Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon bên lề Hội nghị về nước của Liên hợp quốc, ngày 23/3 tại New York, Mỹ. (Ảnh: CP) |
Nhân dịp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia Tanja Fajon thăm chính thức Việt Nam (22-23/5), Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Nguyễn Trung Kiên đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm và triển vọng hợp tác song phương.
Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung thảo luận trọng tâm nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon lần này?
Thứ nhất, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Phó Thủ tướng Slovenia đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1994. Thêm nữa, với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, đây là lần thứ hai kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Bộ trưởng Ngoại giao bạn. Điều này thể hiện rằng Slovenia thực sự coi trọng và muốn thúc đẩy thực chất hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Thứ hai, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon là lãnh đạo quan trọng trong liên minh cầm quyền hiện nay của Slovenia. Cùng với việc cơ cấu lại Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon đã nâng vị thế của Bộ Ngoại giao lên nhiều hơn trước. Ví dụ, Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Slovenia trước đây nằm ở Bộ Kinh tế, nhưng sau khi tái cơ cấu Chính phủ thì được giao trực tiếp cho Bộ Ngoại giao. Điều này cũng thể hiện Slovenia coi trọng và kỳ vọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Áo kiêm nhiệm Slovenia Nguyễn Trung Kiên. (Ảnh: QT) |
Thứ ba, tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon lần này có một đoàn doanh nghiệp bạn. Slovenia cũng đang thúc đẩy Lãnh sự danh dự tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó có thể thấy, Slovenia mong muốn những tiến triển mới trong hợp tác kinh tế thương mại với đầu tàu kinh tế Việt Nam nói riêng và cả Việt Nam nói chung.
Việt Nam rất coi trọng chuyến thăm lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tanja Fajon. Từ năm 2006 tới nay mới có chuyến thăm chính thức như vậy mặc dù có các cuộc tiếp xúc cấp cao song phương bên lề các diễn đàn đa phương.
Với sự hiện diện của một đoàn doanh nghiệp cùng những nỗ lực từ hai phía, phải chăng mục tiêu kinh tế là điểm nhấn xuyên suốt chuyến thăm lần này, thưa Đại sứ?
Mục tiêu kinh tế là trọng tâm của chuyến thăm lần này. Slovenia rất đề cao hợp tác kinh tế trong bối cảnh châu Âu đang gặp nhiều khó khăn như đoàn kết nội khối, xung đột Nga-Ukraine, dịch Covid-19.
Do đó, Slovenia hay các nước châu Âu khác đang tìm kiếm thị trường mới và hướng sang châu Á-Thái Bình Dương. Họ thấy Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng, được chứng minh thông qua sự quan tâm của nhiều đoàn đến Việt Nam. Tất nhiên, ở đây cần nhấn mạnh vai trò của Bộ Ngoại giao ta trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.
Ngoài những trung tâm lớn của châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Nga… còn có những nước khác mà Việt Nam ít có điều kiện quan tâm hơn, thì trong thời gian gần đây, cả ngành Ngoại giao và các Đại sứ tại địa bàn đã rất cố gắng. Điều này cũng thúc đẩy phía bạn quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn, thể hiện bằng con số tiến triển nhanh trong hợp tác song phương, đơn cử như kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Slovenia năm 2023 là 573 triệu USD, tăng khoảng 40% so với năm 2022.
Rõ ràng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã phát huy hiệu lực. Bên cạnh đó, sự thúc đẩy thương mại, công nghệ, ngoại giao cũng mang lại những kết quả tích cực.
Phía Slovenia đang hoàn tất và sẽ sớm sẽ có văn phòng của Lãnh sự danh dự tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, từ phía ta, Việt Nam cũng đã tìm được người và thực hiện các quy trình cần thiết để bổ nhiệm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Slovenia. Mặc dù chúng ta có Đại sứ quán tại Áo kiêm nghiệm Slovenia nhưng sự hiện diện Lãnh sự danh dự sẽ cực kỳ hữu hiệu trong việc thúc đẩy giao thương, bảo vệ quyền lợi công dân Việt Nam.
Bức tranh đó đã cho thấy hợp tác giữa hai nước đang diễn biến tích cực và nói lên ưu tiên chính trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Fajon đến Việt Nam.
Slovenia được cho là cánh cửa mở ra thị trường châu Âu rộng lớn với chi phí rẻ, vị trí thuận tiện, nhất là có cảng Koper tại biển Andratic. Việt Nam đã và đang khai thác thị trường tiềm năng này như thế nào, thưa Đại sứ?
Slovenia là đất nước có diện tích và quy mô dân số nhỏ, vì vậy, những gì hai nước đạt được trong thời gian qua khiến tôi rất tự hào. Mặc dù quy mô thị trường không lớn, nhưng Việt Nam lại có mức xuất siêu rất lớn và đạt 570 triệu USD kim ngạch thương mại hai chiều. Đây là điều rất đáng khích lệ. Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Slovenia chủ yếu là nông sản, nguyên liệu nông sản và trang thiết bị máy móc thô sơ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể nhập khẩu được từ Slovenia. Tôi hiểu mong muốn của bạn là muốn cân bằng hơn cán cân thương mại và theo tôi, nếu Việt Nam tăng nhập khẩu từ bạn cũng có nhiều lợi ích.
Slovenia có thế mạnh về các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có thể giúp Việt Nam tăng chất lượng sản phẩm, từ đó có thể xuất ngược trở lại châu Âu và các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Mỹ… Slovenia có công nghệ hạt nhân để phục vụ dân sự rất phát triển cùng với các thế mạnh khác như năng lượng sạch. Đây là các lĩnh vực ta có thể hợp tác.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, khi nhìn vào quy mô dân số của Slovenia, chúng ta nên kỳ vọng vào chất lượng của thị trường hơn là số lượng.
Bên cạnh đó, Slovenia có nhu cầu về lao động mà Việt Nam có thể đáp ứng. Slovenia cần lao động có tay nghề, ví dụ trong các ngành dịch vụ, bếp, chăm sóc sắc đẹp. Nếu được vào Slovenia làm việc, lao động Việt Nam có thể được hưởng điều kiện kiện lao động tốt như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, ngày nghỉ, thăm gia đình. Khi làm việc trong môi trường như vậy, bản thân người lao động sẽ ổn định hơn, có điều kiện để chăm sóc gia đình mình.
Về đầu tư, Slovenia đứng thứ 90/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Con số này không hẳn thấp, nhưng như tôi đã nhấn mạnh, chúng ta không nên kỳ vọng nhiều vào số lượng bởi vì quy mô kinh tế của Slovenia khá nhỏ.
Chúng ta cũng hoàn toàn có thể thúc đẩy đầu tư vào Slovenia. Đã có doanh nghiệp Việt Nam muốn sang đầu tư ở quốc gia này. Có những lĩnh vực vừa tầm với các nhà đầu tư Việt Nam, ví dụ như sản xuất cơ khí hoặc đầu tư nhà hàng.
Năm 2024 hai nước hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, xin Đại sứ chia sẻ những mục tiêu của riêng mình để hướng tới cột mốc này?
Có lẽ, 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia không phải là dài. Bản thân Slovenia giành độc lập từ năm 1994 nên cũng là một quốc gia non trẻ. Từ đó đến nay, Slovenia vươn lên rất mạnh mẽ và từng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), qua đó thấy được vai trò rất vững vàng.
Slovenia đang vận động mạnh mẽ để trở thành Thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong các tổ chức quốc tế, Slovenia thể hiện vị thế rất vững vàng và tích cực. Trong 30 năm qua, Slovenia tiến bộ rất nhanh và khẳng định vị thế của mình.
Cùng với hành trình 3 thập niên đó, quan hệ Việt Nam-Slovenia phát triển rất tích cực. Năm 2024, hai nước sẽ có những hoạt động kỷ niệm, nhưng ngay như năm nay, chúng ta cũng đã có những hoạt động tích cực trong đó có chuyến thăm lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Tanja Fajon. Hai nước dự kiến sớm tổ chức họp Ủy ban liên Chính phủ giữa Chính phủ hai nước tại Slovenia.
Slovenia có cảng nước sâu rất có tiềm năng - cảng Koper. Đây là cảng có nhiều đặc thù logistics, cơ sở hạ tầng thuận tiện cho giao thông hàng hải đường dài.
Các doanh nghiệp cho biết, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Âu và Tây Âu sẽ giảm khoảng 7 ngày so với đi vòng qua các cảng khác như Hamburg và Rotterdam. Đây là lợi thế rất lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, cảng Koper chưa có được thế mạnh như Rotterdam và Harmbug. Đường giao thông nội tuyến sau cảng của Slovenia chưa hoàn thiện, cụ thể là hàng từ cảng phân bố đến các điểm đầu mối chưa thuận tiện.
Đối với cảng Koper, Slovenia đang có những kế hoạch nâng cấp hệ thống giao thông nội địa, nhằm bảo đảm hàng hóa đến Koper sẽ được phân phối nhanh sau đó. Đây là nền tảng để Slovenia có thể thúc đẩy kết nối tuyến lưu thông giữa cảng Koper và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy những thành quả thực chất hơn trong hợp tác giữa hai nước.
Cá nhân tôi cho rằng, các dấu mốc quan hệ chỉ có ý nghĩa khi quan hệ song phương có những bước tiến thực chất. Hiện nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với nhau để kết nối giao lưu doanh nghiệp hai nước, khai thác lợi thế hợp tác song phương để quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa.
Năm 2024 sẽ có các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy vậy, điều tôi mong muốn hơn nữa là kim ngạch thương mại song phương tăng, mở thêm đường bay, kho cảng, tăng số lượng các doanh nghiệp đầu tư… những bước tiến thực chất của quan hệ.
Xin cảm ơn Đại sứ!