TIN LIÊN QUAN | |
Trẻ em "vẽ bức tranh" Việt Nam - Đan Mạch | |
Bước tiến mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Đan Mạch |
Sáng 21/10, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, bà Charlotte Laursen, đã tổ chức họp báo để công bố các hoạt động sắp tới trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch. Nhân dịp này, Đại sứ cũng trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan tới quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa…
Đại sứ Charlotte Laursen tại buổi họp báo. (Nguồn: ĐSQ) |
“Mối quan hệ đối tác song phương của chúng ta đã phát triển lên thành mối quan hệ rộng lớn hơn dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện giữa hai nước,” Đại sứ Charlotte Laursen phát biểu.
Theo Đại sứ, sự hiện diện của các doanh nghiệp Đan Mạch, của các nghệ sĩ Việt Nam và Đan Mạch tại cuộc họp báo là bằng chứng cho sự cam kết của Đan Mạch trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước.
Đại sứ có thể chia sẻ chi tiết hơn về các sự kiện văn hóa kỷ niệm 45 năm quan hệ hai nước trong thời gian tới?
Suốt gần một năm qua, Đại sứ quán đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa khác nhau hướng tới kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao hai nước như cuộc thi “Đan Mạch trong mắt em”, ra mắt hội du học sinh Việt Nam – Đan Mạch…
Tối ngày 21/10, ban nhạc Đan Mạch Saveus biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc Gió mùa ở Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Đây là lễ hội mà Đại sứ quán Đan Mạch có ủng hộ từ lần ra mắt đầu tiên năm 2014. Ngoài việc đưa Saveus đến Việt Nam lần này, Lễ hội cũng dành một phần biểu diễn riêng cho các nghệ sĩ trẻ mới nổi của Việt Nam lấy tên Chú vịt May mắn với cảm hứng từ chuyện cổ tích Đan Mạch.
Ngày 25/10, Đại sứ quán tổ chức Đêm Văn hoá Đan Mạch tại Nhà Hát Lớn Hà Nội do nghệ sĩ Quốc Trung đạo diễn. Đêm nhạc này dành cho các đối tác của Đại sứ quán cũng như cộng đồng Đan Mạch tại Việt Nam. Các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam và Đan Mạch sẽ tham gia biểu diễn, như Thanh Lam, Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý, S.I.N.E., Saveus, UpperCut, …
Từ ngày 19-25/11, Tuần lễ Phim Đan Mạch sẽ được tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu nền công nghiệp phim đương đại của Đan Mạch với công chúng Việt Nam. Đan Mạch đã tạo ra nhiều diễn viên và đạo diễn tài năng với tên tuổi tầm cỡ thế giới. Trong tháng 11, trên trang Facebook của Đại sứ quán sẽ công bố một cuộc thi nhỏ để khán giả có thể giành vé xem phim.
Vào ngày 26/11, Danish Footprints (Những dấu chân Đan Mạch), một sự kiện cộng đồng dành cho các công ty Đan Mạch và đối tác, nhân viên, gia đình của mình sẽ được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh. Tại sự kiện này, các công ty Đan Mạch sẽ giới thiệu sáng kiến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) của mình, đồng thời tham gia hàng loạt hoạt động như chạy bộ, hội thảo nghệ thuật đường phố,…
Đại sứ Charlotte Laursen chụp ảnh cùng các nghệ sĩ Đan Mạch và Việt Nam tại buổi họp báo. (Nguồn: ĐSQ) |
Mối quan hệ văn hóa giữa hai nước bắt đầu từ khi nào và sẽ được phát triển ra sao trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Mối quan hệ văn hóa giữa hai nước đã bắt đầu từ khá lâu rồi nhưng trong 10 năm qua được thúc đẩy ở mức rất cao. Đan Mạch là một trong các quốc gia châu Âu đầu tiên công nhận Việt Nam vào năm 1971 và là một trong những nước đóng góp ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam từ năm 1993. Nhiều chương trình hợp tác văn hóa giữa hai nước sử dụng nguồn vốn ODA chuyển giao và nguồn vốn được cung cấp từ các doanh nghiệp tư nhân.
Việt Nam và Đan Mạch là hai nước ở hai châu lục khác nhau, các giá trị văn hóa cũng khác nhau với những xuất phát điểm khác nhau nhưng vẫn có thể hòa hợp và tạo nên những điều tuyệt vời nhất. Ví dụ, trong Đêm Văn hoá Đan Mạch ngày 25/10 tới, các nhóm nghệ sỹ hai nước sẽ hợp tác với nhau, kết hợp giữa những dòng nhạc truyền thống và hiện đại để đưa đến cho khán giả những cảm nhận thú vị, từ đó góp phần phát triển quan hệ văn hóa hai nước.
Bên cạnh văn hóa, Đại sứ có thể cho biết lĩnh vực hợp tác kinh tế đang được đẩy mạnh như thế nào giữa hai nước?
Mối quan hệ ngoại giaoViệt Nam – Đan Mạch bắt đầu 45 năm trước đơn thuần là quan hệ hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay hai nước đã phát triển quan hệ rộng mở hơn từ cấp chính phủ, văn hóa và người dân.
Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện song phương, quan hệ Đan Mạch-Việt Nam ngày nay là quan hệ đối tác tập trung vào đối thoại chính trị, các hoạt động kinh tế-thương mại, và các dự án ODA kết hợp sức mạnh của Đan Mạch về tăng trưởng xanh, thực phẩm và nông nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục vào chương trình nghị sự phát triển của Việt Nam trên quá trình trở thành một nước hiện đại hoá có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Thương mại song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch đã tăng đáng kể từ năm 2011, và các doanh nghiệp Đan Mạch ngày càng quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Hiện có hơn 130 doanh nghiệp Đan Mạch hiện diện tại Việt Nam và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đan Mạch quan tâm đến việc kinh doanh tại Việt Nam.
Kinh tế là một trong những lĩnh vực quan trọng mà Đan Mạch đang tập trung thúc đẩy với Việt Nam. Vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch thăm Việt Nam cũng với trọng tâm là thúc đẩy quan hệ thương mại. Trong các cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư của Việt Nam, Bộ trưởng chúng tôi cũng đã tập trung trao đổi, đánh giá thị trường Việt Nam và tiềm năng đối với doanh nghiệp Đan Mạch. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đi thăm một số doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam. Tháp tùng ông cũng có một số nhà báo kỳ cựu của Đan Mạch, hy vọng, những bài viết về tiềm năng hợp tác với Việt Nam sau chuyến thăm của họ cũng sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp Đan Mạch tìm đến thị trường Việt.
Chắc hẳn vẫn còn những thách thức cản bước doanh nghiệp Đan Mạch đến với Việt Nam, thưa Đại sứ?
Chúng tôi cũng đã có thảo luận với doanh nghiệp Đan Mạch về thị trường Việt Nam. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có đánh giá chung Việt Nam là một thị trường tiềm năng song cũng không phải là một thị trường dễ dàng. Những vấn đề mà cách doanh nghiệp khi hoạt động kinh tế tại Việt Nam là sự minh bạch, tính ổn định của chính sách cũng như quá trình thực thi hợp đồng. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo nghề cho nhân viên còn nhiều khó khăn cũng khiến các doanh nghiệp Đan Mạch phải cân nhắc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với chính phủ hai bên nhằm giải quyết vấn đề này để có ngày càng nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đến với Việt Nam.
Việt Nam-Đan Mạch đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư Chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Charlotte Laur Sen. |
Việt Nam - Đan Mạch: Phát triển tự nhiên dựa trên giá trị chung “Việt Nam thu hút tôi bởi một xã hội tràn đầy năng lượng… Con người thân thiện, một nền văn hóa đậm đà bản sắc ... |
Việt Nam - Đan Mạch ký Kế hoạch hành động năm 2016 Kế hoạch hành động 2016 đề ra những biện pháp, sáng kiến và dự án nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên ... |