📞

Đàm phán Mỹ-Iran là 'tiệc cafe' không hồi kết, các nước Trung Đông tìm 'lối rẽ' riêng

Vy An 17:24 | 13/10/2021
Các kế hoạch của Mỹ nhằm khôi phục đàm phán hạt nhân với Iran được đưa ra tương đối muộn và cho thấy kém hiệu quả trong việc giải quyết mối đe dọa của Teheran đối với các nước Trung Đông khác.
Chính quyền Mỹ đang thử nghiệm mọi phương án có thể để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, tuy nhiên vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển. (Nguồn: inss)

Gần đây khi được hỏi khi nào Iran có thể quay trở lại đàm phán hạt nhân với Mỹ, Tân Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian đã trả lời rằng: "Các cuộc đàm phán chỉ dẫn đến chuyện uống cà phê và không đem lại lợi ích gì cho chúng tôi”.

Ngoại trưởng Abdollahian rõ ràng ngụ ý rằng, các cuộc đàm phán không thực chất?

Thỏa thuận hạt nhân thiếu sót

Thỏa thuận hạt nhân mà Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký kết với Iran vào năm 2015 còn nhiều thiếu sót lớn.

Mặc dù thỏa thuận này hứa hẹn sẽ bãi bỏ một số lệnh trừng phạt tài chính đối với Iran, nhưng nó lại không dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt.

Chính cái tên của thỏa thuận-Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) cũng cho thấy tình trạng pháp lý mơ hồ của nó. Thỏa thuận được mô tả như một hiệp ước nhưng trên thực tế chưa bao giờ được đệ trình lên Thượng viện Mỹ để được phê chuẩn.

Vì vậy, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân chỉ trong "nháy mắt". Dù nhìn theo cách nào thì JCPOA cũng không phải là trụ cột của an ninh ở Trung Đông như một số người ủng hộ nó tuyên bố.

Tuy nhiên, quyết định rút khỏi JCPOA năm 2018 của cựu Tổng thống Trump chắc chắn là một tính toán chiến lược chưa chắc chắn.

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA khiến Iran ngừng tuân thủ một số điều khoản của thỏa thuận, đặc biệt là những điều khoản hạn chế khả năng của Iran làm giàu urani và các nghĩa vụ mà nước này phải thực hiện để cho phép thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân của mình.

Do đó, Chính quyền Tổng thống Biden đã hoàn toàn đúng khi xác định việc Mỹ trở lại tham gia JCPOA là một trong những mục tiêu chính của Washington. Và nước này cũng đầu tư đáng kể cho nỗ lực đó.

Mỹ đã sử dụng tất cả các kênh ngoại giao, cả chính thức và không chính thức để nói với Iran về mong muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân.

Thế nhưng, thay vì đạt được tiến triển, cho đến nay đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran vẫn bế tắc. Iran đã từ chối gặp mặt trực tiếp với đại diện phía Mỹ. Sáu vòng đàm phán đã diễn ra nhưng không đạt được kết quả.

Lý do dẫn đến tình thế bế tắc này là sự khác biệt giữa hai bên về cách thức khôi phục JCPOA. Mỹ đã đề nghị sẽ quay trở lại thỏa thuận, trong khi yêu cầu Iran từ bỏ bất kỳ động thái hạt nhân nào mà nước này đã thực hiện, được gọi là phương pháp tiếp cận “tuân thủ đổi lấy tuân thủ”.

Nhưng theo tuyên bố của Iran, Mỹ không giữ lời hứa khi rút khỏi thỏa thuận, nên nước này không thể mong đợi mọi việc sẽ quay trở lại trạng thái ban đầu như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Do đó, Iran đang yêu cầu Mỹ quay trở lại JCPOA mà không nhận được bất kỳ nhượng bộ tương ứng nào từ họ.

"Kế hoạch B"

Chính quyền Tổng thống Biden đang thử nghiệm mọi phương án có thể để khôi phục JCPOA. Tuy nhiên, cho dù họ có thành công hay không thì điều đó cũng là không đủ vì tình hình chiến lược hiện nay khác với năm 2018, khi cựu Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận.

Trong vài tháng qua, Israel đã thúc giục Nhà Trắng nghĩ đến “Kế hoạch B”-một chính sách thay thế trong trường hợp nỗ lực hồi sinh JCPOA thất bại.

Thế nhưng, khi tiếp Tổng thống Israel tới thăm Mỹ tháng 6 vừa qua, tất cả những gì Tổng thống Biden muốn nói là: “Iran sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân khi ông còn đương nhiệm”. Tuy nhiên, câu nói này dường như không có sức nặng, bởi vì, ông Biden đã tuyên bố giảm bớt các cam kết quân sự của Mỹ đối với Trung Đông.

Kết quả là, thay vì Mỹ, chính nhiều nước khu vực Trung Đông lại đang bận rộn thiết lập “Kế hoạch B” của riêng mình để tránh sự trỗi dậy của một cường quốc hạt nhân Iran.

Nhiều nước trong khu vực Trung Đông đang tìm cách đưa Iran vào các cấu trúc hợp tác khu vực để giảm thiểu căng thẳng. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xây dựng các cảng tự do để giúp Iran tránh được các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, một số nước khác lại có kế hoạch chiến lược nhằm kiềm chế Iran. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gần đây đột ngột đi xuống, chủ yếu là do Thổ Nhĩ Kỳ bất mãn trước ảnh hưởng ngày càng lớn và cách hành xử ngày càng cứng rắn của Iran ở Syria và Iraq, nơi Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích quốc gia quan trọng.

Israel cũng đang cùng với các quốc gia lớn ở vùng Vịnh phát triển kế hoạch kiềm chế Iran. Một số quan chức Israel từng phát biểu thẳng thắn trước truyền thông rằng, Trung Đông sẽ lên kế hoạch kiềm chế Iran cho dù Mỹ nghĩ gì đi chăng nữa.

Thậm chí, một số nước Trung Đông cho rằng, dù có khôi phục được JCPOA cũng sẽ không thay đổi được tham vọng quân sự của Iran.

Giới quan sát cho rằng, trong khi chính quyền Tổng thống Biden vẫn tiếp tục loay hoay tìm cách khôi phục một thỏa thuận hạt nhân không còn phù hợp, sẽ có nhiều diễn biến ở Trung Đông khiến Washington phải bất ngờ. Rất có thể, Mỹ sẽ vẫn bị lôi kéo vào các cuộc xung đột trong tương lai tại khu vực có nhiều bất ổn này.

(theo The Straits Times)