📞

Đại sứ Pranay Verma: Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ

Vy Anh 20:36 | 23/04/2022
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đã chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật của chuyến thăm cũng như những nỗ lực trong thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Chủ tịch Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla, ngày 19/4 tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến thăm của Chủ Hạ viện Ấn Độ Om Birla diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (972-2022). Đại sứ có thể chia sẻ ý nghĩa và những trọng tâm của chuyến thăm?

Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla đã thăm Việt Nam từ ngày 19-21/4 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ. Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa Ấn Độ và Việt Nam trong năm nay khi hai nước đang kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm cũng có ý nghĩa to lớn đối với Ấn Độ khi diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang kỷ niệm 75 năm Độc lập.

Ấn Độ và Việt Nam có truyền thống trao đổi các đoàn nghị viện từ lâu và trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Một đặc điểm quan trọng của hợp tác nghị viện là các chuyến thăm thường xuyên ở cấp lãnh đạo nhằm thúc đẩy hiểu biết, tăng cường hợp tác lập pháp và làm sâu sắc hơn các cuộc tham vấn về những vấn đề quan trọng đối với hai quốc gia.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lần này nhằm mục đích tăng cường trao đổi nghị viện giữa hai nước. Việc chuyến thăm diễn ra chỉ 4 tháng sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là một dấu hiệu khác cho thấy Quốc hội hai nước rất coi trọng quan hệ song phương. Là đại diện cho tiếng nói của người dân, trao đổi nghị viện là một kênh quan trọng phản ánh sự ủng hộ dành cho quan hệ hai nước.

Chuyến thăm cũng là một phần trong hoạt động trao đổi ngoại giao cấp cao, nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên nhiều mặt của hai nước.

Các cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã đề cập nhiều khía cạnh khác nhau trong quan hệ song phương, bao gồm kiểm soát đại dịch Covid-19, hợp tác thương mại và đầu tư, quan hệ đối tác năng lượng và quốc phòng, du lịch và giao lưu văn hóa... Các cuộc thảo luận này đã giúp hai bên có cơ hội đạt được những hiểu biết quan trọng.

Ngoài ra, hai bên còn trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm.

Nhìn chung, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện đã tái khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong chính sách Hành động hướng Đông và tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ.

Xin Đại sứ cho biết những nỗ lực của hai nước trong việc thực hiện Chương trình hành động quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (2021-2023) và Tầm nhìn chung vì Hòa bình, thịnh vượng và người dân?

Tầm nhìn chung vì Hòa bình, thịnh vượng và người dân được Thủ tướng hai nước thông qua tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến vào tháng 12/2020 đã đề ra kế hoạch chi tiết cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ song phương. Chương trình hành động được Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký kết là một chương trình chi tiết để thực hiện Tầm nhìn chung cho giai đoạn 3 năm 2021-2023.

Bất chấp sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, hai nước vẫn tiếp tục đạt được những bước tiến trong tất cả các lĩnh vực được xác định trong Tầm nhìn chung và Chương trình hành động.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma. (Nguồn: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam)

Quan hệ chính trị tiếp tục được đánh dấu bằng các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên, bao gồm cả các cuộc gặp trên nền tảng trực tuyến. Gần đây nhất, Thủ tướng Narendra Modi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm rất thành công vào ngày 15/4.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Ấn Độ vào tháng 12/2021 và chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ tới Việt Nam đã tạo thêm động lực mới trong quan hệ chính trị của chúng ta.

hệ kinh tế và thương mại cũng duy trì được đà tích cực. Thương mại song phương đã vượt 13 tỷ USD vào năm 2021 bất chấp những khó khăn do đại dịch. Hai nước hiện đang tập trung vào việc nâng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD càng sớm càng tốt. Nền kinh tế của hai nước đang phục hồi sau đại dịch và các nhà đầu tư hai bên cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội.

Quan hệ đối tác quốc phòng đang phát triển nhanh chóng. Quân đội hai nước duy trì trao đổi thường xuyên. Năm ngoái, bốn tàu hải quân của Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam và hải quân hai nước đã cùng nhau tập trận.

Gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD của Ấn Độ đã hoàn thành, giúp Việt Nam gia tăng năng lực trong lĩnh vực hàng hải và sản xuất quốc phòng. Việc triển khai Công viên Phần mềm quân đội tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc ở Nha Trang với gói viện trợ không hoàn lại 5 triệu USD từ Ấn Độ đang được tiến hành. Hợp tác giữa hai nước trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được tăng cường với các hoạt động trao đổi giữa lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng ta ở Nam Sudan.

Quan hệ Đối tác phát triển của hai nước với các Dự án tác động nhanh của Ấn Độ đang tạo thêm cơ sở hạ tầng cộng đồng, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương ở 33 tỉnh thành Việt Nam và đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Chúng tôi cũng đang tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực mới hơn như phát triển ứng dụng của công nghệ vũ trụ và hạt nhân dân dụng.

Giao lưu văn hóa đã đạt được những tiến bộ mới thông qua các dự án bảo tồn khảo cổ học tại khu di tích Mỹ Sơn. Chúng tôi một sẽ thực hiện thêm nhiều dự án như vậy tại các di tích lịch sử khác ở Việt Nam.

Quan hệ giao lưu nhân dân cũng được thúc đẩy với việc nối lại các chuyến bay thẳng trong tháng này. Chúng tôi muốn tăng cường trao đổi du lịch, bao gồm cả việc tận dụng mối liên kết Phật giáo chung giữa hai nước.

Lễ công bố mở các đường bay mới đến Ấn Độ của hãng hàng không Vietjet Air, ngày 19/4. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác đa phương giữa hai nước trong thời gian tới?

Về đa phương, Ấn Độ và Việt Nam có quan hệ rất chặt chẽ.

Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông cũng như tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai nước có sự phối hợp tuyệt vời tại ASEAN.

Tương tự tại Liên hợp quốc, Ấn Độ và Việt Nam đều là thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm ngoái và đã phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề quốc tế.

Vào tháng 8/2021, khi Ấn Độ là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng Ấn Độ đã chủ trì Phiên Thảo luận mở đặc biệt về An ninh hàng hải và Thủ tướng Việt Nam là một trong những khách mời quan trọng.

Hiện nay, khi thế giới đang đối mặt với những bất ổn mới, sự hợp tác và phối hợp giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ góp phần xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hòa bình, thịnh vượng, bao trùm và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Sự hội tụ mạnh mẽ giữa Sáng kiến ​​Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) và Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) tạo ra cơ hội mới cho hợp tác thiết thực giữa hai nước trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, kinh tế xanh, sinh thái biển, kết nối...

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!