TIN LIÊN QUAN | |
Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt | |
Nhạc kịch Kim Vân Kiều: Tấm lòng của những nghệ sĩ Pháp |
Giảng viên vũ công Phan Văn Chức và bạn nhảy trong trường đoạn Thúy Kiều - Kim Trọng. (Ảnh: MH) |
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt nhân kỷ niệm 200 năm Ngày mất của Danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820), được Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace tổ chức. Tại đây, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có cuộc luận bàn sôi nổi về những hình thức kết hợp mới mẻ nhằm mang lại cho Truyện Kiều sức hấp dẫn mang hơi thở thời đại.
Hội thảo có sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, nhà nghiên cứu Lê Nghị, nhà Hán Nôm Lâm Thanh Sơn và họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn, nghệ sĩ đàn nguyệt Tạ Xuân Quỳnh, giảng viên vũ công Phan Văn Chức và nhà nghiên cứu Lại Quảng Nam.
Nhìn vào những góc khuất trong Truyện Kiều
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã chia sẻ mong muốn tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc và đưa những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử Truyện Kiều. Tại đây, các đại biểu đã được giới thiệu phiên bản Truyện Kiều bản kinh ngự dụng mà nhà in Công Thiện Đường dựa vào khắc in năm 1898, triển lãm tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, múa minh họa truyện Kiều bằng dancesport của giảng viên, vũ công Phan Văn Chức và tiếng đàn nguyệt của nghệ sỹ Tạ Xuân Quỳnh.
Các diễn giả tại Hội thảo: (T- P) Nhà Hán Nôm Lâm Thanh Sơn, nhà nghiên cứu Lê Nghị, Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, và họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn. (Ảnh: MH) |
Một trong những tham luận đã gây nhiều chú ý đến người nghe chính là ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Nghị khi ông đưa ra khảo sát, phản biện và kiến nghị về quan điểm của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh khi bàn về việc Nguyễn Du đã mượn cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) để viết Truyện Kiều cũng như luận bàn phát biểu của giáo sư Dương Quảng Hàm về danh tác “Đoạn trường tân thanh” trong Việt Nam văn học sử yếu (1943).
Các đại biểu cũng được tiếp cận văn bản Hán văn để thấy rõ Thanh Tâm Tài Tử và Kim Vân Kiều truyện (bản đánh số A953) là tác phẩm của tác giả người Việt, cũng như so sánh nội dung cuốn A953 của Thanh Tâm Tài Tử và cuốn Kim Vân Kiều truyện của Lý Chí Trung. Hội thảo cũng thảo luận sôi nổi về các chú giải lệch lạc về ấn bản cũng được đưa ra thảo luận, qua đó phản biện và kiến nghị một cách chú giải mới về nguồn gốc Truyện Kiều trong sách giáo khoa và các ấn bản. Theo đó, Nguyễn Du không mượn cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) để viết Truyện Kiều.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Lâm Thanh Sơn khẳng định: “Từ trước đến nay, đại thi hào Nguyễn Du chưa từng đề cập đến việc cụ viết Truyện Kiều mà đầu tiên là Đoạn Trường Tân Thanh, là dựa trên tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc cả, hay là bạn của cụ Nguyễn Du là cụ Phạm Quý Khích là người đưa cuốn sách này đến tay vua Minh Mạng chưa bao giờ nói là cụ Nguyễn Du mượn cốt truyện của Trung Quốc”.
Sự minh họa mới mẻ cho Truyện Kiều
Bên cạnh việc thảo luận về những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử Truyện Kiều, hội thảo đã mang đến những hoạt động nghệ thuật có tính hiện đại mới mẻ minh họa cho Truyện Kiều như Triển lãm tranh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều; Những khúc biến tấu dancesport hay những khúc nguyệt cầm, mang dáng vẻ và âm hưởng Kiều truyện.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ: “Trong quá trình tìm hiểu nhân vật để vẽ, tôi thấy: Phải chăng Kiều chính là Nguyễn Du và Nguyễn Du chính là Kiều? Đại thi hào của chúng ta đã thông qua nhân vật Kiều và các nhân vật để nói đến tâm trạng, tâm lý của mình trong thời cuộc khi đó. Từ một gia đình Trâm anh thế phiệt, nhưng do cảnh loạn lạc mà phải trải qua 10 năm gió bụi, ông đã dùng Truyện Kiều nói lên tâm trạng, cuộc đời ông, cũng như số phận những con người Việt giai đoạn thế kỷ 18-19 và giá trị của nó vẫn mang giá trị đương đại hướng tới nhân sinh quan con người, thấu hiểu nội đau của con người để hướng con người làm việc thiện”.
Anh Hùng và cây đàn nguyệt cầm lấy cảm hứng từ nhân vật Từ Hải và nàng Kiều. (Tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn vẽ năm 1999). |
“Ngày nay nhiều người nước ngoài đọc Truyện Kiều, xem kịch Truyện Kiều, để hiểu được văn hóa Việt, tuy nhiên, tôi đã đi xem vở kịch ở trung tâm văn hóa nước ngoài, nhiều vở diễn có những sắc phục, mang nét của Trung Quốc thời nhà Thanh, tôi nghĩ đây là một sai lầm” – họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn khẳng định.
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, ngày nay giới trẻ khá thờ ơ trước những tác phẩm cổ điển. Vì vậy, họa sĩ muốn có gì đó mới mẻ để minh họa Truyện Kiều, qua bút pháp trừu tượng và biểu hiện. “Tranh trừu tượng và biểu hiện sẽ làm người xem không bị giới hạn bởi sự tưởng tượng. Tôi chỉ vẽ cái đẹp trong các nhân vật Truyện Kiều, để phá vỡ quan điểm xưa cũ. Tôi hy vọng có thể giúp người xem có một nhận thức mới, hiện đại mà tránh được những áp đặt trong quá khứ…” - họa sĩ nói.
Việc giới trẻ Việt có được kiến thức phong phú, mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình cũng như sử dụng văn hóa Truyện Kiều trong học tập nghiên cứu sẽ rất hữu ích cho tiến trình hội nhập văn hóa của đất nước và điều này luôn được quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Chương trình còn đưa nghệ thuật dancesport mới mẻ và hiện đại để minh họa Truyện Kiều, thu hút giới trẻ tiệm cận văn hóa truyền thống sâu hơn, không nhàm chán, không cứng nhắc. Giảng viên, vũ sư Phan Văn Chức đã chia sẻ về tác phẩm do chính anh sáng tác và thể hiện: “Khi nhận được được ý tưởng muốn đưa dancesport để minh họa Truyện Kiều thì tôi thấy rất hay, nhưng cũng thấy đây sẽ là một thách thức lớn vì nó chưa có một tiền lệ, lại sử dụng nghệ thuật hiện đại để đưa vào tác phẩm cổ điển làm sao cho nó ăn nhập với nhau. Nhưng tôi nghĩ: Truyện Kiều như là một bản tình ca lớn mà nội dung chính là cốt truyện của Kiều. Chỉ là cách thể hiện nội dung ngắn gọn ấy bằng ngôn ngữ cơ thể- ngôn ngữ của dancesport, cái này là nghề của những người như tôi. Cái khó ở đây chính là cách làm sao để biểu đạt tốt nhất tâm trạng của Kiều với những cảm xúc khác nhau, những trường đoạn khác nhau như: Tình yêu- Đau khổ- Chia ly – Hoàn hảo. Bên cạch đó là việc chọn nền nhạc nào cho phù hợp. Cuối cùng, tôi cũng đã chọn phần lớn lấy nền nhạc dân tộc của Việt Nam và một phần cho đoạn kết là nền nhạc ngoại. Và, chúng tôi đã thể hiện tốt nó”.
Theo dõi chăm chú từng tham luận tại Hội thảo, em Lương Nhật Linh (học sinh lớp 10) bộc bạch: “Hội thảo đã mang đến cho cháu sự đồng cảm trong hình dung về Truyện Kiều, từ những tác phẩm tranh mang tính ước lệ, trừu tượng cho đến tiếng đàn nguyệt da diết trầm bổng như chính cuộc đời Kiều hay những điệu nhảy dancesport khỏe khoắn mà không kém phần yếu đuối, uyển chuyển minh họa cho thân phận nàng Kiều. Điều đó thật tuyệt vời!”
Có thể nói, hơi thở thời đại trong Truyện Kiều và những điều mà đại thi hào Nguyễn Du muốn gửi gắm qua đại tác phẩm này chưa bao giờ cũ. Điều đó được thể hiện và minh chứng cho sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều trong suốt hơn hai thế kỷ qua và vẫn đang được những người yêu nghệ thuật và văn hóa khai thác những góc khuất đầy thú vị của tác phẩm này.
| NSND Anh Tú làm mới “Truyện Kiều” trên sân khấu kịch Dựa trên kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1765 - 1820), vở ... |
| Lão lương y “nhặt lỗi” Truyện Kiều Lương y Nguyễn Khắc Bảo, chủ hiệu thuốc Đông y gia truyền “Hiệu Cao Chọi” ở thành phố Bắc Ninh dày công sưu tầm và ... |
| Đưa nàng Kiều trở lại nước Đức Trong nhóm trí thức tham gia phục dựng Truyện Kiều tiếng Đức hồi cuối năm 2015 có một cái tên rất đặc biệt: Claudia Việt ... |