho COVAX, Na Uy cũng đã nhường lại một phần ba số vaccine của mình trong cơ chế này cho các nước nghèo hơn.
Việt Nam luôn là một đối tác quốc tế có trách nhiệm. Các bạn đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, cung cấp các dịch vụ, thiết bị và hỗ trợ điều trị y tế cho các nước khác cũng như đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX.
Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán trên các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc (LHQ), kêu gọi sự đoàn kết và hợp tác quốc tế để cùng nhau ứng phó với đại dịch. Ở những thời điểm như thế này, mỗi nghĩa cử sẻ chia đều rất cần thiết và được trân trọng.
Covid-19 lây lan xuyên biên giới. Đại dịch này không phải của riêng ai. Đoàn kết quốc tế là yếu tố then chốt để ứng phó với đại dịch.
Sống và làm việc tại Việt Nam, Đại sứ cảm nhận như thế nào về tinh thần đoàn kết của người Việt trong đại dịch Covid-19? Có những hình ảnh/câu chuyện nào để lại ấn tượng sâu sắc trong Đại sứ?
Covid-19 đặt ra những thách thức chưa từng có cho mỗi quốc gia, tác động tàn khốc tới cuộc sống và sinh kế của bao con người, làm gián đoạn nghiêm trọng đời sống xã hội và nền kinh tế của mỗi nước.
Nhưng trong bối cảnh đại dịch, ta được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về tình người, về sự sẽ chia bất chấp những khác biệt về quốc tịch và ngôn ngữ. Tôi thực sự xúc động khi đọc những bản tin về đội ngũ y bác sĩ và những cán bộ ở tuyến đầu chống dịch của Việt Nam đang chống dịch ngày đêm, sẵn sàng đi tới những điểm nóng để hỗ trợ hết mình.
Những câu chuyện này nói lên rất nhiều về sức mạnh của người Việt Nam. Chắc hẳn không ai có thể quên câu chuyện về các bác sỹ Việt Nam đã dốc hết sức lực trong 100 ngày để cứu sống viên phi công người Anh bị nhiễm Covid-19 hồi tháng 3 năm ngoái. Bệnh nhân số 91 này đã trở thành tiêu điểm của cả truyền thông trong nước và quốc tế.
Và câu chuyện mới nhất xảy ra tháng 6 năm nay. Theo đề nghị của LHQ, lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân Covid-19 là cán bộ của LHQ, theo chương trình MEDEVAC.
Câu chuyện này không chỉ đánh dấu mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và LHQ mà nó còn chạm đến trái tim của các nhân viên LHQ trong khu vực và cả những người nước ngoài và các nhà ngoại giao ở Việt Nam như tôi.
Đó là biểu tượng của sự thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam, điều có ý nghĩavô vùng quan trọng trong những thời điểm khắc nghiệt này.