Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Australia) |
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Australia (26/2/1973-26/2/2023), Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành đã chỉ ra những thành tựu nổi bật trong quan hệ hai nước và bày tỏ những kỳ vọng của mình về mối quan hệ nửa thế kỷ này.
Năm 2023 là một năm đặc biệt khi Việt Nam và Australia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 50 năm qua, hai nước đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu. Theo Đại sứ, đâu là thành tựu nổi bật nhất của quan hệ song phương trong 50 năm qua?
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, chúng ta ghi nhận việc Australia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết. Đặc biệt, Australia là nước phương Tây đầu tiên đón Lãnh đạo Cấp cao của ta thăm chính thức, gồm Chủ tịch Quốc hội (năm 1990), Thủ tướng Chính phủ (năm 1993) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1995).
Dù khác biệt về thể chế chính trị, hai nước ngày càng tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, đã xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2009), Đối tác toàn diện tăng cường (năm 2015), Đối tác chiến lược (năm 2018).
Cựu Toàn quyền Peter Cosgove từng chia sẻ: “Australia tự hào có một người bạn là Việt Nam”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Penny Wong cũng nói rằng: “Australia mong là một đối tác tốt hơn của Việt Nam”.
Năm thập kỷ qua, Australia luôn chủ động phát triển quan hệ với Việt Nam. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của bạn được bắt đầu ngay từ năm 1974. Sau khi đóng góp tích cực giải quyết vấn đề Campuchia, Australia là nước phương Tây đầu tiên nối lại ODA, đến nay giúp ta tổng cộng 3 tỉ AUD, trong đó hỗ trợ thiết thực cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng như đường dây 500kV Bắc-Nam, hai cây cầu Mỹ Thuận và Cao Lãnh, giúp phát triển viễn thông và ngân hàng.
Gần đây nhiều nước phương Tây cắt giảm ODA, song Australia vẫn hỗ trợ Việt Nam hàng năm 80 triệu AUD, năm nay tăng 18% lên 93 triệu. Hai năm qua, Australia hỗ trợ ta 26,4 triệu liều vaccine Covid-19.
Về giáo dục, học bổng được trao cho sinh viên Việt Nam tới Australia từ tháng 2/1975. Đại học nước ngoài đầu tiên lập cơ sở tại Việt Nam là trường RMIT của Australia (năm 2000). Đến nay các đại học hai nước đã có 45 chương trình liên kết đào tạo, 200 chương trình hợp tác giảng dạy và tuyển sinh liên thông.
Về kinh tế, hai nước trao cho nhau quy chế tối huệ quốc về thương mại và đầu tư từ năm 1974, đã ký đầy đủ các hiệp định kinh tế cơ bản như tránh đánh thuế hai lần, vận tải hàng không, hợp tác lãnh sự… để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Các địa phương hai nước đã có 15 thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa, trong đó về phía Việt Nam đi đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Hai nước luôn ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, chống các biện pháp hạn chế, cưỡng ép kinh tế và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Australia là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của ta trong nhiều năm. Australia cũng hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia APEC, gia nhập WTO; ta hỗ trợ bạn tham gia ASEM, hợp tác với Tiểu vùng Mekong, nâng quan hệ với ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện,…
Australia gắn bó ngày càng chặt chẽ với các nước Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á, mà trong chính sách đối ngoại bạn coi là láng giềng. Hiện nay, bạn đang chuẩn bị công bố Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á 2040. Trong khi đó, từ chỗ “muốn là bạn”, rồi “sẵn sàng” kết bạn, nay Việt Nam đã “là bạn, là đối tác tin cậy” và Đối tác chiến lược của Australia.
Đại sứ hãy mô tả ngắn gọn quan hệ Việt Nam-Australia trong ba từ và giải thích về sự lựa chọn này?
Nếu chỉ một từ, có lẽ phù hợp nhất là “láng giềng”. Chúng ta vốn chỉ coi Lào, Campuchia và Trung Quốc là láng giềng. Từ khi gia nhập ASEAN, ta coi tất cả các nước Đông Nam Á đều là láng giềng. Australia là nước phương Tây, nhưng gần gũi hơn với Việt Nam về nhiều phương diện so với tất cả các nước phương Tây khác. Là một quốc gia có đường biển dài nhìn ra Thái Bình Dương, ta cũng cần coi các nước Nam Thái Bình Dương là láng giềng gần gũi của mình.
Được chọn thêm, tôi muốn bổ sung từ “tin cậy”. Dù trong thời gian chiến tranh, chính phủ Liên đảng của Australia gửi quân tham chiến, song sau này một lãnh đạo, cựu chiến binh Australia, nguyên Toàn quyền Peter Cosgrove, đã công khai coi đây là một sai lầm.
Thủ tướng Liên đảng Scott Morrison khi thăm Việt Nam năm 2019 dùng từ “thân hữu” (mateship) để miêu tả quan hệ hai nước. Còn Thủ tướng Công đảng hiện nay Anthony Albanese tự hào đã thăm Việt Nam ba lần, trong đó lần đầu tiên vào năm 1987, đúng dịp thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Australia. Mặc dù có thể chế chính trị-xã hội khác biệt, hai nước tôn trọng nhau và chia sẻ tầm nhìn chung cũng như lợi ích chiến lược tại khu vực.
Có lẽ hai từ trên đã khá đầy đủ, nhưng vì được chọn ba và để cảm ơn bạn, tôi sẽ thêm chữ “chí tình”. Trong đại dịch Covid-19, Australia cam kết hỗ trợ ta rất sớm và là một trong những nước đầu tiên gửi vaccine Covid-19 đến Việt Nam. Đó là thời điểm tháng 8/2021, khi bản thân người dân Australia vẫn còn thiếu thốn loại vaccine này.
Thực tế 50 năm qua, Australia là một đối tác chân thành, luôn cố gắng sẻ chia với nhân dân ta.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Australia lần thứ 4 tháng 9/2022, tại Canberra. (Nguồn: TTXVN) |
Trong năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương. Đại sứ hãy chia sẻ kỳ vọng của mình về các sự kiện sắp tới cũng như động lực mà nó sẽ mang lại cho hợp tác song phương?
Từ cuối năm 2022 chúng tôi đã xúc tiến triển khai nhiều hoạt động, trong đó phối hợp tổ chức đón thành công Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Australia, mở màn chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Nhân dịp này, hai bên đã công bố ý định nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới.
Những tháng tới, chúng tôi trông đợi trao đổi đoàn các cấp sẽ gia tăng. Trên 60 đoàn lãnh đạo Đảng, nhà nước và địa phương ta đã có kế hoạch thăm Australia. Bạn cũng dự kiến cử nhiều đoàn nhà nước, chính phủ, nghị viện liên bang và các bang, vùng lãnh thổ thăm Việt Nam.
Đây cũng là dịp để giao lưu nhân dân có điều kiện phát triển mạnh. Sau Covid-19, Australia trở lại là một trong những điểm lựa chọn du học và du lịch hàng đầu của Việt Nam. Vietjet Air sẽ là hàng hãng không thứ ba của ta mở đường bay thẳng tới Australia. Viện Chính sách Australia-Việt Nam, Trung tâm Việt Nam-Australia, các tổ chức Asialink, Asia Society Australia, nhóm Lãnh đạo trẻ Australia-Việt Nam... dự kiến tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đại sứ quán sẽ chủ trì tổ chức lễ ra mắt Nhóm bạn Việt Nam, gồm các chính trị gia, học giả, doanh nghiệp, cựu Đại sứ Australia có uy tín và gắn bó sâu sắc với Việt Nam. Chúng tôi cũng dự kiến phối hợp với các cơ quan đại diện ta tại Sydney và Perth tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các cuộc trưng bày, triển lãm tại sở tại, chuyển ngữ một số tác phẩm văn học, điện ảnh của hai nước.
Đối tượng mà chúng tôi kỳ vọng là cộng đồng người Việt tại Australia. Tôi tin năm nay sẽ có nhiều sự kiện, nhất là của các tổ chức như Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Hội Sinh viên toàn Australia hay một tổ chức đang chuẩn bị khai trương là Hội Trí thức và chuyên gia Việt-Australia.
Tôi được biết nhiều bang, vùng lãnh thổ Australia có kế hoạch tổ chức hoạt động kỷ niệm, ngay trong tháng 2 sẽ có hoạt động ở Nam Australia, ngay sau đó sẽ là Queensland.
Qua các sự kiện kỷ niệm, các địa phương và doanh nghiệp hai nước sẽ hiểu nhau hơn, nhất là thấy được những cơ hội, tiềm năng hợp tác. Ngoài thương mại và đầu tư, các hoạt động hợp tác chính trị và ngoại giao, an ninh và quốc phòng, khoa học và công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân... sẽ đưa quan hệ Đối tác chiến lược hai nước phát triển toàn diện, sâu sắc hơn.
Tôi tin trong tương lai không xa, Australia sẽ trở thành đối tác thương mại thứ 5 và đối tác đầu tư thứ 10 của Việt Nam, hai nước sẽ là hai đầu cầu kết nối Tiểu vùng Mekong với khu vực Nam Thái Bình Dương.
Theo Đại sứ, lĩnh vực hợp tác nào sẽ là chủ đạo trong quan hệ Việt Nam-Australia trong tương lai?
Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023 xác định ba trụ cột hợp tác gồm kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng và đổi mới-sáng tạo.
Trong hơn 2 năm qua, hai bên nỗ lực đạt được nhiều kết quả thực chất, nổi bật là thông qua và triển khai Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES). Hai bên cũng vừa triển khai hiệu quả một số cơ chế đối thoại quan trọng như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng và Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng.
Để quan hệ hai nước đem lại hiệu quả thiết thực hơn, chúng tôi trông đợi ngoài các lĩnh vực trên, hai bên cần hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực mới, cùng có lợi như ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, năng lượng sạch, kinh tế tri thức, chuyển đổi số và hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác ba bên. Đây là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo đột phá và có thể trở thành động lực mới cho quan hệ hai nước trong những năm tới.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Người Việt tại Australia gặp mặt mừng Xuân Quý Mão 2023. (Nguồn: TTXVN) |