Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ. (Nguồn: ĐSQ VN tại HQ) |
Trước thềm chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, trong đó nêu bật ý nghĩa và những kỳ vọng lớn về sự kiện điểm nhấn trong quan hệ hai nước này.
Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Hàn Quốc sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc?
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yeol, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm Hàn Quốc từ ngày 30/5-1/6. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022.
Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang hết sức tốt đẹp, tin cậy chính trị được nâng tầm, quan hệ kinh tế nở rộ và giao lưu nhân dân đang không ngừng mở rộng.
Thuận lợi mọi mặt, cơ hội rất phong phú, nhưng khó khăn cũng rất nhiều, các thách thức ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trên tất cả các phương diện, chính trị an ninh, kinh tế-thương mại, và giao lưu nhân dân. Thành công trong phối hợp là “căn cốt” của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Như vậy, có thể thấy chuyến thăm lần này của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mang theo nhiều ý nghĩa. Trước hết, đây là dịp để hai bên cùng nhìn lại những thành quả đạt được và định hướng cho những bước đi tiếp theo của quan hệ.
Tiếp đó, chuyến thăm cũng gửi đi thông điệp về quyết tâm của cả Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường lòng tin, đẩy mạnh hợp tác, tận dụng thời cơ, ứng phó thách thức, sánh vai cùng bước trên con đường mới.
Những hoạt động, nội dung điểm nhấn trong chuyến thăm là gì? Đại sứ kỳ vọng thế nào về chuyến thăm?
Có lẽ phải khẳng định bản thân chuyến thăm là điểm nhấn, điểm nhấn trong quan hệ giữa hai quốc gia có nhiều điểm đồng và có chung nhiều khát vọng. Đó chính là thông suốt trong tư duy, tương thông trong hành động và tương đồng trong mục tiêu. Như đã đề cập tới, chuyến thăm là tiền đề cho Đối tác chiến lược toàn diện được triển khai rộng khắp, hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Trong suốt chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ tiếp xúc, gặp gỡ với các cấp lãnh đạo của Hàn Quốc, các giới công thương và cả đại diện các cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Bộ trưởng sẽ truyền đi những thông điệp của Lãnh đạo Việt Nam đến Lãnh đạo Hàn Quốc về tương lai quan hệ.
Với doanh nghiệp và trí thức, Bộ trưởng sẽ vừa khuyến khích, động viên vừa gợi mở con đường và vừa tiếp thu ý kiến, ý tưởng để từ đó chuẩn bị cho các hoạt động lớn tiếp theo của hai nước.
Bên cạnh đó, với người đồng cấp Hàn Quốc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ trao đổi sâu rộng về tình hình phát triển của mỗi nước, tạo tâm thế tin cậy trong quan hệ với Việt Nam. Đồng thời, đây là dịp để hai Bộ trưởng trao đổi kỹ và sâu về những vấn đề quốc tế và khu vực, tạo tiền đề cho phối hợp nhịp nhàng tại các diễn đàn khu vực và toàn cầu.
Rõ ràng chuyến thăm là thời điểm thích hợp để rà soát các nội dung lớn, chiến lược trong quan hệ, kịp thời định hình các giải pháp cho những khó khăn, vướng mắc trên đường hợp tác.
Thứ nữa, gặp gỡ với giới doanh nghiệp và trí thức sẽ giúp khơi thêm ý tưởng, xây thêm quan hệ. Điều này thể hiện rõ qua các sự kiện như Bộ trưởng gặp gỡ với các Hiệp hội khác nhau tại Hàn Quốc, dự lễ ra mắt Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc (BAViK), Tọa đàm cùng nhà khoa học, tri thức Việt Nam tại Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao…
Công tác của Cơ quan đại diện sẽ được trao thêm cơ hội để phát triển mở mang trong bối cảnh tình hình mới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yul ngày 26/1. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hiện nay, Hàn Quốc duy trì vị trí số một về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân, văn hóa và trao đổi đoàn cấp cao cũng diễn ra rất sôi động. Hai nước đã đạt được những thành tựu gì kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 6/2023? Thời gian tới, hai nước cần làm gì để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác?
Kể từ ngày nâng cấp quan hệ đến nay, có tổng cộng 6 đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước thăm chính thức giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Seok Yeol (6/2023) và Chủ tịch Quốc hội Kim Jin Pyo (1/2023); về phía Việt Nam có 7 đoàn Bộ trưởng các bộ Công an, Quốc phòng (4/2023), Công thương, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (12/2023), Tài chính (3/2024) và Ngoại giao (5/2024) cùng hơn 80 đoàn lãnh đạo địa phương Việt Nam thăm làm việc, tổ chức các hội thảo thu hút đầu tư, quảng bá du lịch tại Hàn Quốc.
Đồng thời, hợp tác kinh tế, trụ cột chính trong quan hệ hai nước cũng đã là một điểm sáng trong hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau 30 năm, thương mại kinh tế song phương đã tăng từ 500 triệu USD năm 1992 lên đỉnh là 87 tỷ USD năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp lũy kế của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí số một đạt 85,87 tỷ USD tính đến hết tháng 4/2024, cao hơn so với nước đứng thứ hai hơn 11 tỷ USD.
Những con số, những sự kiện đầy ấn tượng này, trước hết là thành quả của sự tích lũy hơn ba thập kỷ không ngừng xây dựng lòng tin, đẩy mạnh hợp tác và tự hoàn thiện trong quan hệ. Trong bối cảnh ngày nay, các quốc gia muốn thành công trong nền kinh tế thế giới đầy biến động, lại càng cần phải gần gũi hơn thông qua các trao đổi chân thành, cởi mở, bình đẳng và thiện chí. Chỉ có như vậy mới có thể hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, cùng vượt qua sóng gió của thời đại.
Tiếp theo đó, tương lai đang mở ra cho cả hai nước nhiều cơ hội lớn. Đó là những trào lưu như chuyển đối số, phát triển triển xanh… Để kịp thời nắm bắt, điều rõ ràng nhất là quan hệ của hai nước phải ngày càng thực chất hơn, có tính bổ trợ cao hơn và nhất là cân bằng và hài hòa hơn.
Để đạt được những mục tiêu này cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các bộ ngành và địa phương. Trong đó đặc biệt quan trọng cần chú ý tới tính tương hỗ giữa cả hai bên trong quan hệ.
Đoàn công tác Thành phố Hồ Chí Minh thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, gặp gỡ cộng đồng người Việt ngày 12/5. (Nguồn: VGP) |
Như Tổng thống Yoon Seok Yeol từng nói Việt Nam và Hàn Quốc đã duy trì quan hệ thông gia trong suốt 800 năm qua, giờ đây, hai nước không khác gì người một nhà. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã, đang và sẽ triển khai những hoạt động gì trong lĩnh vực giao lưu nhân dân và giáo dục để tăng cường mối quan hệ đặc biệt này?
Quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế phát triển được hay không dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có hài hòa trong lợi ích, tương đồng trong tư duy và tương thích trong hành động.
Có rất nhiều con đường dẫn tới những mục tiêu này, tuy nhiên không phải ai cũng chọn được con đường ngắn nhất và bằng phẳng nhất. Rõ ràng, cần phải có những “hoa tiêu” dẫn đường cho các con tàu đang dương buồm trên mọi hải trình; đó chính là các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước.
Tại Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam cũng là một “hoa tiêu” như vậy. Đại sứ quán là nơi tiếp nhận thông tin, phân loại và phân luồng và đưa ra những khuyến nghị ban đầu cho tàu bè tìm được con đường hiệu quả và an toàn cho mình trên vùng biển mới.
Với nhận thức này, kể từ khi thành lập năm 1994 đến nay, trải qua 9 đời Đại sứ, Đại sứ quán đã trở thành điểm đến thân thuộc cho mọi giới mọi tầng lớp của người dân, doanh nghiệp, trí thức của các cộng đồng người Hàn lẫn người Việt. Hoàn thiện, nâng tầm những gì đã có, mở mang những lĩnh vực mới, hỗ trợ trau dồi và làm cho bản sắc dân tộc được tỏa sáng trên đất Hàn Quốc là những nội dung cơ bản trong công tác của Đại sứ quán.
Trên cơ sở đó, nhiệm vụ của tập thể Đại sứ quán sẽ hướng tới ba lĩnh vực.
Một là, duy trì và phát huy bản sắc Việt trên đất Hàn. Điều này sẽ được thể hiện qua nhiều hoạt động phong phú, ở tất cả các cấp và trải rộng trên mọi lĩnh vực đời sống của xã hội, của đất nước và người dân mỗi bên. Đồng thời là những hoạt động tương thân tương ái, hướng về cội nguồn của cộng đồng người Việt đang sinh sống trên đất Hàn Quốc.
Hai là, hỗ trợ thương mại, đẩy mạnh đầu tư. Đây chính là “căn cốt” trong xây dựng và phát triển thực chất quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Hàn. Thương mại phát triển, đầu tư gia tăng sẽ đem góp phần tăng cường kết nối và làm sâu sắc hơn sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế, từ đó mang lại những lợi ích thiết thực cho cả người dân, doanh nghiệp và các địa phương hai nước.
Ba là, thu hút trí thức, đóng góp cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa nước nhà. Đây là nỗ lực dài hơi, bao hàm nhiều mảng khác nhau cả về khoa học công nghệ, lao động lẫn sinh viên du học. Tuy vậy, cần có được sự đầu tư đúng đắn, bài bản và khoa học để từ đó duy trì mối quan hệ gắn kết và gần gũi giữa tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Trên đây là những lĩnh vực chính và tập thể Đại sứ quán hết sức mong mỏi sẽ nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời từ các cấp ngành và sự ủng hộ, hỗ trợ hết mình từ mọi tầng lớp trong xã hội cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc cắt băng Khai mạc Ngày hội văn hóa và kết nối giao thương Việt-Hàn ngày 11/5. (Nguồn: ĐSQ VN tại HQ) |