BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM
Bế tắc trong đàm phán Liên minh châu Âu (EU) và Anh về đánh cá phản ánh bất đồng sâu sắc đã kéo dài trong nhiều năm qua.
Ngày 16/12, phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo về tình hình đàm phán thỏa thuận Brexit.
Theo đó, sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, các bên đã đạt được tiến triển trong phần lớn các vấn đề, trong đó có giải quyết các quy định về trợ cấp của nhà nước cho doanh nghiệp, cũng như cách thức giám sát thỏa thuận.
Tuy nhiên, còn đó hai vấn đề mà Anh và EU chưa thể tìm được tiếng nói chung là sân chơi công bằng và quyền đánh cá. Trong đó, bất đồng xung quanh quyền đánh cá được coi là rào cản đáng kể nhất ngăn London và Brussels tiến tới thỏa thuận cuối cùng. Tại sao lại có chuyện này?
Đánh bắt cá đang trở thành bài toán nan giải trong đàm phán Anh-EU. (Nguồn: AFP) |
Không ai nhường ai
Trong phát biểu ngày 16/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen không tỏ ra lạc quan về thỏa thuận đánh cá.
London kiên quyết muốn nối lại toàn bộ quyền kiểm soát với vùng biển nước này sau khi rời khỏi thị trường chung EU. Trước đó, Chính phủ Anh thậm chí tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng bốn tàu hải quân để bảo vệ vùng biển nước này, đối phó với các tàu cá EU trong trường hợp hai bên không thể đạt được một thỏa thuận thương mại tự do.
Theo kế hoạch, hai tàu Hải quân Anh được triển khai, cùng hai tàu sẵn sàng hỗ trợ sẽ có quyền ngăn chặn và kiểm tra tàu cá EU hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Anh trải dài 200 hải lý (320 km) tính từ bờ biển.
Do đó, Anh chỉ đề xuất giảm bớt quyền tiếp cận vùng biển nước này của ngư dân các nước thành viên EU và đàm phán lại hạn ngạch hàng năm.
Trong khi đó, các thành viên EU, dù tôn trọng chủ quyền lãnh hải của Anh, song vẫn mong muốn duy trì hạn ngạch đánh bắt tại vùng biển của Anh và một thỏa thuận lâu dài để đem lại sự ổn định cho ngư dân. Trong dự thảo mới nhất ngày 10/12, EU muốn hai bên tiếp tục đánh bắt cá trong vùng biển của nhau trong 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2021 và duy trì dịch vụ đường không, đường bộ, vận chuyển hàng hóa trong sáu tháng. Tuy nhiên, phía Anh đã không chấp nhận. Đâu là nguồn cơn cho quan điểm cứng rắn của phía Anh?
Dù là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với nền kinh tế lớn thứ hai trong khối, song tiếng nói của Anh trong EU thường ít “cân lượng” hơn so với Đức và Pháp. |
Đâu chỉ là chuyện đánh cá?
Đó là câu chuyện về lợi ích. Anh chính thức rời EU ngày 31/1/2020, song vẫn phải tuân thủ các luật lệ của EU, trong đó có Chính sách Đánh bắt cá Chung (CFP) cho tới cuối năm nay. Theo đó, tàu đánh cá của tất cả các nước có toàn quyền đánh bắt trong hải phận của nhau, trừ khu vực 12 hải lý tính từ bờ biển.
Ngay cả khi đó, các tàu đánh cá cũng chịu hạn chế nhất định về số lượng và chủng loại đánh bắt, vốn được Bộ trưởng phụ trách nghề cá của EU thảo luận vào tháng 12 hàng năm. Anh được bao bọc bởi ba vùng nước lớn là Đại Tây Dương, Biển Bắc và Biển Ireland. Tuy nhiên, sản lượng được đánh bắt của nước này là vô cùng khiêm tốn so với lợi thế về mặt địa lý, bởi hơn một nửa hạn ngạch đánh bắt được dành cho các quốc gia khác.
Một khi rời EU và trở thành một quốc gia ven biển độc lập, Anh sẽ sở hữu vùng đặc quyền kinh tế dài 200 hải lý (320 km) và có toàn quyền đánh bắt hải sản trong khu vực này, kết thúc sự “bất bình đẳng” trước đó.
Quan trọng hơn cả, đó còn là câu chuyện về sự công bằng. Dù là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với nền kinh tế lớn thứ hai trong khối, song tiếng nói của Anh trong EU thường ít “cân lượng” hơn so với Đức và Pháp. Một bộ phận không nhỏ cho rằng việc trở thành một phần của EU đã tác động tiêu cực tới cái gọi là bản sắc của người Anh. Đây là hai lý do quan trọng góp phần dẫn đến quyết định Brexit bốn năm về trước.
Do đó, Anh mong muốn đối thoại với EU với tư cách của một đối tác ngang hàng, với mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền vùng biển được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ đòi hỏi khối lượng công việc khổng lồ và khó có thể hoàn thành trong hai tuần, quãng thời gian còn sót lại trước khi giai đoạn chuyển tiếp chính thức kết thúc.
Trong bối cảnh đó, chỉ có phép màu, hoặc sự nhượng bộ lớn từ cả hai phía mới có thể mang lại đồng thuận, cứu nước Anh và EU khỏi viễn cảnh Brexit không thỏa thuận đầy tai hại.
Nhưng ai sẽ lùi bước? Đó là câu hỏi chưa ai có thể trả lời.