Đây là Hội chợ chuyên ngành về các sản phẩm may mặc, đồ trang trí trong nhà bằng lụa do Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Lụa Ấn Độ tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Dệt May và Bộ Công Thương Ấn Độ.
Tham dự khai mạc có bà Smriti Irani, Bộ trưởng Bộ Dệt May Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Lãnh đạo Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Lụa Ấn Độ, các quan khách cùng đông đảo các doanh nghiệp Ấn Độ và Quốc tế.
Hội chợ quy tụ được 120 nhà sản xuất lụa hàng đầu Ấn Độ tham gia trưng bày triển lãm hàng hóa và với sự tham gia của 250 doanh nghiệp đến từ khắp các châu lục và vùng lãnh thổ trên thế giới như Brazil, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, các nước Đông Âu, Châu Đại Dương, Nam Mỹ, Châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc… và Việt Nam.
Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu về các sản phẩm gồm xơ sợi tơ tằm, xơ sợi các loại, vải lụa, đồ phụ kiện, khăn, thảm lụa, đồ trang trí nội thất bằng lụa, quần áo, Sari, rèm cửa… trong thời gian Hội chợ sẽ diễn ra các buổi gặp gỡ doanh nghiệp, giao thương, gặp gỡ người bán – người mua, tổ chức trình diễn thời trang và hội thảo chuyên đề.
Với sự hỗ trợ của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, đoàn Việt Nam có sự tham dự của 21 doanh nghiệp đến từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Trung tâm xúc tiến thương mại – đầu tư, đại diện doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Tuyên Quang và Lạng Sơn…
Các doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dệt may, bông vải sợi, trang trí nội thất tham dự với mong muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, đồng thời là cơ hội tốt để trao đổi – học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật và công nghệ mới.
Hội chợ diễn ra trong 3 ngày, dự kiến thu hút được khoảng 10 nghìn lượt khách thăm quan, ban tổ chức kỳ vọng sẽ tạo ra doanh thu hơn 20 triệu đô la cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong các lĩnh vực sản xuất tơ tằm và hàng may mặc tơ tằm, vải, phụ kiện và thảm.
Ấn Độ là nước sản xuất tơ lụa lớn thứ hai trên thế giới. Ngành công nghiệp tơ lụa của đất nước này chủ yếu dựa vào nông nghiệp và đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, ngành này đã tạo ra khoảng 8 triệu nghệ nhân và thợ dệt ở các vùng nông thôn và giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục triệu hộ gia đình.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2018, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực Dệt may, Bông vải sợi, nguyên nhiên liệu, xơ sợi đạt 799 triệu USD tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam nhập khẩu Bông đạt 343,8 triệu USD tăng 46% và xuất khẩu hàng dệt may, sơ xợi đạt 203 triệu USD tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.