Người ta đã từng hy vọng, hai nền kinh tế thế giới có thể đạt được một thỏa thuận nào đó, trước thời hạn nửa đêm, nhưng đã không có thỏa thuận nào được cam kết.
Bắc Kinh "rất lấy làm tiếc"
Ngay lập tức, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, họ sẽ có biện pháp đối phó với động thái của Mỹ. Dù không công bố cụ thể về các yêu cầu và phản ứng từ phía Bắc Kinh trong cuộc đàm phán này, nhưng Bộ này cho biết "rất lấy làm tiếc" về các diễn biến vừa qua.
Đàm phán kết thúc, Mỹ quyết tăng thuế, Bắc Kinh lập tức tuyên bố trả đũa. (Nguồn: Getty Images) |
Kết thúc cuộc gặp đầu tiên với phái đoàn Trung Quốc vào tối thứ Năm (9/5), trong tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Trump đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các bên "đồng ý tiếp tục thảo luận vào sáng thứ Sáu (10/5) theo giờ Mỹ, trước khi mức thuế quan mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, trên thực tế, bất chấp việc các đàm phán về một thỏa thuận thương mại đang diễn ra, ít nhất là còn tiếp tục vào sáng 10/5, Chính quyền Tổng thống Trump đã chính thức tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 12 giờ 01 sáng sớm thứ Sáu (10/5).
Động thái này của hai bên có nguy cơ mở rộng một cuộc chiến thương mại, khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và làm dấy lên lo ngại về những thiệt hại mới đối với nền kinh tế toàn cầu.
Điều đáng buồn là chỉ mới tuần trước, Tổng thống Trump còn hoan hỷ thông báo về những bước đi thuận lợi trong cuộc đàm phán thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Họ cho thấy hy vọng rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm giải quyết tranh chấp trong vòng đàm phán cuối cùng diễn ra trong tuần này và có khả năng sẽ có một thỏa thuận để công bố.
Còn giờ đây, Bắc Kinh “thề" đang chuẩn bị các biện pháp đối phó cần thiết trong tuần này nếu Mỹ tăng thuế. Hiện nước này chưa tiết lộ các hành động sẽ trả đũa như thế nào.
Tổng thống Trump lần đầu tiên tuyên bố tăng thuế vào ngày Chủ nhật (5/5) vừa qua, khi Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc đột ngột bác bỏ các phần chính của một thỏa thuận đang phát triển giữa hai bên. Vào tối thứ Tư (8/5), Tổng thống Trump tuyên bố Bắc Kinh "đã phá vỡ thỏa thuận" - một thông báo khiến cổ phiếu châu Á và Mỹ sụt giảm mạnh vào ngày thứ Năm (9/5).
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau đó một ngày, sau khi người đứng đầu nước Mỹ cho biết, một thỏa thuận vẫn có thể đạt được trong tuần này. Ông Trump còn nói thêm rằng, ông đã nhận được một lá thư từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và có thể sẽ nói chuyện trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc qua điện thoại.
Tổng thống Mỹ lộ điểm yếu?
Tuy nhiên, kế hoạch “đính hôn” mong manh giữa Washington và Bắc Kinh trong tuần này vẫn không ngăn cản việc Tổng thống Mỹ theo đuổi mối đe dọa của ông về thuế. Trước khi quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ từng gọi đây là một sự thay thế "xuất sắc" cho một thỏa thuận thương mại. Ông cũng cho rằng, quyết định này đã mang lại "hàng tỷ USD" cho Chính phủ Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ phải chịu gánh nặng về chi phí thuế quan, chứ không phải Trung Quốc, ông Trump lập luận.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế sẽ không cảm nhận được các tác động ngay lập tức. Việc áp mức thuế mới sẽ bắt đầu được áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu sau ngày 10/5. Nó sẽ không ảnh hưởng đến các sản phẩm đã quá cảnh sang Mỹ.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rời Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tại Washington vào thứ Năm (9/5). (Nguồn: AP) |
Để thúc đẩy một thỏa thuận, Tổng thống Trump cũng đã chuẩn bị để gây áp lực hơn nữa đối với Bắc Kinh. Ông đã đe dọa đang tiếp tục “để mắt” đối với hàng hóa trị giá 325 tỷ USD vẫn chưa bị áp thuế cao.
Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng với lời hứa sẽ giải quyết triệt để những gì mà ông gọi là lạm dụng thương mại từ phía Trung Quốc. Đến nay ông cũng đã đưa vấn đề này như một vấn đề cần ưu tiên giải quyết trước chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Nhà Trắng đưa ra mục tiêu cốt lõi là giải quyết các bất bình như, trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và thâm hụt thương mại.
Cho đến nay, Mỹ đã áp thuế quan trên tổng số 250 tỷ USD các sản phẩm của Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh đã áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Sau thời gian dài tỏ ra khá nhũn nhặn, Trung Quốc mới đây đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán, sau khi hiểu được rằng, Mỹ có thể đang sẵn sàng thỏa hiệp. Quan điểm này xuất phát từ việc Tổng thống Trump mới đây kêu gọi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell giảm lãi suất, điều này có thể báo hiệu rằng, ông Trump đang nghĩ rằng, nền kinh tế số 1 thế giới đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn ông nói.