Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. (Nguồn: VGP) |
Nhìn lại nhiệm kỳ ở Việt Nam, đâu là những ấp ủ của Đại sứ đã được hiện thực hóa để đóng góp vào quan hệ hai nước?
Khi đến Hà Nội nhậm chức 4 năm trước, tôi đã từng chia sẻ rằng: “Tôi đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam thông qua việc Nhật Bản nhận thức và hiểu biết rõ về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Việt Nam hiện nay, với sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi tin rằng thực hiện được điều đó có thể đưa mối quan hệ hai nước Nhật Bản-Việt Nam phát triển lên thành đối tác thực sự đặc biệt”.
Trong suốt nhiệm kỳ, tôi luôn duy trì tư duy này và nỗ lực phát triển quan hệ hai nước giữa bối cảnh môi trường chiến lược ở khu vực và trên thế giới có sự thay đổi lớn.
Một điểm nhấn trong nhiệm kỳ 4 năm của tôi trên cương vị Đại sứ là quyết định lịch sử về việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và trên thế giới được đưa ra tại cuộc hội đàm cấp cao Nhật-Việt vào tháng 11/2023 – năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đại sứ có thể chia sẻ những ấn tượng và kỷ niệm về Việt Nam khi sống và làm việc ở đây trong suốt 4 năm qua?
Nhìn lại nhiệm kỳ 4 năm, tôi có thể điểm lại những dấu ấn nổi bật là cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên thế giới và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật-Việt.
Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, khi nước Nhật rơi vào tình trạng khó khăn với số ca lây nhiễm ngày càng gia tăng và các cơ sở y tế thiếu thốn vật tư, Việt Nam đã tặng vật tư y tế như khẩu trang y tế cho Nhật Bản. Như một minh chứng cho tình hữu nghị, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ tổng cộng khoảng 7,3 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam.
“Lúc gian nan mới biết ai là bạn”, mặc dù phải đương đầu với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng lòng sát cánh, cùng nhau vượt qua đại dịch, qua đó làm khăng khít hơn mối quan hệ tin cậy và hữu nghị.
Ngoài ra, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam, hàng loạt hoạt động giao lưu và sự kiện kỷ niệm tuyệt vời ở mọi cấp độ đã được tổ chức tại hai nước, phản ánh quan hệ Nhật-Việt đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay.
Vào tháng 9, thêm một trong những mốc son kỷ niệm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Hoàng Thái tử Akishino và Công nương đã đến thăm Việt Nam. Sau khi tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và thưởng thức buổi công diễn đầu tiên vở opera “Công nữ Anio” tại Hà Nội, Hoàng Thái tử Akishino và Công nương đã đến thăm Đà Nẵng và Hội An ở miền Trung.
Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio trả lời phỏng vấn TG&VN về nhiệm kỳ tại Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Với phương châm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, Đại sứ kỳ vọng như thế nào vào sự phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và trên thế giới Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới?
Tôi cho rằng hậu thế khi nhìn lại năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật-Việt và cũng là năm hai bên nâng cấp quan hệ thành “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và trên thế giới”, sẽ đánh giá đây là năm tạo ra một bước nhảy vọt lớn mạnh cho mối quan hệ hai nước, dựa trên nền tảng bình đẳng, hướng đến tương lai và hướng ra thế giới.
Để phát triển hơn nữa quan hệ Nhật-Việt với những nội hàm tương xứng với tên gọi quan hệ đối tác mới, hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác không ngừng trên nhiều lĩnh vực.
Không quá lời khi nói rằng, tình hình quốc tế hiện nay đang đứng trước một bước ngoặt lớn của lịch sử. Trong môi trường an ninh ngày càng phức tạp, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực an ninh càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược. Nhật Bản có thể cùng Việt Nam thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực góp phần vào hòa bình và phồn vinh của khu vực. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng nhất trí hợp tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh trên biển, cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới và đổi mới công nghệ như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ, quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế ngày càng trở nên quan trọng.
Trong cuộc khảo sát do JETRO tiến hành gần đây, Việt Nam là điểm đến thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ mà các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư nhất, hơn nữa gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản sẽ được tái đẩy mạnh nhằm thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, chất lượng cao tại Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng còn rất nhiều dư địa phát triển trong lĩnh vực bồi dưỡng nguồn nhân lực. Hiện tại, trong số khoảng 570.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao không ngừng gia tăng. Việt Nam đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhật Bản sẽ góp phần phát triển nhân lực ở Việt Nam, đồng thời hai nước cũng cần chuẩn bị lộ trình để nguồn nhân lực được đào tạo có thể tích cực phát huy vai trò của mình.
Trong năm 2023 vừa qua, hình ảnh văn hóa Nhật Bản đã được lan tỏa rộng rãi tại Việt Nam. Đại sứ đánh giá như thế nào về nỗ lực này trong việc kết nối người dân hai nước?
Trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật-Việt vừa qua, hơn 500 sự kiện kỷ niệm đã được tổ chức ở các địa điểm khác nhau trên lãnh thổ hai nước.
Tôi cho rằng quan hệ Nhật-Việt gắn bó và phát triển nhanh chóng như ngày nay là nhờ có “sự thấu hiểu và đồng cảm” độc đáo hình thành một cách tự nhiên, xuất phát từ sợi dây gắn kết về lịch sử và văn hóa lâu đời giữa hai nước.
Dựa trên quan điểm này, nhân dịp kỷ niệm 50 năm, chúng tôi đã thực hiện các dự án kỷ niệm với mong muốn sao cho nhiều người dân Nhật Bản và Việt Nam có thể cảm nhận và tái khẳng định “sự thấu hiểu và đồng cảm” này. Một ví dụ tiêu biểu là việc sản xuất vở opera “Công nữ Anio” tái hiện câu chuyện tình yêu 400 năm trước, tượng trưng cho lịch sử giao lưu lâu dài giữa Nhật Bản và Việt Nam và xuất bản truyện tranh dựa trên nguyên tác vở opera này.
Một điều rất ý nghĩa nữa là không chỉ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà khoảng 1/3 số sự kiện đã diễn ra tại các tỉnh thành địa phương và được tổ chức rộng rãi ở cấp cơ sở. Tận dụng động lực có được trong năm kỷ niệm 50 năm, việc triển khai mạnh mẽ hoạt động giao lưu nhân dân thông qua văn hóa, thể thao, du lịch... không chỉ giữa hai quốc gia mà ở nhiều tầng lớp như cấp cơ sở, cấp địa phương và thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Tôi tin tưởng rằng điều này sẽ gắn kết bền chặt hơn nữa mối quan hệ giữa người dân hai nước và tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương ngày càng khởi sắc trong tương lai.
Cuối cùng, Đại sứ muốn nhắn gửi thông điệp nào trước khi kết thúc một nhiệm kỳ thành công và đầy ý nghĩa ở Việt Nam?
Nhật Bản và Việt Nam đang tiếp tục phát triển và hướng tới những tầm cao. Trong quá trình này, nhiều thách thức có thể sẽ nảy sinh, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, xét đến mối quan hệ hiện nay giữa Nhật Bản và Việt Nam, tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu Nhật Bản và Việt Nam chung sức đồng lòng thì không có trở ngại nào chúng ta không thể vượt qua.
Tôi rất kỳ vọng trong tương lai, Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau hợp tác và đóng góp vì hòa bình, phồn vinh ở châu Á và trên thế giới.
Xin cảm ơn Đại sứ!